Trắng đêm 'canh bão'

Trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đến Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thuộc Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN để trực đêm với những người nhiều năm làm nhiệm vụ 'canh bão', tổ chức điều phối hoạt động phòng, chống nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Kim đồng hồ trôi dần qua số 12, tại sở chỉ huy trung tâm, đèn vẫn sáng, những đôi mắt dán chặt vào màn hình hiển thị thông tin cơn bão số 4. “Con quái vật” Noru ấy đã tàn phá Philippines và sắp đổ bộ vào đất liền nước ta với sức gió rất mạnh”, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN nói với chúng tôi với tâm trạng đầy lo lắng cho đồng bào miền Trung.

Cuối chiều 26-9, khi họp triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 4, Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, giao nhiệm vụ cho Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn tham gia đoàn công tác phòng, chống bão. Sáng sớm 27-9 phải lên đường vào miền Trung, nhưng anh Sơn vẫn tham gia trực đêm tại trung tâm để dõi theo tình hình. Mỗi phút trôi qua, "mắt bão" hình xoáy ốc trên hình ảnh từ vệ tinh lại nhích gần vào đất liền.

Phân công nhiệm vụ và thống nhất các phương án điều phối lực lượng ứng phó với bão số 4 từ sở chỉ huy Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.

Phân công nhiệm vụ và thống nhất các phương án điều phối lực lượng ứng phó với bão số 4 từ sở chỉ huy Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.

Chúng tôi cảm nhận rõ độ nguy hiểm của bão số 4 qua những đôi mắt nhìn chăm chú như dán vào "mắt bão" trên màn hình. Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn lý giải: “Nhìn trên bản đồ gió thì "mắt bão" càng tròn, vòng xoáy ốc càng rộng thì cấp độ bão càng lớn, sức gió càng mạnh. Hơn nữa, quầng tím quanh “mắt bão” đang rộng dần thế kia thể hiện vùng tốc độ gió cao đang mở rộng. Đây là dấu hiệu của cơn bão mạnh lên rất nhanh. Chính vì thế, kíp trực ngoài nhận các thông tin liên tục từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các đơn vị gửi về, còn phải theo dõi trên bản đồ gió để nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo cấp trên và thông tin cho các đơn vị chức năng...".

Nhìn qua ô cửa sổ sở chỉ huy trung tâm, chúng tôi thấy bầu trời đêm sâu bất thường. Ánh đèn đường lờ nhờ như bị hút hết ánh sáng vào khoảng không thinh lặng. Theo kinh nghiệm của Đại tá Lê Hoài Vũ, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN thì đây là biểu hiện trước khi bão lớn đổ bộ.

Lúc này, trong phòng trực điều phối, Thiếu tá Phạm Trung Hiếu, Trợ lý Trực ban trưởng trung tâm, được điều động trực tăng cường, đang nhanh chóng tác nghiệp bản đồ dự báo, phác họa lộ trình của “mắt bão” thì máy fax đổ chuông. Bản fax đầu tiên của ngày mới cũng là nội dung thường kỳ mà trung tâm nhận được sau mỗi khoảng thời gian hơn hai giờ đồng hồ. Sớm 27-9 là bản tin dự báo mưa lớn, lốc, sét và gió giật mạnh ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Bịnh và Bắc Tây Nguyên do ảnh hưởng của bão số 4...

Cùng lúc, Thiếu tá Trịnh Quang Vinh, Trợ lý Trực ban trưởng trung tâm, phụ trách trực ban trưởng kíp trực cũng có trên tay bản fax của Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam, thông báo về các hoạt động TKCN trên biển... Anh Vinh nhanh chóng báo cáo tình hình với chỉ huy. Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn lệnh cho Thiếu tá Trịnh Quang Vinh liên hệ ngay với các đơn vị liên quan nắm bắt, cập nhật lại quân số, phương tiện đang ứng trực để có sự tham mưu, điều phối vị trí ứng trực phù hợp với tình hình...

Thông thường, tại Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN, trong một kíp trực, các bộ phận sẽ thực hiện 4 khâu chính: Nắm bắt thông tin, tác nghiệp trên bản đồ vị trí của bão và đường đi dự kiến trên bản đồ; phối hợp với các phòng, ban liên quan đề xuất phương án, báo cáo thủ trưởng trung tâm để thống nhất báo cáo thủ trưởng trực chỉ huy, đề xuất phương án xử lý; thông báo đến các cơ quan, đơn vị có liên quan về tình hình bão để chủ động ứng phó; tổng hợp lại tình hình, lực lượng, phương tiện theo hướng cơn bão có thể đổ bộ... Thế nhưng với những tình huống cấp bách như đêm trước khi bão số 4 vào đất liền, chỉ huy trung tâm có mặt ngay tại phòng tác nghiệp nên mọi thông tin, diễn tiến đều được nắm bắt, phân tích ngay từ đầu. Vì thế, sau khi trực tiếp nhận báo cáo, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn nhanh chóng tham mưu cho chỉ huy các cấp để kịp thời ứng phó với bão.

Khi mọi người tiếp tục vào vị trí trực, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ với chúng tôi về những việc cấp bách cần làm trước khi bão đổ bộ vào đất liền để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại. Theo anh, các đơn vị, địa phương phải chủ động thực hiện tốt “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả). Trong đó, giai đoạn chủ động phòng ngừa trước khi bão đổ bộ là vô cùng quan trọng, các địa phương cần huy động tối đa lực lượng, phương tiện, chạy đua với thời gian để làm tốt công tác chuẩn bị phòng ngừa, như đưa tàu thuyền vào vị trí an toàn, chằng chống nhà cửa, sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm...

Chúng tôi thấy, chính cán bộ, nhân viên của Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN cũng đang chạy đua với thời gian để nắm bắt tình hình, điều phối các lực lượng ứng phó với bão. Từ tinh thần gấp rút đó mà trong nhiều cơn bão trước đây, trung tâm đã thể hiện tốt vai trò điều phối để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Như vào tháng 8-2019, khi bão đổ bộ, kíp trực đêm của trung tâm đã tham mưu với chỉ huy các cấp điều phối, huy động các lực lượng ứng cứu thành công 8 tàu, cứu được 87 người bị nạn tại vùng biển Đà Nẵng trong tâm bão...

Trời rạng sáng, chúng tôi rời sở chỉ huy Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN khi các kíp trực vẫn làm việc như chạy đua với bão. Phía phòng trực ban, tổ cán bộ của trung tâm, sau đêm trắng đang khăn gói, ba lô sẵn sàng vào tâm bão. Hành trang của các anh thật gọn nhẹ nhưng nặng trên vai là tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ xung kích làm nhiệm vụ "chiến đấu trong thời bình", tất cả vì sự an toàn của nhân dân trong bão lũ.

Đêm 27-9 và những ngày sắp tới, cán bộ, nhân viên Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN cùng các lực lượng ở tuyến đầu phòng, chống bão vẫn khó có giấc ngủ ngon!

Ghi chép của DUY VĂN - TUẤN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/trang-dem-canh-bao-706558