Trăn trở xung quanh những phiên tòa xét xử tội 'Hủy hoại rừng'

Những năm gần đây, các vụ án 'Hủy hoại rừng' và 'Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng' ở các huyện miền núi xảy ra ngày càng nhiều. Chỉ riêng huyện Hướng Hóa, trong năm 2022 có 10 vụ 'Hủy hoại rừng', 2 vụ 'Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng' bị khởi tố, đưa ra xét xử mà hầu hết đối tượng gây án là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những vụ án được đưa ra xét xử về tội danh này luôn khiến những người tiến hành tố tụng và tham gia phiên tòa phải trăn trở, bởi lẽ 'động cơ' gây án của các bị cáo rất giản đơn nhưng hậu quả của hành vi lại rất nghiêm trọng. Nhiều diện tích rừng, trong đó có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị 'chảy máu' bởi sự thiếu ý thức của người dân. Hành vi này gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường, đòi hỏi phải có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Mới đây, TAND huyện Hướng Hóa đã mở phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Hồ A Mớc (sinh năm 1980) và Hồ Thị Lan (sinh năm 1983), cùng trú tại xã Hướng Lộc, về tội “Hủy hoại rừng”. Cụ thể, cả hai bị cáo đã có hành vi dùng rựa và máy cưa dạng bánh xích để phá hoại 9.200 m2 rừng phòng hộ, 5.000 m2 rừng sản xuất.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống con người. Nhưng trong vụ án này, các bị cáo có quan hệ vợ chồng, lại có đến 7 người con đang tuổi ăn tuổi học nên quá trình lượng hình, hội đồng xét xử phải xem xét nhiều yếu tố để vừa đảm bảo tính răn đe của pháp luật, vừa đảm bảo tính nhân văn, không đẩy gia đình họ lún sâu vào bi kịch.

Áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ, hội đồng xét xử đã tuyên người chồng mức án 39 tháng tù giam, người vợ 36 tháng tù treo. Tuy vậy, là lao động chính trong nhà, việc người chồng đi tù khiến gánh nặng gia đình đè lên vai người vợ, con đường học hành của các con bị cáo vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Một vụ án khác xảy ra ở huyện Đakrông, người vợ lại được xác định là “chủ mưu”, chồng là người giúp sức. Gia đình họ là hộ nghèo và thời điểm phạm tội, người vợ chỉ mới 22 tuổi, có hai đứa con nhỏ.

Được xã cấp 40 m2 đất ruộng nhưng vì ruộng thiếu nước, khô hạn nên việc canh tác cho năng suất thấp. Một ngày, khi nhu cầu về đất canh tác trở nên bức bách, hai vợ chồng rủ nhau vào rừng phòng hộ luỗng phát một khoảnh để lấy đất làm nương rẫy. 2 ngày đầu, vợ làm một mình, mấy ngày sau chồng mới vào hỗ trợ.

Tuy nhiên, sức người có hạn nên họ chỉ đốn được cây nhỏ, cây thân to khó hạ nên hai vợ chồng tìm người thân mượn máy cưa để tiếp tục phá rừng. Sự việc sau đó bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, báo cáo lên UBND xã và ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động phát nương rẫy của 2 vợ chồng.

Nếu dừng lại ở đó thì không sao, vậy nhưng vì tiếc công sức bỏ ra, hơn 1 tháng sau, người vợ lại tìm tới khoảnh rừng đó châm lửa đốt. Thiệt hại trong vụ này là 168 cây gỗ bị đốn hạ (gần 62 m3 gỗ); khối lượng củi là 45 ster, tổng trị giá hơn 122 triệu đồng. Khi vụ án đưa ra xét xử, người vợ bị tuyên 9 tháng tù giam, người chồng 6 tháng tù treo.

Thường đối tượng phá rừng được gọi là “lâm tặc”. Vậy nhưng, với những bị cáo người dân tộc thiểu số khi phạm vào tội này, không ai nghĩ họ như thế. Chung quy là do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Một kiểm sát viên chia sẻ rằng, trước đây, nhiều người ra tòa vẫn cứ khăng khăng rừng là của trời, “miềng ưng là miềng phá”.

Sau này, lời khai của các bị cáo “đa đạng” hơn, như do thiếu đất sản xuất, do ảnh hưởng bởi các dự án điện gió… Hầu hết các vụ hủy hoại rừng do bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đều tương tự những vụ việc nêu trên.

Đó cũng chính là điều khiến nhiều người trăn trở khi số người tham gia vào hành vi hủy hoại rừng đều là người trong một gia đình, có trường hợp nhờ cả bà con, họ hàng cùng giúp sức nên quá trình lượng án gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, tuy xác định được mức thiệt hại do hành vi hủy hoại rừng gây ra (chỉ mới tính thiệt hại về kinh tế mà chưa xét đến thiệt hại về môi trường) nhưng bị cáo trong nhiều vụ án không có khả năng bồi thường. Trước kia, mức hình phạt dành cho các tội danh này thường là án treo, vì như đã nói ở trên, hoàn cảnh các bị cáo rất khó khăn, lại đông con, một vụ án thường có nhiều đồng phạm là người thân, họ hàng…

Do tính răn đe chưa cao nên một số đối tượng tiếp tục phạm tội với mức độ ngày càng nhiều hơn trước. Trong những năm gần đây, nhiều vụ án về tội danh này được đưa ra xét xử lưu động; mức án về tội “Hủy hoại rừng” cũng được nâng lên để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Thực tế cho thấy, ngăn chặn nạn phá rừng không chỉ bằng pháp luật mà trọng tâm là phải giải quyết được các nhu cầu cơ bản, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Hay nói cách khác, giải quyết tình trạng phá rừng phải gắn với ổn định dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về bảo vệ rừng thông qua các cuộc họp dân hoặc trực tiếp tại cộng đồng, lan tỏa thông điệp “bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống” đến gần hơn với người dân.

Hiện nay, mô hình quản lý rừng bền vững và dịch vụ hệ sinh thái FSC gắn với sản phẩm du lịch cộng đồng đã được triển khai ở một số xã của huyện Hướng Hóa. Đây là hướng đi mới trong mục tiêu kép bảo vệ, phát triển rừng và tạo thu nhập cho chủ rừng cộng đồng.

Người dân mỗi khi được hưởng lợi từ dự án sẽ có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ nguồn sống của chính họ. Vì thế, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu nhân rộng mô hình này đối với các xã miền núi trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cung-ngam-nghi/tran-tro-xung-quanh-nhung-phien-toa-xet-xu-toi-huy-hoai-rung/175905.htm