Trận Mosul nhắc nhở: Ưu thế trên không chưa phải là tất cả

Quân đội Ukraine cho rằng, họ không có lợi thế trước quân Nga là do không có ưu thế không quân. Nhưng nên nhớ trong trận Mosul, 90.000 quả bom không thể thổi bay 4.000 bộ binh và ưu thế trên không chưa phải là tất cả.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, dựa vào lợi thế chiếm ưu thế tuyệt đối trên không, liên quân do Mỹ đứng đầu đã mở cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu quân sự có giá trị cao ở Iraq ngay trận đầu tiên.

Trong cuộc không kích kéo dài 42 ngày, liên quân đã xuất kích tổng cộng 114.000 lượt máy bay chiến đấu các loại, thả 88.500 tấn đạn dược các loại xuống các mục tiêu quân sự có giá trị cao của Iraq; trong đó có 9.300 quả bom dẫn đường bằng laser và 5.100 tên lửa không đối đất Maverick.

Việc sử dụng quy mô lớn các bom đạn từ trên không đã làm suy yếu nghiêm trọng ý chí chiến đấu của quân đội Iraq. Do đó, chỉ trong 100 giờ giao tranh trên bộ sau đó, lực lượng tấn công trên bộ của Mỹ và liên quân, đã gây thiệt hại nặng nề và tiêu diệt 38 sư đoàn của Iraq với cái giá chỉ là 148 người chết.

Chính vì vậy, khi các thế hệ tương lai nghiên cứu về Chiến tranh vùng Vịnh, họ luôn cho rằng thắng lợi của cuộc chiến này là nhờ vào các cuộc không kích của các lực lượng liên minh. Tuy nhiên cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 500 ngày đang diễn ra, dường như đã lật ngược quan điểm này.

Tờ Sina của Trung Quốc phân tích rằng, mặc dù ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, dưới sự tấn công của vũ khí dẫn đường tầm xa chính xác cao của quân đội Nga, hầu hết các hoạt động Lực lượng Không quân Ukraine đã bị quân đội Nga xóa sổ và Bộ Quốc phòng Nga cũng ngay lập tức tuyên bố rằng, Không quân Nga đã hoàn toàn kiểm soát ưu thế trên không trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Đánh giá từ một số liệu do Bộ Quốc phòng Nga công bố vào cuối tháng 3 năm nay, trong hơn một năm tham chiến vừa qua, Lực lượng Không quân Nga đã điều động hơn 140.000 máy bay chiến đấu và phá hủy hơn 20.000 mục tiêu quân sự của Ukraine.

Theo tính toán dựa trên dữ liệu này, trong toàn bộ cuộc xung đột, số lượng máy bay chiến đấu xuất kích trung bình mỗi ngày của Không quân Nga vào khoảng 100-200 lượt chiếc; mặc dù tỷ lệ tham gia này thấp hơn nhiều so với mức 2.600 lượt chiếc mỗi ngày của lực lượng liên quân ở vùng Vịnh.

Đối với các hoạt động quân sự đặc biệt hạn chế của quân đội Nga, việc tham gia hàng ngày 100-200 lần xuất kích của Không quân Nga về cơ bản là đủ. Trước sức tấn công liên tục của Không quân Nga, nên có thể khẳng định, cho đến nay, Không quân Nga vẫn nắm thế chủ động trên chiến trường Ukraine.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là với ưu thế trên không trong tay, bước tiến của lục quân Nga tại sao lại không thần tốc như khi liên quân đánh bại quân đội Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh?

Dưới sự kháng cự ngoan cường của quân đội Ukraine, dù là trận giao tranh sớm trên đường phố ở Mariupol hay trận chiến ác liệt ở Bakhmut cách đây không lâu, bước tiến của lực lượng bộ binh Nga cũng không mấy suôn sẻ.

Trước tình hình này, hầu hết các ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, nguyên nhân là do Không quân Nga tác chiến kém hiệu quả và không đủ vũ khí dẫn đường chính xác cao; nếu không, Ukraine đã bại trận từ lâu?

Trên thực tế, lập luận này vẫn là lý thuyết “duy ý chí” về ưu thế trên không, và quan điểm cho rằng chiếm ưu thế trên không là giành thắng lợi, từng được coi là tư tưởng chỉ đạo của xung đột hiện đại; nhất là trong lý luận quân sự của phương Tây.

Tuy nhiên, không chỉ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine mà trong một số chiến dịch quân sự do quân đội Mỹ phát động trước đây, những tình huống tương tự đã lần lượt xuất hiện.

