Trần Xuân Soạn - Võ quan xứ Thanh tận lực trong phong trào Cần Vương

Là người con của làng Thọ Hạc xưa, nay thuộc phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), Trần Xuân Soạn là vị võ quan nhà Nguyễn có vai trò đặc biệt quan trọng trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19 tại xứ Thanh.

Võ tướng Trần Xuân Soạn là người có vai trò quan trọng trong phong trào Cần Vương tại Thanh Hóa.

Võ tướng Trần Xuân Soạn là người có vai trò quan trọng trong phong trào Cần Vương tại Thanh Hóa.

Trong không gian phố thị sầm uất trên địa bàn phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) có lẽ không nhiều người biết rằng, có một ngôi nhà gỗ truyền thống với tuổi đời cả trăm năm đang được giữ gìn. Điều đặc biệt hơn, ngôi nhà cũng chính là nơi thờ vị thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp tại Thanh Hóa: Trần Xuân Soạn. Ngày xuân ấm áp, tìm đến đường Trần Xuân Soạn, tôi theo chân ông Nguyễn Văn Hán - trưởng phố Trung (phường Đông Thọ) ghé thăm ngôi nhà cổ kính, để được biết nhiều hơn về vị võ tướng anh dũng.

Sinh ra ở làng Thọ Hạc trong gia đình nhà nông nghèo khó, thuở nhỏ Trần Xuân Soạn phải đi chăn trâu, làm thuê cho địa chủ trong làng. Khi trưởng thành, để có tiền phụ giúp cha mẹ, chàng trai Trần Xuân Soạn lại tự nguyện đi lính thuê cho con trai một gia đình phú hào trong làng. Vào quân ngũ, chỉ một thời gian ngắn tham gia chiến đấu, Trần Xuân Soạn với sự dũng cảm, gan dạ, mưu trí và tài năng võ thuật đã sớm tạo sự chú ý.

Năm 1873 (có tài liệu viết năm 1874) dưới triều Vua Tự Đức, nhà Thanh cùng bọn thổ phỉ liên kết với nhau quấy phá vùng đất phía Bắc của nước ta. Vua Nguyễn phái quan đại thần Tôn Thất Thuyết ra Bắc đánh dẹp. Trong trận chiến với giặc, vị tướng chỉ huy cánh quân có Trần Xuân Soạn tham gia chiến đấu chẳng may tử trận khiến quân lính hoảng sợ. Trần Xuân Soạn đã tập hợp quân lính tiếp tục đánh trận, chuyển thế trận từ bại thành thắng. Khi bình quân, quan đại thần Tôn Thất Thuyết không tiếc lời khen ngợi, đồng thời thăng chức cho ông làm Lãnh binh.

Theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh: “Cuối năm Quý Dậu (1873) khi quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Nam Định, Tôn Thất Thuyết đã đề cử lên triều đình điều Trần Xuân Soạn từ Tuyên Quang về Nam Định giữ chức Đề đốc. Khoảng năm 1882, Trần Xuân Soạn được triều đình điều về Huế giữ chức Vệ úy lãnh kinh thành Phó Đề đốc, không lâu sau thăng lên Vũ Lâm Đề đốc (giữ kinh thành và bảo vệ vua). Đầu năm 1884 được thăng Chưởng vệ”. Nhắc đến sự tiến thân quan trường của ông, sách TP Thanh Hóa xưa và nay cũng viết: “Từ một binh nhất thất học, trong khoảng 15 năm Trần Xuân Soạn đã lần lượt lên mười mấy nấc thang từ thấp đến cao, đến hai chức tột đỉnh trong quân đội… lại còn tinh thông chữ nghĩa binh thư, trở thành kẻ sĩ. Thật là một hiện tượng tiến thân hiếm thấy”.

Khi Trần Xuân Soạn được điều về Bộ Binh tại kinh thành Huế cũng là lúc triều đình nhà Nguyễn xảy ra nhiều biến động, trước việc thực dân Pháp xâm lược, triều đình chia thành hai phe chủ chiến và chủ hòa. Đặc biệt là sau khi vua Tự Đức qua đời, mâu thuẫn giữa hai phe càng gay gắt. Là người đứng đầu phe chủ chiến, quan đại thần Tôn Thất Thuyết đã tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp lâu dài.

Sau thất bại của cuộc tấn công vào đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ, phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo buộc phải đưa Vua Hàm Nghi, hoàng tộc nhà Nguyễn rút khỏi kinh thành Huế đến căn cứ Tân Sở. Đồng thời, quan đại thần Tôn Thất Thuyết cũng thay mặt Vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi người dân chung sức kháng Pháp. Cũng từ đây, võ quan Trần Xuân Soạn chính thức trở thành phụ tá đắc lực của thủ lĩnh Tôn Thất Thuyết trong phong trào Cần Vương. Cuối năm 1885, Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn ra Bắc để xúc tiến phong trào ở Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc.

