Tràng An sẽ tiếp tục được viết nên bằng hoạt động hợp tác, bảo tồn bền vững cho nhân loại

Sau 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành minh chứng rõ nét cho một xu hướng tất yếu, đó là hạt nhân kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng, xa hơn nữa là liên quốc gia. Một thập niên được ghi danh, Tràng An đã tạo dựng thêm những giá trị mới để kết nối tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hòa, bền vững các giá trị di sản.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế "Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới". Ảnh: Tuấn Anh

Tự hào Tràng An

Quần thể danh thắng Tràng An Ninh Bình-nơi sơn kỳ, thủy tú với lớp lớp núi non xen giữa những sông suối thơ mộng, nổi bật với cảnh quan tháp cát-tơ (karst) đẹp bậc nhất trên thế giới, được bao phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh, hòa trộn khéo léo kỳ ảo với những ruộng lúa bao quanh các dòng sông, tạo ra một không gian thiên nhiên-văn hóa đa sắc màu cùng truyền thống quần cư của loài người trải qua hơn 30.000 năm. Không chỉ chứa đựng kho tư liệu đồ sộ, phong phú về nhân loại thời tiền sử, Quần thể danh thắng Tràng An còn là nơi được lịch sử dân tộc lựa chọn để đặt Kinh đô Hoa Lư Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ X.

Người dân Ninh Bình, trong niềm tự hào về quê hương, luôn miệt mài vun đắp gìn giữ giá trị quý báu của Di sản Tràng An, tô điểm thêm bức tranh kì quan mãi mãi trường tồn, cho "viên ngọc di sản" ngày càng thêm trong sáng, lan tỏa đến muôn nơi.

Được dự Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, chị Trần Thị Thủy, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư xúc động chia sẻ: 10 năm trước, chúng tôi là những người nông dân chân lấm tay bùn. Từ khi Tràng An được công nhận là Di sản thế giới, du khách thập phương đã đến với quê hương tôi. Không chỉ tạo cơ hội cho chúng tôi thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, du lịch làm thay đổi tư duy của người nông dân về giữ gìn bảo vệ cảnh quan và các giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương mình. Du lịch cũng mang lại cho chúng tôi sự hiểu biết, văn minh và trở nên mạnh mẽ hơn. Tất cả sự tự hào ấy, chúng tôi sẽ truyền lại cho các thế hệ con cháu để tiếp nối truyền thống cha ông, tiếp tục bảo vệ những giá trị của di sản, để trường tồn không chỉ cho đất nước mà cho cả thế giới.

Theo TS. Vũ Thế Long, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu con người và môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, "Tràng An chính là Tràng An", chứ không phải "Quế Lâm của Việt Nam", cũng không phải "Hạ Long trên cạn" như một số người hay ví von. Bởi lẽ, Tràng An có những giá trị đặc biệt, riêng có; việc gìn giữ và phát huy những giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử là trách nhiệm của chính quyền địa phương, người dân Ninh Bình nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Sau một thập kỷ trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Tràng An đã được UNESCO đánh giá là hình mẫu trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, trở thành biểu tượng, nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế-xã hội, khơi nguồn nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên của các thế hệ người dân tỉnh Ninh Bình.

Đây cũng là cơ hội đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội kết nối di sản văn hóa với các địa phương, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó và hợp tác phát triển, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và trên toàn thế giới, để Ninh Bình tiếp tục trở thành hình mẫu lý tưởng, như mục đích mà chương trình Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới hướng tới.

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch đánh giá: Sự kiện này nhằm tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị của di sản, thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ. Đồng thời truyền cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước để trân trọng và tự hào về vùng đất Hoa Lư lịch sử, về vị trí và tầm quan trọng của di sản đối với mỗi quốc gia, dân tộc và của nhân loại.

Tràng An trong chương sử mới

Nhìn lại chặng đường 10 năm sau khi được công nhận là Di sản thế giới, đây là thời điểm phù hợp để Ninh Bình tìm kiếm các giải pháp mới nhằm xây dựng, bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, tiếp tục sáng tạo, áp dụng các sản phẩm du lịch có chất lượng, mang chiều sâu văn hóa và khác biệt hơn. Không đơn thuần là để phục vụ du khách đến tham quan mà phải diễn giải các giá trị di sản một cách chân thực, sống động và khoa học hơn. Chính vì thế, trong chương sử mới, Ninh Bình lựa chọn hướng đi lên với Đô thị di sản thiên niên kỷ bao chứa cả Thành phố di sản thế giới và Thành phố sáng tạo, tựa vào Quần thể danh thắng Tràng An về kinh tế và du lịch di sản. Đây được đánh giá là hướng đi đúng đắn của đô thị hóa kiểu mới trong các chiến lược phát triển đột phá.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội tính thử giá trị tiềm năng cho kinh tế di sản của Ninh Bình theo công thức của Noonan (2003) tổng hợp từ 129 địa điểm văn hóa như sau: 5-7 triệu lượt khách du lịch/năm x 42,78 USD (mức sẵn lòng chi trả du lịch/người) = 192-300 triệu USD/năm. Nếu tính biến (t) theo thời gian, chẳng hạn sau 10 năm, thì giá trị tiềm năng du lịch di sản của Ninh Bình có thể lên tới hơn 3 tỷ USD/năm, tức khoảng 75.000 tỷ đồng/năm. "Nếu (Ninh Bình) lựa chọn định hướng phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ-biểu tượng duy nhất ở Việt Nam, thì tiềm năng chi trả du lịch của du khách có thể lên đến 12 tỷ USD/năm" - PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục khẳng định.

Nhưng câu hỏi là làm sao khai thác được tiềm năng du lịch này? Đây cũng là mong muốn, trăn trở của tỉnh Ninh Bình, tìm kiếm giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt, biến di sản thành tài sản. Gợi mở cho câu hỏi này, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: Tràng An không chỉ nằm trong hệ thống di sản thế giới mà còn là điểm kết nối với các trung tâm du lịch, các điểm di sản khác cùng với hệ thống tiềm năng du lịch sinh thái, nhân văn khác cùng tương hỗ. Nó hoàn toàn có căn cứ để định hướng tỉnh Ninh Bình phát triển du lịch thành mũi nhọn của nền kinh tế địa phương, đồng thời, tăng cường liên kết vùng, liên kết với các thành phố di sản trong nước và quốc tế để tạo thành mạng lưới vững chắc, cùng bảo tồn và phát triển. Vì vậy, Ninh Bình cần tăng cường liên kết vùng, liên kết với các thành phố di sản trong nước và quốc tế để tạo thành mạng lưới vững chắc, cùng bảo tồn và phát triển.

Chúng ta tự hào và tin tưởng Ninh Bình sẽ vươn lên trở thành một trung tâm lớn về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản quốc gia và quốc tế, thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng, giá trị cốt lõi là Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của Việt Nam và thế giới. Thay mặt Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc, bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 bày tỏ: Tôi mong rằng, giai đoạn mười năm tiếp theo trong chương sử của Tràng An sẽ tiếp tục được viết nên bằng hoạt động hợp tác, bảo tồn và một tầm nhìn chung về một tương lai tươi sáng, bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Song Nguyễn-Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trang-an-se-tiep-tuc-duoc-viet-nen-bang-hoat-dong-hop-tac/d20240502081530702.htm