Trăn trở sau nửa đầu kỳ họp Quốc hội

Theo quan sát những ý kiến thảo luận, cách thức phân bổ thời gian, lựa chọn nội dung cho thấy phần nào sự ưu tiên của Quốc hội (QH) tại kỳ họp này.

Trong những ưu tiên ấy có những nội dung được đưa vào chương trình giám sát của QH. Chẳng hạn như giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống đại dịch COVID-19 và kèm theo là thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, có thể đã bộc lộ rất nhiều mặt hạn chế, bất cập qua hai năm dịch vừa rồi.

Ưu tiên còn được thể hiện qua những vấn đề nóng mà đại biểu (ĐB) QH 17 ngày qua lựa chọn để thay mặt cử tri phát biểu, thảo luận, góp ý trong các không gian của nghị trường, cả ở phiên toàn thể hay ở từng phòng họp tổ.

Trong những nội dung ấy, vấn đề nhức nhối cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai lan rộng từ trung ương xuống địa phương, từ khu vực công đến tư thu hút khá nhiều sự quan tâm của các vị ĐB. Chiếm không nhỏ thời lượng thảo luận chung về kinh tế - xã hội, cả ở phiên toàn thể và các phòng họp tổ, nhiều ý kiến phát biểu tập trung, xoay quanh, lật đi lật lại hiện tượng này, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Điểm nóng mới nhất là thiếu điện, đến mức mà ngay trong mùa hè này miền Bắc có nguy cơ “thiếu điện hầu hết giờ trong ngày”, cũng trở thành chủ đề mà nhiều ĐBQH băn khoăn, trăn trở, thậm chí bức xúc.

Thế nhưng có điều hơi tiếc là hai vấn đề lớn, bức bối như vậy ở QH mới dừng lại là ý kiến có vẻ còn đơn lẻ của ĐB, chưa trở thành nghị trình chính thức của kỳ họp.

Và trong phiên chất vấn hai ngày rưỡi qua, bốn nhóm vấn đề được đưa ra để chất vấn và trả lời chất vấn chỉ là các lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải. Tương ứng là bốn bộ trưởng đứng đầu quản lý nhà nước các lĩnh vực này. Các phó thủ tướng hay bộ trưởng, trưởng ngành khác lên báo cáo, giải trình cũng chỉ xoay quanh các chủ đề này.

Là cử tri quan sát kỹ về hoạt động của QH, chúng ta không khỏi băn khoăn: Sao ngay trong kỳ họp này, QH không tổ chức các phiên họp, thảo luận chuyên đề về thiếu điện, nguyên nhân và giải pháp; hay một phiên họp riêng về giải pháp cho cán bộ dám nghĩ, dám làm để khắc phục ngay tình trạng trì trệ trong hệ thống hành chính công vụ?

Cái gì QH đã bàn, ĐBQH đã nêu thì đều quan trọng. Nhưng có lẽ phản ứng tức thời với đòi hỏi của cuộc sống, thực sự hòa mình vào dòng chảy của thời cuộc, trong sự mong mỏi của đông đảo cử tri hẳn vẫn còn nhiều dư địa cho đổi mới hoạt động của cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tran-tro-sau-nua-dau-ky-hop-quoc-hoi-post737100.html