Trăn trở của những đại sứ bắc cầu nối Việt Nam với thế giới

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Hải Bằng từng chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại giao 30 vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, 'xây dựng mối quan hệ giữa 2 nước giống như xây một ngôi nhà 3 tầng'. Trong đó, ngoài quan hệ tốt đẹp ở 'tầng' chính trị, ngoại giao giữa 2 chính phủ, giao lưu tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp của hai nước và giao lưu nhân dân góp phần đưa quan hệ song phương đạt tới đỉnh cao.

Các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trao đổi tại tọa đàm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 30. Ảnh: N.Hồng

Thúc đẩy ngoại giao phục vụ kinh tế, đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Hải Bằng cho biết, quan hệ Việt Nam - Thái Lan hiện “đang ở thời điểm tốt đẹp nhất từ trước đến nay”.

“Từ trước tới nay, chưa bao giờ Việt Nam và Thái Lan quan trọng đối với nhau như bây giờ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Các nhà đầu tư Thái Lan hiện đang coi Việt Nam là một trong những thị trường số một. Rất nhiều doanh nghiệp Thái Lan xem Việt Nam là thị trường đầu tiên khi muốn vươn ra khỏi thị trường nội địa. Thương mại 2 nước hiện nay đạt 16 tỉ USD - kim ngạch thương mại song phương. Khả năng đạt được mốc 20 tỉ USD vào năm 2020 như 2 Thủ tướng đã nhất trí trong chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 8.2017 là hoàn toàn khả thi” - Đại sứ Nguyễn Hải Bằng nói.

Ông Nguyễn Hải Bằng - Đại sứViệt Nam tại Thái Lan. Ảnh: ĐSQ.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, kinh tế luôn là lĩnh vực hợp tác chủ đạo giữa Việt Nam - Thái Lan. Hai nước có nhiều cơ chế hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển về kinh tế như: Ủy ban hỗn hợp về thương mại Việt Nam - Thái Lan giữa Bộ Thương mại Thái Lan và Bộ Công Thương, Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Thái Lan... Đặc biệt, trong năm 2018, hai nước dự kiến có cuộc họp Nội các chung - cơ chế hợp tác rất đặc biệt không phải 2 nước nào cũng thiết lập được - nhằm đưa ra các định hướng về hợp tác kinh tế.

Xác định ngoại giao kinh tế là một trong những trụ cột hết sức quan trọng cần thúc đẩy, Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An cho rằng, Với nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam và Anh còn nhiều cơ hội mới để mở rộng và làm sâu sắc hơn trong các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại. Theo Đại sứ, kinh tế - thương mại giữa hai nước tăng trưởng ngoạn mục. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước đạt 6,1 tỉ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 5,4 tỉ USD và nhập khẩu 700 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, thương mại hai chiều tăng 40%. Anh cũng thuộc top 15 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn là 3,7 tỉ USD.

Tuy nhiên, vẫn còn dư địa lớn cho hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này. Theo ông, xuất khẩu từ Việt Nam năm 2017 dù chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch thương mại song phương nhưng vẫn chưa tới 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh, mức đầu tư vào Việt Nam vẫn còn chưa nhiều so với 500 tỉ USD tổng đầu tư của Anh ra nước ngoài.

Đại sứ Việt Nam tại Anh, ông Trần Ngọc An. Ảnh: N.Hồng.

Đại sứ Việt Nam tại Anh cho biết, trong bối cảnh Brexit, triển vọng phê chuẩn các FTA giữa ASEAN - EU và khả năng ký FTA song phương, Anh ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong quá trình mở rộng, tăng cường quan hệ ra ngoài các đối tác truyền thống, ra ngoài khu vực EU, “các doanh nghiệp lớn của Anh đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn hàng đầu trong khu vực và dự báo trong trung hạn, dài hạn cũng rất tích cực. Tôi hy vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới từ Anh vào Việt Nam” - ông Trần Ngọc An nói. Các lĩnh vực được nền kinh tế lớn thứ 2 Châu Âu và thứ 5 thế giới với tiềm lực mạnh mẽ quan tâm trong đầu tư vào Việt Nam như: Tài chính, bảo hiểm, dịch vụ, tư vấn công nghệ cao, công nghệ thông tin...

