Trang bị năng lực số, khả năng làm việc môi trường quốc tế cho cán bộ Đoàn

Anh Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, trong thời gian cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn. Trong đó, cần lưu tâm tới việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo để cập nhật tình hình mới, phù hợp với tình hình mới để cán bộ Đoàn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về năng lực số, làm việc trong môi trường quốc tế.

Anh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng

Chiều 18/6, T.Ư Đoàn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn giai đoạn 2015 - 2020 (gọi tắt là Đề án). Dự Hội nghị có ông Nguyễn Phước lộc - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; các Bí thư T.Ư Đoàn.

Tăng tính ứng dụng, công nghệ

Theo báo cáo của T.Ư Đoàn, sau 5 năm thực hiện đề án, đã hình thành hệ thống, nề nếp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ. Hình thức bồi dưỡng, tập huấn liên tục đổi mới, đa dạng; các hoạt động thực tế phong phú, ý nghĩa...Tuy nhiên, một số chỉ tiêu không đạt, như bồi dưỡng chức danh Bí thư Đoàn cấp huyện chỉ đạt 38,9%, bồi dưỡng chương trình cơ bản về nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội đạt 34%.

Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương phát biểu đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương phát biểu đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng

Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến thống nhất với báo cáo của T.Ư Đoàn và cho biết đề án đã góp phần hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Đồng thời, đề xuất tiếp tục triển khai đề án trong giai đoạn mới.

Anh Nguyễn Thứ Mười - Hiệu trưởng Trường cán bộ Đội Lê Duẩn (Hà Nội) đề nghị tăng thời gian đào tạo bồi dưỡng từ 26 ngày lên 30 ngày để tăng thời lượng cho học viên tham gia các mô hình hoạt động thực tiễn, thực tế cơ sở.

Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn cần có hướng dẫn tỉnh thành Đoàn trong việc cấp chứng chỉ đào tạo; tạo cơ chế để địa phương có thể phối hợp, liên kết trong việc đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tốt nghiệp.

Tạo điều kiện các tỉnh thành đoàn, giảng viên các trường Đoàn, Hội, Đội trong cả nước hình thành hệ thống mà Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là đầu tàu để tổ chức sinh hoạt chuyên môn, tham dự các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình hợp tác giao lưu thanh niên khu vực, quốc tế...

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến

Anh Đào Phú Thùy Dương - Bí thư Thành Đoàn Hải Phòng cho biết, khung đào tạo về lý luận cơ bản giống nhau từ cấp thấp đến cấp cao. Khi đào tạo với cán bộ cấp huyện, tỉnh, thì nhiều nội dung bị trùng lắp do hầu hết những cán bộ này đã được học ở những chương trình khác. Do đó, chương trình cần rút gọn nội dung này khi đào tạo đến cấp cao, để tập trung vào mời chuyên gia giảng dạy sâu hơn kiến thức thực tế.

Anh Lê Văn Lương - Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An cho rằng cần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, tăng tính ứng dụng hơn; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong tổ chức đào tạo bồi dưỡng.

Trẻ hóa đội ngũ và nâng cao năng lực tự học, tự rèn

Phát biểu kết luận, anh Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết: Đề án được Thủ tướng phê duyệt là một bước thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ nói chung, đặc biệt thể chế hóa quy định Luật Thanh niên (năm 2005) Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt quy chế cán bộ Đoàn...

"Đề án đã góp phần chuẩn hóa, trẻ hóa và tiêu chuẩn hóa cán bộ Đoàn các cấp, cán bộ Đoàn cử sang làm công tác Hội LHTN, Hội Sinh viên, công tác chăm sóc thiêu niên nhi đồng. Chính kết quả đề án cho chúng ta một lớp cán bộ Đoàn mới năng động hơn, có kiến thức kỹ năng phù hơn với tâm sinh lý, nhu cầu của thanh thiếu nhi hiện nay và đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh thiếu nhi giai đoạn vừa qua.

Nhiều đồng chí cán bộ Đoàn sau bồi dưỡng, đào tạo và tiếp tục hoàn thiện trong môi trường thực tiễn cũng đã có bước trưởng thành nhất định khi được giới thiệu tham gia cấp ủy, tham gia ứng cử và trúng cử trong các cơ quan dân cử", anh Tuấn nói.

"Chính nhờ bài giảng mẫu, chương trình, giáo trình và những khó khăn cơ sở vừa nêu, trang bị thêm tài liệu, bài giảng mẫu cho các cán bộ Đoàn các cấp thì ý thức tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, kỹ năng được tốt hơn", anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, sau 5 năm thực hiện đề án đã có góp phần xây dựng chương trình, bộ tài liệu, giáo trình, bài giảng mẫu tương đối đầy đủ liên quan đến 10 chức danh cần đào tạo.

Đồng thời, đội ngũ giáo viên tham gia công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn am hiểu hơn về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; nắm chắc hơn kỹ năng, phương pháp để tiếp tục hoàn thiện bài giảng phù hợp hơn với thực tiễn. Đặc biệt, tạo ra sự đồng bộ trong ý thức tự học, tự rèn trong cán bộ Đoàn các cấp.

Tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ trong thời gian cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn giai đoạn 2022 - 2027.

Trong đó, cần lưu tâm tới việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo để cập nhật tình hình mới, phù hợp với tình hình mới để cán bộ Đoàn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về năng lực số, làm việc trong môi trường quốc tế.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trang-bi-nang-luc-so-kha-nang-lam-viec-moi-truong-quoc-te-cho-can-bo-doan-post1347300.tpo