'Trắng đêm' theo chân 'đất tặc': (Bài 4) Cần mở cao điểm xử phạt

Sau nhiều đêm theo dõi, PV phát hiện dự án xây dựng tại quận Hai Bà trưng, Hà Nội do nhà thầu liên danh Trung Nam E&C và Trung Chính thực hiện, trong quá trình thi công, đất thải của dự án đã bị tẩu tán, đổ trộm tại nhiều tỉnh thành, thậm chí đã cung cấp cho nhà máy gạch.

Như đã thông tin ở bài trước, sau thời theo dõi, PV phát hiện một dự án xây dựng trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do nhà thầu liên danh là Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính (gọi tắt là nhà thầu liên doanh Trung Nam E&C và Trung Chính) thực hiện. Trong quá trình thi công đã buông lỏng quản lý, để nhiều phương tiện vận chuyển đất, bùn thải đi đổ trộm tại nhiều tỉnh thành.

Một dự án do nhà thầu liên danh Trung Nam E&C và Trung Chính thực hiện.

Một dự án do nhà thầu liên danh Trung Nam E&C và Trung Chính thực hiện.

Theo quan sát của PV, khu vực này có 5 bãi san lấp với hàng trăm vạn m3 bùn, đất và phế thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường.Cụ thể, khoảng 23h35 phút ngày 6/7, xe ô tô mang BKS: 29C-58486 chất đầy bùn và đất thải rời dự án, di chuyển theo hướng Giải Phóng rồi tiến vào khu vực đất ao, hồ thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội để san lấp.

Khoảng 22h00 phút ngày 10/7, xe ô tô mang BKS: 21C-08770 cũng nhận đất thải từ dự án rồi di chuyển lên cầu Vĩnh Tuy sang QL5. Đến cánh đồng vắng thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm thì đổ đất, san lấp ruộng. Tại đây cũng có 5 bãi đổ đất, phế thải, lấp nhiều diện tích đất ruộng.

Đặc biệt, khoảng 00h43 phút ngày 11/7, xe ô tô mang BKS: 89C-06129 chất đầy đất thải, rời dự án, di chuyển lên cầu Vĩnh Tuy sang QL5, đến xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương thì bất ngờ rẽ vào cụm công nghiệp CADI Yên Viên đổ đất cho nhà máy gạch.

Máy móc liên tục hoạt động về đêm, chuyển đất thải công trình lên xe ô tô để tẩu tán.

PV đã trở lại cánh đồng nơi các xe đổ đất thải và rất bất ngờ khi tại xã Đại Đồng và xã Chỉ Đạo huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên tình trạng san lấp đất ruộng bằng các loại đất, phế thải xây dựng diễn ra một cách rầm rộ.

Người dân địa phương cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ lâu: "Đợt vừa rồi họ đổ đất thải để san lấp ruộng, đổ cả hóa chất xuống làm chết bao nhiêu cá, tôm. Có cả chất hóa học đấy, không phải đơn giản đâu, nó đổ thập cẩm lắm, chú mới đến đây thì chú chưa biết chứ anh ở đây anh biết anh nói lời chân thật, nó đổ thập cẩm tất cả các loại A,B,C luôn không chừa một cái gì, đổ xong phát là nó ủi ngay". PV đã trở lại cánh đồng nơi các xe đổ đất thải và rất bất ngờ khi tại xã Đại Đồng và xã Chỉ Đạo huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên tình trạng san lấp đất ruộng bằng các loại đất, phế thải xây dựng diễn ra một cách rầm rộ.

Người dân cho biết thêm, người trực tiếp đứng ra nhận bao thầu san lấp đất tên là Xuân, sống ở xã Chỉ Đạo.

Nhiều phế thải công trình chưa qua kiểm định được đổ thải ở nhiều tỉnh thành.

Theo quy định pháp luật, chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo điểm n, Khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 100.000 kg trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là: "Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính", "Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu", "Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường...".

Nếu xác định được có hành vi hủy hoại đất thì người vi phạm có thể bị "Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng khi diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên" theo điểm đ, khoản 1, điều 15 nghị định 91/2019/ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Môi trường đang bị hủy hoại bởi các chất thải.

Được biết, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính là nhà thầu thi công lớn, từng thi công nhiều dự án quan trọng và đang từng bước khẳng định uy tín, chất lượng. Thế nên khi đất, bùn thải tại dự án của nhà thầu này liên tiếp được tẩu tán, đổ trộm trái phép ở nhiều tỉnh thành khiến người dân cảm thấy rất bất ngờ và thất vọng.

Nhiều phương tiện vận chuyển đất thải có dấu hiệu quá khổ, quá tải, nhưng không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt.

Để tìm hiểu thông tin vụ việc cũng như các hợp đồng vận chuyển đất thải dự án, PV đã liên hệ với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính. Một người đàn ông tên Giàu, xưng là phó tổng giám đốc công ty liên hệ với phóng viên hẹn làm việc, trao đổi thông tin. Tuy nhiên đến lịch hẹn vị này lại trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm và không cung cấp thông tin.

PV đã liên hệ UBND xã Đại Đồng, UBND xã Chỉ Đạo và UBND huyện Văn Lâm để tìm hiểu thông tin nhưng nhiều ngày qua vẫn chưa có buổi làm việc chính thức. Khi đi sâu vào tìm hiểu, PV nhận thấy vai trò, trách nhiệm quản lý đất đai, bảo vệ môi trường của 3 cơ quan này đều rất mờ nhạt, môi trường, đất đai có nguy cơ bị hủy hoại.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/trang-dem-theo-chan-dat-tac-bai-4-can-mo-cao-diem-xu-phat-71694.html