Đánh giá Mozambique là thị trường rất quan trọng ở khu vực Châu Phi đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ Lê Huy Hoàng bày tỏ tin tưởng “chắc chắn đây là thị trường rộng mở cho nhiều loại ngành hàng như: Viễn thông, khai khoáng titan, lâm nghiệp, thủy hải sản... Tôi tin chắc thị trường Mozambique sẽ là nơi doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư lâu dài, có chỗ đứng và còn mở rộng ra nhiều nước trong khu vực”.

Chia sẻ về điểm sáng của doanh nghiệp Việt Nam tại Mozambique, ông cho biết, tập đoàn Viettel đang đầu tư trên 600 triệu USD vào thị trường này và bước đầu đã có một số dấu hiệu rất thành công, là nguồn động viên cho các doanh nghiệp khác.

Đại sứ Việt Nam tại Mozambique cho hay, Mozambique đang trải thảm đỏ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong chính sách, cơ chế, đất đai cho tới quy chế xuất nhập khẩu. Ông cho rằng, các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là lúa gạo và các sản phẩm công nghiệp được Mozambique rất coi trọng, đánh giá cao về chất lượng.

Vấn đề của chúng ta là có vượt qua rào cản địa lý xa xôi để đến với thị trường này không. Tôi rất mong trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều quyết tâm, nỗ lực hơn để sang thăm dò, tận mắt chứng kiến, tìm hiểu cơ hội ở đây” – ông nói.

Quảng bá văn hóa, giá trị của cộng đồng người Việt

Ví von xây dựng mối quan hệ giữa 2 nước giống như xây một ngôi nhà 3 tầng, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan cho rằng, để đưa quan hệ song phương lên tầm cao nhất, ngoài quan hệ tốt đẹp giữa chính phủ với chính phủ và giao lưu tương tác làm ăn giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần phải tăng cường giao lưu nhân dân. “Chừng nào nhân dân 2 nước hiểu biết, yêu quý, am hiểu văn hóa, ẩm thực của nhau, qua lại thăm viếng, chữa bệnh, học tập du lịch ở mức độ rất cao thì có thể nói là khi quan hệ song phương đạt đỉnh cao” - ông nói.

Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp cho rằng, thúc đẩy ngoại giao văn hóa không chỉ góp phần quảng bá văn hóa của Việt Nam mà còn quảng bá các giá trị của cộng đồng người Việt đang sinh sống ở sở tại. Đại sứ cho rằng, có hai kênh để thúc đẩy ngoại giao văn hóa là sự phối hợp giữa cơ quan đại diện ngoại giao với cơ quan trong nước chuyên trách về văn hóa cũng như sự phối hợp với các cơ quan trong nước phụ trách về cộng đồng người Việt.

"Với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, việc này (thúc đẩy ngoại giao văn hóa - PV) có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi cộng đồng người Việt tại Pháp là cộng đồng có số lượng rất đông, hội nhập rất sâu và được xã hội Pháp đánh giá cao về sự đóng góp. Thêm vào đó, quan hệ lịch sử giữa Việt Nam đã có sự gắn bó, giao lưu trao đổi hơn 1 thế kỷ” - Đại sứ Nguyễn Thiệp nói.

Tại Anh hiện có 8 vạn người Việt sinh sống và 12.000 sinh viên người Việt đang học tập. Theo Đại sứ Trần Ngọc An, nhìn chung Anh đánh giá cộng đồng Việt Nam là cộng đồng cần cù, chịu khó, hội nhập tốt và đại đa số có nhiều đóng góp cho sở tại.

Với số lượng bà con kiều bào đông đảo, hoạt động cộng đồng cũng được coi là một trong những trọng tâm hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh với nhiều chương trình phục vụ cộng đồng, tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ cộng đồng trong cuộc sống, hiểu biết về pháp luật, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa. Nhiều hoạt động được tổ chức như: Dạy tiếng Việt, tổ chức Tết Trung thu, Tết cổ truyền hoặc các giải thể thao cũng như những hoạt động từ thiện hướng về đất nước...

Hải Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tran-tro-cua-nhung-dai-su-bac-cau-noi-viet-nam-voi-the-gioi-626969.ldo