Trần Văn Thịnh - tấm gương lao động quên mình vì truyền thống văn hóa xứ Thanh

Năm 2019, Trần Văn Thịnh đã và đang được “Trời cho cái tuổi / Trên đà 90”, nghĩa là đã qua cái ngưỡng 80. Trên bước đà ấy, nhà nghiên cứu, sưu tập đa năng của xứ Thanh vẫn thoăn thoắt, minh mẫn, nhạy bén với mọi việc “bếp núc”của nghề viết văn, biên soạn lịch sử, cổ vũ phong trào dạy và học. Nhưng một số con cháu, gồm thêm không ít bạn bè ở xa, thi thoảng vẫn hơi lo cho sức khỏe đi liền với những trọng trách mà lịch sử ngành và nhu cầu thực tiễn ở địa phương đã và đang đặt vào tay ông.

Sự thật trong đời sống hàng ngày, bản thân Trần Văn Thịnh không hề lo ngại một chút nào về sức lực do tuổi tác. Mọi việc tổ chức hoạt động theo ngành dọc của hội Dân tộc học, của hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, của hội khoa học Lịch sử…khiến ông vẫn đi về như con thoi ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Tiếp cận trực tiếp với thực tiễn, mầy mò tìm hiểu, sưu tập tư liệu, kết nối nhiều nguồn thông tin khác nhau để tạo nên một bài viết, một cuốn sách luôn luôn là nỗi trăn trở, thao thức. Phải chăng chính từ niềm đam mê làm việc học, đọc và viết liên tục, không ngừng nghỉ đã trở thành nguồn động lực, nguồn sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, thôi thúc Trần Văn Thịnh. Và kết quả là hàng chục đầu sách với số dư nghìn trang khổ lớn cứ lần lượt ra đời.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, có lúc, có nơi vì tập trung vào cái ăn, cái mặc, thậm chí ngay cả khi đã trở thành dư giả, giầu có, có khi người ta nhãng quên hoặc ít quan tâm đến việc biên soạn lịch sử, nhìn nhận, đánh giá lại những trang sử của chính mình trong quá khứ và hiện tại, cho rằng chuyện sách vở thì cứ tạm thời trì hoãn; song đối với cả tỉnh Thanh Hóa thì ngược lại. Các cơ quan tuyên truyền, giáo dục, truyền thông…từ tỉnh đến huyện, xã dường như ai cũng thấm nhuần lời Hồ Chủ tịch “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”, “văn hóa là một vũ khí sắc bén” trong công cuộc đổi mới để bảo vệ và xây dựng đất nước mạnh giàu. Sống trong một mội trường thuận lợi, ưu ái như thế, nhà giáo Trần Văn Thịnh như được chắp thêm đôi cánh ước mơ; ngày mỗi ngày qua đi, mình phải làm được việc gì, viết được trang nào trong nghiệp chép sử xứ Thanh, để có đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp giáo dục vẻ vang của Đảng theo con đường Bác Hồ đã chọn.

Không ai có thể tiên lượng rành mạch rằng ngày mai cuộc đời mình sẽ ứng tác như thế nào với thiên tai địch họa, may rủi nhỏ to có gặp hay không? Câu hỏi muôn đời ấy đã từng sản sinh hàng loạt các học thuyết duy tâm thần bí như bói toán, tướng số, cầu xin khắp thế giới vô hình. Vì thế các đảng phái, chính phủ, nhà nước chân chính phải luôn củng cố niềm tin, phát động phong trào thi đua yêu nước đặng giành lấy thuận lợi, tạo thế lập công. Quả thật Trần Văn Thịnh là một “nguyên tố vi lượng”trong thế giới con người mà ông cũng đã từng trải “hỷ, nộ, ái, ố”(喜怒愛嫌)thời trai trẻ. Một người con ông đã từng viết: “Năm 1979 một đau thương mất mát vô cùng to lớn đã ập xuống với ông và gia đình. Vợ ông bị bệnh tim mất đột ngột ở tuổi 42, khi còn rất trẻ, bỏ lại cho ông mẹ già và bảy con thơ dại, con nhỏ nhất mới có 4 tuổi; rơi vào cảnh “gà trống nuôi con” và thiếu người phụng dưỡng mẹ già. Các em tôi, các con tôi khi lớn khôn cũng đã thấu hiểu cha mình, ông mình đã một cây gánh vác biết bao nhiêu cành như thế nào, để tạc dạ ghi lòng chín chữ cù lao, rồi để kết cỏ, ngậm vành trước công đức to lớn của ông.” Và đoạn văn hồi tưởng của rể thảo viết về thời bao cấp, ứng với hoàn cảnh ông ngoại của các con anh: “Trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, kéo dài hơn 30 năm ấy, tuy ở xa nhà nhưng ông vẫn gắng sức chung tay cùng vợ nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Với đồng lương ít ỏi, ông phải tiết kiệm, bớt ăn bớt tiêu và phải dạy thêm, làm thêm ngoài giờ, dành dụm từng đồng để hàng tháng gửi về nuôi con ăn học. Thà ông sống thiếu thốn chật vật chứ nhất định không để con đói rách, khổ sở và dốt nát. Nhờ vậy, các con ông đều khỏe mạnh, được học hành đến nơi đến chốn.”

