Trần Trọng Can - người chiến sĩ can trường

'Đồng chí Can rất can trường'. Đó là nhận xét của những đồng đội từng sống, chiến đấu cùng Anh hùng LLVT nhân dân Trần Trọng Can, người 6 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay trong đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 3 K3-Tam Đảo (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1).

Tại lễ kỷ niệm ngày truyền thống của Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1) mới đây, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hợi, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3-Tam Đảo vui vẻ giới thiệu với mọi người về thành tích trong chiến đấu của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Trọng Can. CCB Nguyễn Văn Hợi nói: “Chúng tôi thường nói tếu táo với nhau rằng, vì anh ấy tên là Can nên chiến đấu rất can trường”. Giải thích với tôi về những nhận xét của đồng đội, CCB Trần Trọng Can cho biết: “Trong chiến đấu, đối mặt với kẻ thù, mình phải có bản lĩnh mới tiêu diệt được chúng!”.

Anh hùng LLVT Trần Trọng Can (thứ hai, từ trái sang) kể chuyện truyền thống với chiến sĩ Trung đoàn 246.

Năm 1967, chàng thanh niên Trần Trọng Can quê xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) vừa tròn 19 tuổi viết tâm thư tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi kết thúc khóa huấn luyện, Trần Trọng Can được biên chế vào Khẩu đội 9 súng máy cao xạ 12,7mm, Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246. Trong trận đánh máy bay Mỹ rải thảm chất độc hóa học ở lèn đá T4 thuộc cao điểm 300 trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị), chiến sĩ Trần Trọng Can, xạ thủ số 1 cùng với khẩu đội bắn rơi 2 chiếc máy bay: C130 và F4H của Mỹ.

Chuyện là, ngày 4-3-1969, Khẩu đội 9 nhận lệnh phục kích, đón lõng bắn máy bay Mỹ rải chất độc hóa học ở địa bàn huyện Cam Lộ. Ngay trong đêm, Khẩu đội trưởng Triệu Văn Chính chỉ huy khẩu đội chuyển súng đạn lên lèn đá T4 xây dựng công sự trận địa chính và dự bị. Sáng 5-3, sau khi ngụy trang hai trận địa cẩn thận, các thành viên trong khẩu đội cơ động đi lấy nước uống và đạn. Trận địa còn lại một mình Trần Trọng Can. Đúng thời điểm ấy, trên trời có tiếng "ù ù". Theo quan sát, Trần Trọng Can phát hiện 3 chiếc máy bay C130 bay theo đội hình hàng dọc, từ hai sải cánh là những luồng chất độc hóa học màu trắng phun ra. Phía cao hơn là một tốp F4H bay hộ tống. Trần Trọng Can lao đến trận địa chính. Súng máy phòng không 12,7mm nổ giòn. Chiếc máy bay C130 trúng đạn bùng cháy, những chiếc máy bay khác khiếp sợ, chạy khỏi tầm bắn. Đúng lúc ấy, Khẩu đội trưởng Chính và các chiến sĩ trong khẩu đội đã cơ động về trận địa. Khẩu đội trưởng Chính quyết định chuyển súng đến trận địa dự bị, quyết tâm tiêu diệt giặc. Khi tốp F4H hộ tống quay trở lại, cả khẩu đội giương cao nòng súng đón đợi. Mỗi khi chúng bổ nhào cắt bom bắn phá trận địa cũng là lúc khẩu 12,7mm lại nổ vang đánh trả làm chúng hoảng loạn. Chiếc F4H ngoan cố hạ thấp độ cao cắt bom đã bị khẩu đội tiêu diệt tại chỗ. Máy bay địch bốc cháy như bó đuốc lao xuống chân cao điểm 300. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 8-3-1969, chiến sĩ trẻ Trần Trọng Can vinh dự được kết nạp Đảng, được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba và hai bằng Dũng sĩ diệt máy bay.

Cũng từ trận đánh đó đến khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Trần Trọng Can đã trực tiếp bắn và chỉ huy khẩu đội tiêu diệt 6 máy bay Mỹ các loại. Qua các chiến công của mình, anh được cấp trên tin tưởng giao phó các chức vụ chỉ huy và trở thành tấm gương cho đồng đội học tập.

Về huyện Lý Nhân (Hà Nam), chúng tôi lại được nghe thêm nhiều câu chuyện về CCB Trần Trọng Can hôm nay-người thương binh hạng 2/4 can trường trên mặt trận chống đói nghèo. Bằng ý chí, nghị lực, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, người CCB ấy đã biến mảnh đất sỏi đá của gia đình thành vườn cây, ao cá, chuồng trại và trở thành tấm gương sản xuất giỏi của địa phương. Hiện nay, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Trọng Can còn tích cực tham gia công tác mặt trận và tham gia Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Hậu.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/tran-trong-can-nguoi-chien-si-can-truong-555821