Trận thất bại khủng khiếp nhất của Hải quân Nga trong lịch sử

Hải đội Thái Bình Dương số 2 đi nửa vòng trái đất để rồi chịu sự thất bại khủng khiếp trong trận hải chiến gần đảo Tsushima của Nhật Bản.

Vào đầu thế kỷ XX, vị thế chi phối của Nga tại khu vực Viễn Đông bị thách thức từ phía Nhật Bản. “Đất nước mặt trời mọc” từng tự cô lập hoàn toàn, nhưng lúc đó đã được hiện đại hóa và tái vũ trang, công khai tuyên bố về lợi ích địa chính trị của mình tại Triều Tiên và vùng Đông Bắc Trung Quốc. Đây cũng là khu vực lợi ích truyền thống của Nga.

Chiến tranh Nga-Nhật nổ ra năm 1904-1905 đã gây sốc cho toàn thế giới. Chẳng ai có thể hình dung được rằng, quân đội Sa hoàng Nga trong suốt cuộc chiến không thắng một trận nào, còn Hải quân Nga trong trận hải chiến Tsushima thì chịu thất bại khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Ảnh: Mary Evans Picture Library/Global Look Press.

Ảnh: Mary Evans Picture Library/Global Look Press.

Vượt quãng đường dài

Ngày 15-10-1904, những chiếc tàu chiến thuộc Hải đội Thái Bình Dương số 2 được thành lập trên biển Baltic rời cảng Libava (nay là thành phố Liepaja, Latvia). Đoàn sẽ phải vượt qua quãng đường nửa vòng trái đất để đến khu vực biển Hoàng Hải và hỗ trợ cho Hải đội Thái Bình Dương số 1 đang chịu sức ép rất lớn từ phía Hải quân Hoàng gia Nhật Bản.

Đêm 22-10-1904, những chiếc tàu Nga ở gần bờ biển nước Anh đã nổ súng vào các tàu cá nước này, tưởng nhầm họ là lực lượng biệt kích của Nhật Bản. Kết quả làm một số ngư dân Anh thiệt mạng, và sau đó nhờ sự nỗ lực rất lớn của các nhà ngoại giao Nga nên xung đột mới được giải quyết bằng hòa bình.

Mất 7 tháng ròng rã, Hải đội Thái Bình Dương số 2 của Nga mới đến được khu vực Viễn Đông. Tại khu vực bờ biển Đông Dương, Hải đội Thái Bình Dương số 3 của Chuẩn Đô đốc Nikolai Nebogatov đuổi theo và gia nhập Hải đội số 2. Trước đó, Hải đội số 3 thay vì đi vòng qua châu Phi, đã đi tắt qua kênh đào Suez.

Ngày 27-5-1905, 11 chiếc thiết giáp hạm, 9 chiếc tuần dương hạm, 9 tàu phóng ngư lôi, các tàu vận tải và hỗ trợ dưới quyền chỉ huy của Phó đô đốc Zinovy Rozhestvensky đi vào khu vực eo biển Triều Tiên, cách không xa đảo Tsushima của Nhật Bản, nơi quân địch đang chờ sẵn họ.

Cuộc tàn sát đẫm máu

Liên minh Hải quân Nhật Bản không những có ưu thế vượt trội trước quân Nga về tuần dương hạm và tàu phóng ngư lôi, mà còn được chuẩn bị kỹ cho trận đánh với Hải đội Nga. Đô đốc Togo Heihachiro đầy quyết tâm tiêu diệt ngay đối phương bằng một đòn tấn công.

Tàu của Phó đô đốc Zinovy Rozhestvensky bị quân Nhật phát hiện khi đang tiến vào từ xa, trong khi chỉ huy trưởng phía Nga không những không tiến hành trinh sát, mà còn không có một kế hoạch hành động rõ ràng nào phòng trường hợp đối mặt với quân địch, ngoại trừ việc chạy về phía Vladivostok.

Ảnh: Hulton Archive/Getty Images.

Giương vũ khí lên, Hải đội Nga đi theo đoàn, tàu này nối tiếp tàu khác theo một khoảng cách nhất định nhằm hạn chế tổn thất nếu bị bắn. Bên cạnh những chiếc tàu hiện đại nhất, trong biên chế của Hải đội còn có nhiều tàu đã cũ kỹ lạc hậu, nên đoàn di chuyển với tốc độ trung bình 9 hải lý. Đô đốc Nhật Bản Togo Heihachiro ra lệnh xé nát đối phương đang di chuyển chậm chạp bằng các binh đoàn cơ động nhỏ gồm 4 đến 6 tàu, chạy với vận tốc 16 hải lý. Sau đó, quân Nhật đuổi kịp đoàn tàu Nga và tiến đánh từ những vị trí thuận lợi.

