Trần tình của nữ tiến sĩ - bác sĩ gác chân lên ghế ở Bệnh viện Mắt Trung ương

Sau những ồn ào trên mạng xã hội, vị tiến sĩ - bác sĩ trong clip gác chân lên ghế khi nói chuyện với người nhà bệnh nhân thừa nhận hành động của mình không đẹp.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh (BV Mắt Trung ương) là bác sĩ trong clip gác chân lên ghế khi trao đổi với người nhà bệnh nhân, sự việc ghi lại trong clip xảy ra từ ngày 21/7, khi bác sĩ khám cho bệnh nhân nhỏ tuổi đến từ Quảng Ninh.

Sau khi kê đơn thuốc, giải thích với mẹ của cháu bé và dặn 5 ngày sau tái khám. Khi người mẹ cùng em bé ra ngoài thì có hai người đàn ông xông vào phòng khám, đòi bác sĩ khám lại cho bệnh nhân trên máy móc, vì họ nghe phản ánh từ vợ bác sĩ chỉ “vạch mắt, soi soi” rồi kết luận chứ không được khám trên các máy móc.

Hình ảnh không đẹp của bác sĩ bệnh viện mắt TW gây xôn xao dư luận. (Ảnh cắt từ clip).

Do phản ứng gay gắt của người nhà bệnh nhân, bác sĩ Minh đành phải mời bệnh nhân đang khám dở sang ghế bên cạnh để giải quyết sự việc.

Trong clip cũng thấy, bác sĩ Minh đã có giải thích với người bệnh là đã khám cho bệnh nhân đầy đủ bằng các máy móc phù hợp với chẩn đoán cận thị. Nếu chưa hài lòng, chưa tin tưởng, bác sĩ sẽ giới thiệu hội chẩn ở cấp cao hơn.

Theo lời bác sĩ Minh, bệnh nhi trước khi vào bàn bác sĩ khám đã được 2 điều dưỡng thực hiện 3 thao tác trên 3 loại máy khác nhau, gồm: đo khúc xạ máy; thử thị lực không kính bằng máy; chỉnh kính trên máy.

Sau khi xong 3 lần kiểm tra trên máy của hai điều dưỡng mới chuyển bệnh nhân sang bàn bác sĩ khám. Về quy trình, bác sĩ sẽ phải khám xem bệnh nhân có lác không, khám đáy mắt, soi bóng đồng tử. Để thực hiện 3 thao tác này, bác sĩ sử dụng thêm 2 loại máy.

“Dựa trên những kết quả này, tôi đưa ra chẩn đoán nhưng mang tính sơ bộ trẻ bị cận thị và chưa thể cấp đơn kính cho trẻ ngay”, BS Minh nói.

Bởi đây là bệnh nhi 8 tuổi, chưa từng đeo kính mà đã cận 6, 7 đi ốp nên bệnh nhân cần được sử dụng thuốc liệt điều tiết. Bác sĩ Minh đã chỉ định, hướng dẫn nhỏ thuốc liệt điều tiết trong 5 ngày sau đó mới khám lại để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về thị lực của trẻ.

Bác sĩ Minh cũng thừa nhận hành động của mình là chưa đúng

Về hành động ngồi gác chân, bản thân bác sỹ Minh cũng tự nhận thấy tư thế ngồi co chân trên ghế không đẹp mắt.

“Tôi thấy tư thế ngồi của mình là sai. Tôi phải rút kinh nghiệm vì tư thế ngồi không đúng. Nhưng quả thật tôi bị ảnh hưởng về tâm lý, căng thẳng, mỏi mệt không tự chủ được hành vi chân tay. Còn đầu tôi chưa lẫn vì không nói câu nào xúc phạm bệnh nhân. Ngày thường, khi khám cho bệnh nhân tôi cũng không ngồi như thế”, BS Minh trần tình.

Do nghe người nhà bệnh nhân nói bác sĩ không khám mà chỉ “vạch vạch, soi soi”, lại thấy tư thế ngồi không được đẹp mắt của bác sĩ, các cư dân mạng đã bày tỏ những bức xúc về thái độ, ý đức của bác sĩ Minh.

“Tôi nhận lỗi, rút kinh nghiệm về tư thế ngồi không đẹp mắt, nhưng về biểu hiện, thái độ với người bệnh và chuyên môn của mình, tôi không sai. Sau sự việc, tôi thấy mình bị tổn thương bởi tôi chưa làm gì sai cho bệnh nhân nhưng nhiều người đã vội đánh giá chuyên môn, thái độ của người thầy thuốc, cho rằng tôi khám qua loa cho người bệnh”, BS Minh nói.

Phạm Tâm (TH)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/tran-tinh-cua-nu-tien-si-bac-si-gac-chan-len-ghe-o-benh-vien-mat-trung-uong-p43091.html