Tại Thanh Hóa, trước đó, chiếu Cần Vương được văn thân, sĩ phu hết sức hưởng ứng và ủng hộ, song phong trào vẫn còn mang tính cục bộ, thiếu liên kết. Khi Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn ra tới Thanh Hóa đã được các thủ lĩnh của phong trào Cần Vương đón tiếp. Tại đây, Tôn Thất Thuyết đã có cuộc gặp gỡ với các thủ lĩnh Cần Vương xứ Thanh lúc bấy giờ như: Cầm Bá Thước, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt... Cũng trong dịp này, Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn được giao phụ trách phong trào Cần Vương tại Thanh Hóa.

Trở thành tổng chỉ huy phong trào Cần Vương tại Thanh Hóa, cùng với việc củng cố lại bộ chỉ huy, Trần Xuân Soạn còn chủ trương xây dựng một số căn cứ kháng Pháp lâu dài với việc đoàn kết sức mạnh của thủ lĩnh phong trào ở các huyện.

Trận đánh đầu tiên ghi dấu ấn chỉ huy của Trần Xuân Soạn tại xứ Thanh là sự kiện tấn công vào trụ sở của thực dân Pháp ở Hạc Thành (đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng 2 năm Bính Tuất 1886). Trận đánh bất ngờ vào thành Thanh Hóa đã khiến thực dân Pháp lo lắng, sợ hãi. Bởi vậy, chúng đã tập trung lực lượng hòng đàn áp phong trào.

Căn nhà gỗ cổ kính ở làng Thọ Hạc xưa (nay là phường Đông Thọ) là nơi thờ vị võ quan xứ Thanh Trần Xuân Soạn.

Trước tình thế ấy, “giữa năm 1886 Trần Xuân Soạn tổ chức hội nghị các thủ lĩnh Cần Vương tại làng Đông Biện (Bồng Trung) quê hương của Tống Duy Tân… và thống nhất: Vùng Sơn phòng do Chánh sứ Tống Duy Tân và các tướng Cao Điển, Cầm Bá Thước phụ trách. Ở vùng đồng bằng tại vùng đất trũng Ba Đình thuộc huyện Nga Sơn do Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng phụ trách. Ở vùng bán sơn địa sẽ xây dựng căn cứ Mã Cao huyện Yên Định do Trần Xuân Soạn và Hà Văn Mao phụ trách” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Dưới sự chỉ huy của Trần Xuân Soạn, phong trào Cần Vương tại Thanh Hóa khiến thực dân Pháp gặp nhiều tổn thất. Sách TP Thanh Hóa xưa và nay trong bài viết về Trần Xuân Soạn đã dẫn theo tư liệu của một ký giả người Pháp thời bấy giờ, trong đó có đoạn dẫn: “Năm 1886 Đinh Công Tráng vào Thanh Hóa cùng với ông Đề đốc Soạn, người phụ tá của Tôn Thất Thuyết nhen nhóm lại cuộc phiến loạn ở trong tỉnh. Chính ông Đề đốc Soạn này là người tham gia chiến đấu và là người làm khốn khổ cho các tuyến và các đồn bốt của chúng ta trong chiến dịch bao vây này”.

Tuy nhiên, do sự đàn áp của thực dân Pháp, phong trào Cần Vương tại Thanh Hóa dần lắng xuống sau khi các thủ lĩnh của phong trào như Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước… bị kẻ thù bắt và xử tử. Theo sử liệu, lúc bấy giờ Trần Xuân Soạn đã sang Trung Quốc để tìm gặp Tôn Thất Thuyết nhằm tìm cách khôi phục cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, sau Hiệp ước Thiên Tân, quân Pháp đã chiếm đóng các tỉnh dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc và tăng cường tuần phòng kiểm soát nên nhiều lần Trần Xuân Soạn tìm cách trở lại quê hương đều bất thành. Và đến tận khi mất nơi xứ người (Trung Quốc), vị võ tướng anh dũng vẫn đau đáu nỗi niềm “phục quốc” dang dở khiến hậu thế không khỏi cảm thương.

Thắp nén hương thơm lên ban thờ tiền nhân, ông Trần Xuân Sơn - hậu duệ đời thứ 4 của võ tướng Trần Xuân Soạn chia sẻ: “Theo thông tin ghi trong gia phả dòng họ, cụ Trần Xuân Soạn mất ngày 10-11-1923. Hàng năm, vào ngày này, con cháu trong dòng họ lại cùng nhau tập trung để làm lễ tưởng nhớ. Cuộc đời, sự nghiệp, tài năng và khí phách của cụ là tấm gương sáng để cháu con tự hào, noi theo”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tran-xuan-soan-vo-quan-xu-thanh-tan-luc-trong-phong-trao-can-vuong/26536.htm