Trang bị tối tân khó giúp Barracuda thoát đòn tên lửa Nga

Dù tàu ngầm Barracuda của Pháp được trang bị rất tối tân nhưng con tàu này vẫn khó thoát đòn tấn công ngầm từ tên lửa Nga nếu xung đột xảy ra.

Theo trang Mer et Marine (Pháp), tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) Barracuda được thiết kế với ưu thế hoạt động giảm tiếng ồn hơn so với lớp SSN Rubis hiện nay.

Ngoài ra, Barracuda có tốc độ cơ động cao hơn, khả năng phát hiện mục tiêu dưới nước được cải thiện và tải trọng cho việc mang vũ khí cũng lớn hơn.

Tàu ngầm tấn công lớp Barracuda được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ như: tác chiến chống ngầm, chống tàu nổi, tấn công các mục tiêu trên bờ và đất liền, hỗ trợ hoạt động tác chiến của lực lượng đặc biệt, thu thập tình báo, hộ tống tàu sân bay hoặc các liên đội tác chiến đổ bộ tấn công (LHD) và hộ tống các lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới SSBN.

Tàu ngầm hạt nhân Barracuda.

Tàu ngầm hạt nhân Barracuda.

Để hoàn thành nhiệm vụ, tàu được trang bị hệ thống vũ khí và thiết bị điện tử cực tối tân và được lắo động cơ đẩy hạt nhân 1 lò K15 kết hợp động cơ hơi nước và điện. Tốc độ hành trình tối đa 25 hải lý/h, lặn sâu tối đa 350m, có thế hoạt động liên tục 90 ngày.

Dù độ sâu tối đa tàu Barracuda đạt được rất ấn tượng và có thể sánh ngang với tàu ngầm hạt nhân Mỹ nhưng nếu phải đối đầu với những chiến hạm thuộc Dự án 1124 và 1124M của Hải quân Nga với tên lửa 90P1, cơ hội tồn tại của tàu ngầm Pháp gần như như không có.

Để đối phó với chiến hạm săn ngầm của đối phương, các tàu ngầm thường sử dụng chiến thuật chạy trốn khi bị phát hiện, do đó tốc độ tấn công có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn chặn cuộc tẩu thoát của đối phương.

Ngư lôi thường có tốc độ không đủ nhanh, khó đuổi kịp tàu ngầm ở cự ly xa. Trong khi đó, khi phóng ngư lôi xuống nước, vị trí di chuyển của ngư lôi nhanh chóng bị lộ, đối phương có thể sử dụng các biện pháp đối phó. Và các kỹ sư Nga đã phát triển một vũ khí độc đáo là tên lửa chống ngầm 90P1 nhằm tăng tốc độ tấn công.

Quá trình phát triển 90P1 không được Nga công bố nhưng cho biết dòng tên lửa này được thiết kế để có thể trang bị trên các tàu chiến có lượng giãn nước từ 350 tấn trở lên nhằm xây dựng lực lượng chống ngầm cơ động nhanh.

Sự độc đáo của tên lửa 90P1 chính là sự kết hợp giữa một tên lửa và ngư lôi. Cấu hình hệ thống gồm: Tên lửa, đầu đạn là ngư lôi đường kính 324 mm, ống phóng và hệ thống điều khiển hỏa lực. Cơ chế hoạt động của vũ khí khá độc đáo, sau khi hệ thống định vị thủy âm phát hiện tàu ngầm đối phương.

Sĩ quan điều khiển sẽ nạp tham số mục tiêu vào ngư lôi và phóng đi như tên lửa bình thường. Khi đến tọa độ nạp sẵn, ngư lôi sẽ tách ra khỏi tên lửa và rơi xuống nước bằng dù, kích hoạt động cơ và lao đến mục tiêu.

Ngư lôi của 90P1 có chiều dài 3m, đường kính 324 mm, trọng lượng 325kg. Tên lửa này sử dụng đầu dò thủy âm chủ động có thể diệt tàu ngầm đối phương ở độ sâu từ 15 – 1.000m. Với độ sâu đạt được, Hải quân Nga cho rằng, dòng tên lửa này có thể diệt được hầu hết các loại tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/trang-bi-toi-tan-kho-giup-barracuda-thoat-don-ten-lua-nga-3383752/