Trong số đó, điển hình nhất là cuộc chiến tái chiếm Mosul nổ ra ở Iraq. Tháng 10/2016, nhằm giành lại thành phố Mosul bị “Nhà nước Hồi giáo IS” chiếm đóng, Chính phủ Iraq với sự hỗ trợ của Mỹ đã tổ chức hơn 100.000 quân chính phủ bao vây thành phố Mosul, với hơn 4.000 tay súng IS.

Trong giai đoạn này, để hỗ trợ lực lượng chính phủ Iraq chống lại hơn 4.000 chiến binh trong thành phố, Không quân Hải quân Mỹ và các lực lượng không quân đồng minh, đã huy động tất cả các lực lượng không quân xung quanh, để thực hiện ném bom rải thảm vào thành phố Mosul.

Theo dữ liệu, từ khi Mosul thất thủ vào năm 2014 đến khi lực lượng chính phủ khôi phục hoàn toàn Mosul vào năm 2017, Không quân Mỹ đã thả hơn 90.000 quả bom dẫn đường chính xác xuống thành phố. Có thể nói, đợt không kích này đã tiêu hao hoàn toàn kho bom dẫn đường bằng vệ tinh mà Không quân Mỹ tích lũy trong hơn mười năm.

Trong các cuộc không kích sau đó, để đối phó với các đường hầm dưới lòng đất của các phần tử khủng bố của “Nhà nước Hồi giáo IS”, quân đội Mỹ thậm chí đã sử dụng bom xuyên đất GBU-31 nặng 900 kg.

Sau khi gánh chịu thương vong lớn, quân chính phủ Iraq dưới sự trợ giúp của Mỹ và Anh đã dần thu hồi được phần lớn Mosul trong 9 ngày sau đó. Vì vậy, trận chiến thu hồi Mosul còn được quân đội Mỹ coi là “cuộc chiến đô thị khó khăn nhất kể từ Thế chiến II”.

Từ đó có thể thấy, trong tác chiến hiện đại, lực lượng không quân khổng lồ của Mỹ chỉ có tác dụng chống lại lực lượng chính phủ Iraq vào thời điểm đó. Sau đó, cho dù đó là cuộc chiến Afghanistan sau đó hay “Chiến dịch Mosul”, lực lượng không quân Mỹ đã không còn khả năng lập lại kỷ lục “thần thánh” trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Cũng vì lý do đó, với sự kháng cự ngoan cường của quân đội Ukraine, Không quân Nga không thể đạt được hiệu quả tương tự như Không quân Mỹ đó cũng là điều hợp logic. Từ những khía cạnh này, có thể thấy rằng việc chiếm ưu thế tuyệt đối trên không không phải là “điều kiện tiên quyết” dẫn đến chiến thắng.

Tuy nhiên khi không có không quân yểm trợ, một chiến thắng như vậy sẽ gặp rất nhiều thương vong và phải trả giá đắt; đặc biệt là trong các trận đánh trong đô thị, nơi kết quả của cuộc chiến phụ thuộc vào bộ binh.

Trước đó, liên quan đến kinh nghiệm và bài học của cuộc xung đột Nga-Ukraine, tờ "Eurasia Times" của Ấn Độ đã thẳng thắn chỉ ra rằng, trong xung đột hiện đại, ngoài hiệu suất của vũ khí, tinh thần của binh lính cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giành lợi thế.

Sở dĩ Ukraine có thể chống lại cuộc tấn công của quân đội Nga ngày nay là ngoài sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nước phương Tây, không thể bỏ qua sự phản kháng liên tục của Ukraine.

Thử tưởng tượng, nếu trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, nếu không bị quân đội Mỹ mua chuộc các tướng lĩnh cao cấp của Iraq và tinh thần chiến đấu của binh lính Iraq không bị sa sút trong các cuộc không kích, thì quân đội Mỹ liệu có nhanh chóng đánh bại Iraq nhanh chóng như vậy? Nếu Quân đội Iraq kiên cường bám trụ như lực lượng Taliban ở Afghanistan, thì chắc chắn Quân đội Mỹ phải trả một cái giá rất đắt.

Vì vậy, qua xung đột Nga-Ukraine ngày nay và cuộc chiến giành lại Mosul có thể thấy, việc chiếm ưu thế tuyệt đối trên không chưa chắc đã mang lại lợi thế tuyệt đối. Nhiều trận đánh then chốt phải dựa vào lực lượng mặt đất và chiến thắng cuối cùng vẫn phải dựa vào lực lượng bộ binh.

Tiến Minh (theo Sina, Eurasiatimes)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tran-mosul-nhac-nho-uu-the-tren-khong-chua-phai-la-tat-ca-1893647.html