Trần Nhật Duật - vị tướng hào hoa

Chân dung của tướng Trần Nhật Duật (1255 - 1330) có vẻ như khó lột tả, khi con người ông đầy tính nghệ sĩ nhưng lại là mẫu người kiên cường, dũng cảm.

Ông là người văn võ song toàn, vị tướng nổi bật ở 2 trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, làm quan qua nhiều đời vua nhà Trần với chức cao nhất là Thái sư. Thêm nữa, ông lại là con người nghệ sĩ, thích nghiên cứu ngôn ngữ, mê đàn sáo…

Có vẻ như với Chiêu văn Đại Vương Trần Nhật Duật, các nhà sử học thời phong kiến không thể tìm ra được khiếm khuyết để chê ông dù vị tướng này không có dáng vẻ đạo mạo, mẫu mực của nhà Nho mà có cuộc sống phóng khoáng đầy chất thơ.

Họ thường ví ông như Quách Tử Nghi của nhà Đường (Trung Quốc): Công trùm trời đất mà chủ không nghi, địa vị vượt muôn người mà không ai đố kỵ. Đây là điều để nhiều đời vua Trần (Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông) sử dụng ông như là một trụ cột của quốc gia mà không hề mảy may lo lắng.

Tượng đài nguyên lão tứ triều Trần Nhật Duật tại cửa sông Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ

Tượng đài nguyên lão tứ triều Trần Nhật Duật tại cửa sông Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ

Vị tướng tài ba và trận Hàm Tử quan

Đầu năm 1284, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Trấn Nam vương Thoát Hoan chia quân làm ba đạo xâm lược Đại Việt. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trấn thủ lộ Tuyên Quang buộc phải lui binh. Khi xuôi dòng sông Chảy, ông nhận xét: "Truy kích thì phải nhanh, nay chúng lại đi thong thả, sợ có quân phía trước đón chặn". Sau đó, Chiêu Văn Vương sai người đi do thám, quả nhiên thấy người Nguyên đã cho quân chặn ngang ở Hạ Lưu. Nhật Duật mới đưa quân lên bộ và rút lui an toàn khỏi Yên Bái. Đây là sự tinh tế, hiểu biết về khoa học quân sự của vị tướng trẻ chưa đầy 30 tuổi.

Trong thế trận giằng co, diễn biến phức tạp ở cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2, quân nhà Trần vừa đánh, vừa tìm cách bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản công. Lực lượng chính của nhà Trần vừa thoát gọng kìm của giặc, lui về Thanh Hóa thì Trần Nhật Duật chỉ huy 5 vạn quân đánh trận Hàm Tử quan, nơi được coi là trận mở đầu của chiến dịch tổng phản công của quân đội Đại Việt.

Trận đánh diễn ra vào cuối tháng 4/1285, Trần Nhật Duật đã dụng binh một cách kỳ lạ để chiến thắng. Với khả năng nói tiếng Trung Quốc của mình, ông đã thu dụng đội quân nhà Tống do Triệu Trung chỉ huy chạy dạt sang Đại Việt nương nhờ. Khi trận đánh diễn ra, quân Nguyên Mông thấy quân Tống xuất hiện đã hoang mang vì không nắm được tình hình ở Trung Quốc đã xảy ra chuyện gì để quân Tống hợp lực với quân Đại Việt phản công. Do vậy, trước sức tấn công mãnh liệt của đội quân nhà Trần, quân Nguyên Mông tan vỡ, tháo chạy. Có thuyết cho rằng, vì quân của Triệu Trung trong hàng ngũ Đại Việt xung trận quân Tống trong hàng ngũ Nguyên Mông không tận lực nên sức chiến đấu giảm sút.

Chiến thắng Hàm Tử quan được anh trai của Trần Nhật Duật là Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải lưu danh trong bài thơ bất hủ của ông “Tụng giá hoàn kinh sư”: Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái Bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu. Bài thơ nêu bật vai trò quan trọng của hai trận đánh ở cửa Hàm Tử và bến Chương Dương trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần 2.

Ở cuộc chiến Đại Việt - Nguyên Mông lần 3, sách sử không nhắc nhiều đến vai trò của Trần Nhật Duật, chỉ biết ông là tướng chỉ huy của 4 vạn quân, đánh nhiều trận thắng lợi.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nhận định: Trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Đại Việt có rất nhiều dũng tướng, nhưng có “Ngũ hổ tướng quân” là Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão và Trần Nhật Duật. Danh sách này có thể thay đổi theo quan niệm, góc nhìn của mỗi người (ví dụ có thể nhắc đến Trần Thủ Độ, Lê Phụ Trần, Nguyễn Khoái, Trần Quốc Toản...) nhưng không thể thiếu vị tướng trẻ, tài cao học rộng Trần Nhật Duật.

Bản lĩnh phi thường

Điều đặc biệt, vị tướng Trần Nhật Duật khá giống với anh trai của ông là Trần Quang Khải ở tính cách nghệ sĩ, dù có vẻ mềm mại nhưng bản lĩnh cứng cỏi đến độ phi thường. Đặc biệt, vị tướng này say mê và có khả năng học nhiều ngoại ngữ được xem là xưa nay hiếm. Ông đã vận dụng thế mạnh này trong chiến trận như dùng Triệu Trung đã nói ở trên và ở những lần thu phục các chúa vùng biên.

