Tràng Định: Tăng cường phòng, chống cúm gia cầmTin khácPhát huy vai trò công tác tuyên giáo, tạo đồng thuận xã hôịSáng mãi truyền thống 'uống nước nhớ nguồn'

Ngày 31/1/2021, trên địa bàn huyện Tràng Định xuất hiện ổ bệnh cúm gia cầm (CGC) A/H5N6 tại xã Đại Đồng. Đến ngày 1/7/2021, huyện tiếp tục ghi nhận một ổ bệnh CGC A/H5N6 tại xã Chi Lăng. Cùng với đó, Tràng Định là huyện giáp ranh với tỉnh Cao Bằng – nơi đã xuất hiện chủng CGC độc lực cao A/H5N8. Chủng CGC này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cho người. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của huyện đã và đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng, chống.

Đầu năm 2021, trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh CGC A/H5N6 tại 2 thôn Bản Mới và Nà Cạn, xã Đại Đồng, tổng số gia cầm chết buộc phải tiêu hủy là 832 con với tổng trọng lượng 2.166 kg. Ngay sau khi xuất hiện bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện đã cấp 36 lít thuốc sát trùng để phun tiêu độc khử trùng tại 2 hộ phát sinh ổ bệnh thuộc 2 thôn Bản Mới và Nà Cạn, xã Đại Đồng và tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp phòng dịch. Nhờ đó, khu vực 2 ổ bệnh cúm tại xã Đại Đồng đã được khống chế kịp thời, qua 21 ngày, toàn huyện không phát sinh thêm ổ bệnh cúm nào.

Người dân thôn Bản Chang, xã Chi Lăng phun khử khuẩn khu vực chăn nuôi

Đến ngày 1/7/2021, trên địa bàn huyện tiếp tục xuất hiện ổ bệnh CGC A/H5N6 tại hộ ông Đàm Văn Luận, tại thôn Khuổi Sao, xã Chi Lăng, tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là 269 con với tổng trọng lượng 748 kg, nguyên nhân là do gia đình nhập con giống về nuôi và phát sinh bệnh.

Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng của huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch để khoanh vùng ổ bệnh và hướng dẫn người dân phòng, chống bệnh. Theo đó, TTDVNN đã cử cán bộ thú y phối hợp với chính quyền cơ sở cùng hộ chăn nuôi tiến hành tiêu hủy gia cầm theo quy định. Đồng thời, cấp phát 24 lít thuốc sát trùng cho các hộ chăn nuôi gia cầm thôn Khuổi Sao và hướng dẫn phun khử khuẩn liên tục trong 7 ngày, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại tại khu vực có gia cầm chết để tránh mầm bệnh có thể tiếp tục tồn tại và lây nhiễm. Đến nay, ổ bệnh CGC tại xã Chi Lăng đã qua 21 ngày, trên địa bàn huyện không phát sinh ổ bệnh mới.

Huyện Tràng Định có số lượng gia cầm lớn với khoảng 424.850 con, tập trung nhiều tại các xã: Hùng Sơn, Đại Đồng, Đội Cấn, Đề Thám… Do vậy, để chủ động bảo vệ đàn gia cầm trước nguy cơ lây lan bệnh CGC, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh như: đẩy mạnh tuyên truyền qua loa truyền thanh, phát tờ rơi; tăng cường tiêm vắc xin, phun tiêu độc khử trùng…

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc TTDVNN huyện cho biết: Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 7/2021, chúng tôi đã cấp phát trên 850 lít thuốc sát trùng cho 22 xã, thị trấn phun phòng, chống dịch bệnh, diện tích phun gần 700.000 m2; thực hiện công tác tiêm phòng bắt đầu từ tháng 3/2021 đến hết tháng 7/2021 đạt gần 50% tổng đàn gia cầm. Cùng với đó, TTDVNN huyện đã tăng cường tuyên truyền đến người dân tại 22/22 xã, thị trấn về phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi nói chung, gia cầm nói riêng.

Mặt khác, để tăng cường phòng, chống các chủng CGC, TTDVNN huyện thường xuyên phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ, nhận bàn giao, tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, vận chuyển trái phép không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 7/2021, TTDVNN đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn huyện kiểm tra, giám sát được 8 lượt, qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, hiện nay, thời tiết nắng nóng xen lẫn mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dễ phát sinh trên đàn gia cầm. Đặc biệt, thời điểm này tại, tỉnh Cao Bằng – giáp ranh với huyện đã xuất hiện chủng CGC A/H5N8, vì vậy, công tác phòng, chống dịch CGC luôn được huyện quan tâm, triển khai quyết liệt.

Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện nay, chúng tôi tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi… Đặc biệt, tuyên truyền rộng rãi cho bà con nông dân về sự nguy hiểm của chủng CGC A/H5N8, các biện pháp phòng, chống CGC như: không tham gia, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc; lựa chọn con giống tại những cơ sở uy tín; thông báo kịp thời cho chính quyền cơ sở nếu phát hiện các biểu hiện của dịch bệnh…

Anh Hoàng Văn Dín, thôn Nà Háo, xã Đại Đồng cho biết: Gia đình tôi nuôi 150 con gà mái đẻ để cung ứng giống. Trong 6 tháng đầu năm, tôi đã xuất khoảng 300 con giống cho người dân. Nếu dịch bệnh xảy ra sẽ thiệt hại khá lớn nên gia đình tôi đã chủ động phòng, chống dịch bệnh như: tiêm vắc xin cho gia cầm đầy đủ, phun khử khuẩn chuồng trại, chăn nuôi theo mô hình khép kín…

Với các biện pháp đã và đang triển khai, cơ quan chuyên môn và người dân trên địa bàn huyện đã khống chế hoàn toàn ổ bệnh trong huyện và đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ chủng CGC độc lực cao A/H5N8 xâm nhiễm vào địa bàn, đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định

HỒ DUNG - NGUYỄN PHÚC

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/439214-trang-dinh-tang-cuong-phong-chong-cum-gia-cam.html