Trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên thời 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống, kinh tế - xã hội. Sinh viên (SV), nguồn nhân lực tương lai là một trong những nhân tố quan trọng để thích ứng với điều đó. Bên cạnh đào tạo kỹ năng 'cứng' (chuyên môn), việc truyền đạt kỹ năng mềm đang trở nên hết sức cần thiết.

Sinh viên Trường đại học Công nghệ Hutech TP Hồ Chí Minh tham gia phỏng vấn nghề nghiệp với doanh nghiệp FDI.

Linh hoạt các phương pháp

Tại Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, ngoài các môn học chính khóa, SV được khuyến khích tham gia các cuộc thi học thuật phù hợp chuyên ngành theo học. Đơn cử, Khoa Ngoại ngữ có cuộc thi “Hùng biện tiếng Anh”; các khoa thuộc nhóm kỹ thuật - công nghệ có các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo”, Khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng có cuộc thi “Bản lĩnh nhà đầu tư tài chính trẻ”, Khoa Luật có “Rung chuông vàng Pháp luật”,… Hiện, trường có hơn 40 câu lạc bộ do SV tự tổ chức sinh hoạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc được tham gia và cọ xát ở nhiều hình thức, nội dung sinh hoạt đã giúp nhiều SV nắm vững kiến thức chuyên môn và phát triển kỹ năng mềm cần thiết. Tương tự, từ năm 2006, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai các hoạt động giảng dạy kỹ năng mềm cho SV theo hình thức huấn luyện - trải nghiệm - khởi nghiệp. Kết quả cho thấy, có đến 98% số SV của trường nhận thức được tầm quan trọng của việc học kỹ năng mềm.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết: Với khối lượng môn học chính khóa khá nhiều cho nên để các em có thể tham gia các chương trình ngoại khóa, nhà trường phải điều chỉnh và linh hoạt về thời gian để tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tham gia các lớp, buổi học về kỹ năng mềm.

Còn tại Trường đại học Tài chính - Marketing, các kỹ năng mềm được nhà trường tích hợp vào các môn học chính mà SV đang theo học. Tuy nhiên, việc tích hợp này cũng gặp những trở ngại nhất định, nếu nhà trường vận dụng không khéo léo sẽ tạo “tác dụng ngược” đối với các SV. Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Thanh, Trưởng bộ môn Kỹ năng mềm, Trường đại học Tài chính Marketing, cho biết: Việc tích hợp các kỹ năng mềm vào môn học chính khóa phụ thuộc rất nhiều vào giảng viên. Điều quan trọng nhất là giảng viên phải có phương pháp quản lý lớp và bản thân giảng viên cũng phải là người nắm vững kỹ năng mềm mới có thể dẫn dắt, làm cho giờ giảng trên lớp trở nên thú vị. Giảng viên phải là người khơi lên khát vọng, ý chí vươn lên và truyền một thái độ sống tích cực cho các em. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Thanh, việc tích hợp này không đơn thuần là lắp ghép mà là sự đan xen rất khéo léo và nghệ thuật để thu hút và truyền cảm hứng đến SV trong quá trình học.

Sinh viên cần chủ động học hỏi

Những năm gần đây, các kỹ năng mềm được trang bị tại nhiều trường đại học chủ yếu là các kỹ năng như: kỹ năng thuyết trình, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, công việc, tổ chức và quản lý công việc, thời gian trong làm việc nhóm. Quan trọng là vậy nhưng thực tế cho thấy, nhiều SV cho đến tận khi ra trường, khi xin việc làm mới thấy được tầm quan trọng của các kỹ năng mềm. Trong khi đó, thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường là khoảng thời gian “vàng” để các bạn trang bị kỹ năng này thì lại bị bỏ qua một cách đáng tiếc.

Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, để có thể trang bị cho bản thân những kỹ năng mềm cần thiết, các SV phải trải qua quá trình từ nhận thức để đi đến hành động và trải nghiệm. Đó là một quá trình bền bỉ chứ không thể muốn là có ngay được. Việc chủ động, nhận thức tích cực của sinh viên là yếu tố rất quan trọng để các em tự trau dồi các kỹ năng cho bản thân. Các SV khi còn đi học hoàn toàn có thể tự trang bị kỹ năng mềm bằng nhiều cách như: tự học các khóa học trên mạng, tham gia các câu lạc bộ về kỹ năng, ngoại khóa của nhà trường để “làm giàu” vốn sống của mình. Ngoài ra, việc đi làm thêm phù hợp theo thời khóa biểu của bản thân cũng sẽ vô cùng bổ ích cho SV. Thông qua những dịp đi làm thêm, SV không chỉ tự trang trải phí sinh hoạt mà đây sẽ là cơ hội để các bạn được bổ trợ những kiến thức, những kỹ năng sống thực tế mà tại trường đại học ít có cơ hội để các bạn trải nghiệm.

Đứng ở góc độ của chuyên gia, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho rằng: Một trong những thách thức của nguồn nhân lực hiện nay là về việc trang bị kỹ năng, tác phong công nghiệp và ngoại ngữ của người lao động, nhất là lao động trẻ mới ra trường. Thí dụ: Một SV “đạt chuẩn” không phải là một SV có chuyên môn tốt trong mắt nhà tuyển dụng mà các bạn cần trang bị cho bản thân sự chủ động, tự tin. Làm tốt được điều này, SV sẽ có điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng. Hiện nay, những ứng viên có kỹ năng thường được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng: SV hiện nay cần được trang bị thêm ba kỹ năng mềm cần thiết gồm: kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin; kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng thích ứng để sẵn sàng đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao từ các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng.

XUÂN PHÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38185702-trang-bi-ky-nang-mem-cho-sinh-vien-thoi-4-0.html