Sách sử còn kể lại, Trần Nhật Duật thường cưỡi voi đến thôn Bà Già (Hà Nội, nơi định cư của người Chiêm) để học hỏi về ngôn ngữ, văn hóa người Chiêm. Ông thường đến thăm chùa Tường Phủ đàm đạo với tăng sĩ người Tống. Ông hay trò chuyện với Trần Đạo Chiêu, người Tống, hàng tiếng đồng hồ. Ông giỏi tiếng Trung Quốc đến nỗi sứ thần Trung Quốc khăng khăng ông là người Chân Định (một vùng văn vật của Trung Quốc, gần Bắc Kinh) dù ông đã nói rõ ông là người Việt.

Dưới triều Trần Nhân Tông, có lần nước Sách Mã Tích (có thể là Singapore ngày nay) sang triều cống, không ai hiểu tiếng nước này, vua phải cho gọi Trần Nhật Duật đến phiên dịch. Cũng do thông thạo nhiều thứ tiếng của dân tộc thiểu số mà Trần Nhật Duật khi mới 20 tuổi được vua cử phụ trách các vấn đề về dân tộc.

Khá nhiều câu chuyện về Trần Nhật Duật nói đến sự điềm tĩnh đến kỳ lạ của ông trong cuộc sống. Tuy nhiên, nói về bản lĩnh phi thường của ông sách Sử ký Đại Việt toàn thư cũng như các sách sử sau này nhắc đến chuyện ông một mình tay không tấc sắt dám vào trại của chúa đạo Đà Giang, miền núi Tây Bắc, Trịnh Giác Mật. Đó là vào năm 1280, Trịnh Giác Mật tụ họp dân nổi lên chống lại triều đình. Lúc này quân Nguyên Mông cũng đang chuẩn bị đánh Đại Việt. Trần Nhật Duật được vua cử đi dẹp loạn.

Chúa Đà Giang Trịnh Giác Mật bắn tin nếu Trần Nhật Duật dám một mình một ngựa đến gặp hắn, hắn sẽ ra hàng. Trịnh Giác Mật tin rằng không ai có thể vào rừng dao biển lửa được. Trước kia có chuyện Quan Vân Trường một mình, một đao phó hội gặp Lỗ Túc - Đại đô đốc Đông Ngô cho thấy đảm lược của vị tướng này.

Nhưng có lẽ Trần Nhật Duật đảm lược không kém vì ông thân vào rừng núi hiểm trở không có đường thoát như Quan Vân Trường, với một đối thủ khó lường hơn rất nhiều là một vị chúa đất đang nổi loạn chống triều đình. Trần Nhật Duật chỉ mang theo mấy tiểu đồng cắp tráp đi hầu, thản nhiên, sắc mặt không đổi khi đi qua rừng gươm giáo của quân Trịnh Giác Mật.

Ông vào nói chuyện với Trịnh Giác Mật bằng thổ ngữ của họ, ăn uống bằng cách của họ (trong đó có việc uống rượu bằng mũi). Trịnh Giác Mật cảm phục Trần Nhật Duật (lúc đó mới 27 tuổi) và xin hàng triều đình. Như vậy, Trần Nhật Duật không mất mũi tên nào mà dẹp được phản loạn, hơn thế còn thu phục họ, để họ còn giúp sức cho triều đình trong việc giữ yên bờ cõi.

Có nhiều truyền thuyết kể về sự ra đời kỳ lạ của Trần Nhật Duật, truyền thuyết kể rằng: Lễ cầu tự kéo dài 21 ngày, một đêm Vũ Phi nằm mộng thấy ngôi sao lớn từ trên không rơi xuống giường nằm của mình, từ đấy bà có mang, đến giờ Ngọ ngày mồng 10 tháng 4 năm Ất Mão (1255) sinh một hoàng tử, dung mạo khác thường, được đặt tên là Nhật Duật.

Cuộc đời vị tướng này đã chứng minh được sự “khác thường” đó: Ông cả lúc làm tướng chiến trường lẫn lúc làm quan triều trình đều xử sự không giống người có quyền lực gần như chỉ sau vua, ông không hề tỏ ra có ham muốn tranh quyền đoạt vị. Ông là người biết dành thời gian cho một con người khác của mình: Yêu thích âm nhạc, sáng tác nhiều bản nhạc, tham gia tổ chức và diễn xướng âm nhạc.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét về Trần Nhật Duật: “Ông là bậc thân vương tôn quý, trải quan bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, ở nhà không ngày nào không mở cuộc chèo hát, bày trò chơi, mà không ai cho là say đắm, so với Quách Tử Nghi cùng xa cực xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế” (Đại Việt Sử Ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB văn học 2009, trang 368).

Trần Nhật Duật là người ở trong thời kỳ rực rỡ nhất của triều đại nhà Trần, người có công lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Đại Việt hùng mạnh. Với tài năng về quân sự, ông là tướng chỉ huy thắng những trận đánh lớn có tính quyết định. Với sự am hiểu về văn hóa - văn chương uyên bác, ông là nhà cai trị đất nước vững vàng, xứng đáng là trụ cột quốc gia qua nhiều đời vua.

Trần Nhật Duật là người ở trong thời kỳ rực rỡ nhất của triều đại nhà Trần, người có công lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Đại Việt hùng mạnh. Với tài năng về quân sự, ông là tướng chỉ huy thắng những trận đánh lớn có tính quyết định. Với sự am hiểu về văn hóa - văn chương uyên bác, ông là nhà cai trị đất nước vững vàng, xứng đáng là trụ cột quốc gia qua nhiều đời vua.

Nguyễn Hưng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-tran-nhat-duat-vi-tuong-hao-hoa-379043.html