Hoàn cảnh cá nhân là thế, nhưng nhà giáo Trần Văn Thịnh đã kiên trì vượt khó, chịu đựng gian lao, khắc phục gian khổ trong mọi nơi mọi lúc, quyết tâm thực hiện lý tưởng cao đẹp của người Đảng viên cộng sản.

Nắm bắt được mọi tiến trình trong việc biên soạn sách lịch sử, ông đã từng lăn lộn với các địa bàn cơ sở trong và ngoài tỉnh để ghi chép tài liệu, ngồi lì ở nhiều thư viện trong Nam ngoài Bắc, ở khắp các trường sở, đi Hà Nội và một số tỉnh thành, nhờ thầy, nhờ bạn giúp sức, cộng tác. Vì thế có doanh nhân tài giỏi như Nguyễn Đình Thắng, khi làm ăn phát đạt đã tài trợ kinh phí, góp phần in ấn sách viết về truyền thống quê hương Thanh Hóa.

Tổng kết lại, những đóng góp cơ bản của Trần Văn Thịnh trên lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử văn hóa là ba công trình tiêu biểu: Thanh Hóa - Thiên nhiên, xã hội, con người, Truyện danh nhân hào kiệt xứ Thanh, Văn quan võ tướng xứ Thanh. Chi tính số ba công trình mà trong đó ông là chủ biên đồng thời là tác giả chính hai cuốn. Cuốn thứ ba thực chất là tinh tuyển của hai công trình đã in và tái bản, cho đến nay và mãi mãi về sau vẫn có giá trị khoa học từ lý luận đến thực tiễn. Sách công cụ tra cứu Thanh Hóa - Thiên nhiên, xã hội, con người (1936 trang. khổ 20,5 x 29) và Truyện danh nhân hào kiệt xứ Thanh (2014) là tác giả độc lập của Trần Văn Thịnh in đậm phong cách tỉ mỉ, thận trong, có tham bác kiến thức lịch sử hiện đại. Bên cạnh đó ông còn có trọng trách là tổng thư ký bộ sách Địa chí Thanh Hóa (5tập, khoảng 6000 trang, khổ 20 x 28), đồ sộ nhất vế số trang, đa dạng, phong phú về bình diện đề cập và tư liệu khoa học so với các bộ sách cùng loại của các tỉnh khác.

Đúng như tiến sĩ Đỗ Trọng Hưng đã ghi nhận: “Các tác phẩm của ông chứa đựng vốn tri thức rất lớn và phong phú trên nhiều lĩnh vực. Sức làm vcieejc của ông thật bền bỉ. Cuộc đời của ông là tấm gương lao động sáng tạo, tự rèn luyện, tự học tập với ý chí phấn đấu không mệt mỏi vì mục đích cao cả, thực sự là một tấm gương trong sáng về đạo đức, tình yêu gia đình, quê hương son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè.

Tám mươi tuổi đời, hơn sáu mươi năm gắn bó, miệt mài với sự nghiệp cầm bút, bầu nhiệt huyết của tác giả Trần Văn Thịnh vẫn luôn cháy mãi, tiếp tục đóng góp những công trình nghiên cứu có giá trị cho hôm nay và mai sau.” Thiết nghĩ Trần Văn Thịnh xứng đáng được tôn vinh. Nhằm động viên, chia sẻ nguồn vui lao động với ông, đầu năm 2019, một nhóm bạn thân đã gom nhặt tư liệu, hình ảnh làm thành tập Trần Văn Thịnh – Cuộc đời và tác phẩm, phối hợp với nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành. Cuốn sách thể hiện tình cảm nồng nàn, ấm cúng và nhất là những chia sẻ chân tình sau mỗi chặng đường thành công trong sự nghiệp nghiên cứu lịch sử Thanh Hóa.

Nhà báo Trương Đông Hào

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tran-van-thinh--tam-guong-lao-dong-quen-minh-vi-truyen-thong-van-hoa-xu-thanh-70168