Ngay đầu trận đánh, tàu chỉ huy thiết giáp hạm “Công tước Suvorov” đã bị hư hỏng nặng, trên tàu có Phó đô đốc Zinovy Rozhestvensky. Sĩ quan tham mưu chỉ huy trưởng Vladimir Semenov nhớ lại: “Tôi ngoảnh nhìn ra sau. Thôi chết rồi!... Mui tàu bốc cháy, trên boong ngổn ngang mảnh vỡ của tàu và thi thể binh lính... Các trạm phát tín hiệu, trạm đo khoảng cách, bốt quan sát đạn rơi, tất cả đã bị san phẳng, tất cả đã bị hủy diệt... Sau lưng tôi khói lửa bao trùm!...".

Phó đô đốc Zinovy Rozhestvensky bị thương và được sơ tán sang một tàu khác, còn Hải đội của Nga một lúc sau mất quyền chỉ huy, thảm họa lúc này mỗi lúc càng hiện hữu. Chuẩn Đô đốc Nikolai Nebogatov lên thay vị trí của Phó đô đốc Rozhestvensky cũng không thể tập hợp toàn bộ lực lượng dưới quyền của mình và trên thực tế vẫn tiếp tục chỉ ra lệnh được đơn vị của mình.

Được chuẩn bị tốt cho trận đánh, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn, được vũ trang tốt hơn và có ưu thế vượt trội, Hải quân Nhật ngay từ đầu đã giành được thế chủ động và đến cuối cùng vẫn giữ vững được thế trận. Ban đêm họ đã đánh tan Hải đội Nga, sau đó dễ dàng tiêu diệt và chiếm lấy từng chiếc thiết giáp hạm, tuần dương hạm và tàu phóng ngư lôi.

Kỹ sư Vladimir Kostenko, từng phục vụ trên thiết giáp hạm “Oryol”, kể lại: “Lúc tàu chúng tôi bị tiêu diệt từng chiếc một, bị đạn của quân địch xé nát và lửa thiêu cháy, chúng tôi bị ngã lộn nhào, nhưng vẫn không rời vị trí chiến đấu. Kẻ địch vẫn không bị suy yếu nhiều. Trong trận hải chiến Tsushima, Liên minh Hải quân Nhật Bản chỉ tổn thất 3 tàu phóng ngư lôi, một chiếc trong số đó không phải bị hỏa lực quân Nga tiêu diệt, mà bị chìm do va chạm với một tàu khác của quân Nhật.

Thảm họa

Những tổn thất của Hải đội Nga là nặng nề hơn nhiều so với phía Nhật Bản. Tổng cộng có 21 tàu của Nga bị đối phương tiêu diệt hoặc bị chính thủy thủ đoàn trên tàu phá hủy sau khi bị hư hỏng, gồm: 6 khu trục hạm, 2 thiết giáp hạm, 4 tuần dương hạm, 5 tàu phóng ngư lôi, 1 tàu hỗ trợ và 3 tàu vận tải. 5045 người tử trận, trong đó có 209 sĩ quan.

4 thiết giáp hạm, 1 tàu phóng ngư lôi và 2 tàu bệnh viện buộc phải kéo cờ trắng đầu hàng. Tổng cộng có 7282 người bị quân Nhật bắt làm tù binh, trong đó có 2 chỉ huy trưởng là Phó đô đốc Zinovy Rozhestvensky và Chuẩn Đô đốc Nikolai Nebogatov.

Tuần dương hạm “Oleg” của Nga sau trận hải chiến. Ảnh tư liệu.

7 tàu chạy vào bờ biển Manila và Thượng Hải, nơi sau đó đã bị giam giữ. Đến được khu vực Vladivostok thuộc Nga chỉ có tuần dương hạm “Almaz”, hai tàu phóng ngư lôi “Bravy” và “Grozny” với 870 sĩ quan và thủy thủ trong số 16.000 người trong thành phần Hải đoàn trước trận chiến.

Thảm họa trong trận hải chiến Tsushima đã dẫn đến việc chấm dứt cuộc chiến tranh thất bại của Nga chống Nhật Bản. Bị mất gần như toàn bộ lực lượng chủ lực của Hải quân, Nga biến thành cường quốc biển thuộc hàng thứ yếu, uy tín quân sự của nước này trên trường quốc tế bị tổn hại nghiêm trọng, dư luận trong nước bắt đầu nhanh chóng bất mãn với chính quyền, cuối cùng dẫn đến cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất năm 1905-1907.

Tại khu vực Viễn Đông, Đế chế Nga đánh mất hoàn toàn vị thế chi phối của mình. Thay thế Nga nắm vị trí đó là Nhật Bản, tạo cơ hội cho “đất nước mặt trời mọc” tiến hành bành trướng quy mô lớn sang Triều Tiên và Trung Quốc. Đến năm 1945, Liên Xô mới có thể phục thù mối hận thất bại trong trận hải chiến Tsushima này.

QUỐCKHÁNH (theoRBTH)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tran-that-bai-khung-khiep-nhat-cua-hai-quan-nga-trong-lich-su-660796