'Trang mới' cho quế - hồi Tràng Định

Tràng Định sẽ có quế - hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ; người dân sẽ không phải thấp thỏm bởi sự bấp bênh về giá do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc… là những gì chính quyền và người dân huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) đang kỳ vọng khi Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu quế - hồi Việt Nam (Vina Samex) 'tính chuyện lâu dài' với vùng đất này.

“Với tổng diện tích hơn 5.000ha, quế và hồi hiện là 2 cây trồng chủ lực của Tràng Định. Chính vì vậy, khi Vina Samex đặt vấn đề hợp tác đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến quế - hồi hữu cơ, lãnh đạo huyện và các phòng, ban chức năng của huyện vào cuộc rất tích cực. Chúng tôi không muốn “lỡ mất cơ hội” nâng cao giá trị cho sản phẩm quế - hồi của quê hương” - chia sẻ của Bí thư huyện ủy Tràng Định - bà Đặng Thị Kiều Vân - đã phần nào giúp chúng tôi hiểu hơn về tinh thần chào đón mà Tràng Định dành cho Vina Samex; cũng như “tầm nhìn xa” của địa phương này về một “trang mới” cho sản phẩm quế - hồi.

Lễ ký kết hợp tác đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến quế - hồi hữu cơ giữa huyện Tràng Định và Vina Samex có sự chứng kiến của đại diện nhiều bộ, ngành, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế

Lễ ký kết hợp tác đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến quế - hồi hữu cơ giữa huyện Tràng Định và Vina Samex có sự chứng kiến của đại diện nhiều bộ, ngành, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế

Là mảnh đất có quế - hồi bén rễ đã nhiều đời, đến nay, cây hồi đã có mặt ở một số xã của Tràng Định như: Đề Thám, Bác Ái, Tân Minh, Đào Viên, Hùng Sơn, Tri Phương, Quốc Khánh với diện tích khoảng gần 2.000ha, giá trị hàng năm ước đạt 41 tỷ đồng. Cây quế có diện tích gần 3.500ha, tập trung ở địa bàn 4 xã: Cao Minh, Đoàn Kết, Tân Tiến, Kim Đồng; giá trị hàng năm ước đạt khoảng 94 tỷ đồng.

Những năm trước, do việc tiêu thụ quế - hồi của người dân ở Tràng Định chủ yếu phụ thuộc vào tư thương và thị trường Trung Quốc nên giá cả rất bấp bênh, tăng - giảm bất thường. Có những thời điểm, người dân thờ ơ, không còn mặn mà với cây hồi, cây quế.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa huyện Tràng Định và Vina Samex

Với mong muốn giới thiệu quế - hồi của địa phương ra với thị trường, sau khi tìm hiểu, quý II/2019, huyện Tràng Định và Vina Samex đã có nhiều buổi trao đổi, bàn bạc và đi đến thống nhất lựa chọn vùng hồi xã Đề Thám và vùng quế xã Kim Đồng để Vina Samex tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ. Đồng thời dành 15.000m2 tại Bản Cáu, xã Đề Thám để Vina Samex xây dựng nhà máy. Sau khi được sự đồng ý về mặt chủ trương của Tràng Định, Vina Samex đã tổ chức 6 lớp đào tạo cho hơn 300 hộ nông dân ở 2 xã Đề Thám và Kim Đồng về canh tác, bảo quản, vận chuyển quế - hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ; đào tạo các lớp cán bộ nòng cốt cho các nhóm nông dân cùng sở thích làm quế - hồi hữu cơ.

Trao đổi bên lề lễ ký kết hợp tác đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến quế - hồi hữu cơ giữa huyện Tràng Định và Vina Samex tổ chức ngay trong những ngày đầu năm mới 2020, bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Vina Samex - cho biết: Các mẫu sản phẩm lấy từ xã Đề Thám và Kim Đồng mang đi kiểm tra tại các phòng thí nghiệm của Hà Lan đều cho kết quả đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ của EU, Mỹ, Nhật Bản. Thời gian tới, Vina Samex sẽ hoàn thiện thủ tục để tổ chức Control Union (CU) cấp chứng nhận hữu cơ cho vùng hồi xã Đề Thám và vùng quế xã Kim Đồng.

Người trồng hồi vui mừng đón đợi mùa thu hoạch mới

“Sau khi có chứng nhận, Vina Samex sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm quế - hồi đạt tiêu chuẩn hữu cơ để xuất khẩu. Bên cạnh đó, Vina Samex cũng sẽ tiêu thụ thêm quế - hồi ở các xã khác của Tràng Định” – Giám đốc Nguyễn Thị Huyền cam kết.

Cũng theo bà Huyền, Vina Samex xác định sẽ giúp bà con sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao, có thu nhập tốt và ổn định, chính vì vậy, công ty sẽ đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình chăm sóc, thu hái và tiêu thụ sản phẩm. Ngay cả với các thương lái đã và đang thu mua quế - hồi để bán cho thị trường Trung Quốc, bà Huyền cũng mong muốn sẽ được các thương lái cùng hợp tác để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.

Được biết, gần 10 năm tham gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm quế - hồi, đến nay, Vina Samex đã hợp tác với 1.379 hộ nông dân sản xuất, chế biến quế - hồi chất lượng cao trên diện tích 2.610ha rừng quế - hồi đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La. Sản phẩm của Vina Samex cũng là sự lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp tại các thị trường cao cấp như: EU, Mỹ, Nhật Bản…

Trồng, chăm sóc và thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ nâng cao giá trị cho quế - hồi Việt Nam

Cùng với mùa xuân đang về, những rừng hồi tứ quý ở Tràng Định cũng sắp đến ngày thu hoạch. Dẫn tôi đi thăm rừng hồi trải dài, ông Triệu Thạch Can – Bí thư chi bộ thôn Khau Cà, xã Đề Thám hỉ hả: “Lớn lên đã thấy rừng hồi rồi, nhưng trước kia giá hồi lúc đắt, lúc rẻ nên chưa quan tâm cây hồi lắm đâu. Giờ thì nhà nào trong thôn cũng có 2-3 máy cắt cỏ để chăm sóc rừng hồi. Có cán bộ Vina Samex hướng dẫn chăm sóc hồi hữu cơ và cam kết thu mua hồi tươi, bà con vui lắm, không lo đói nữa! Quế - hồi được mùa còn có thể làm giàu được đó…”.

Đây đó trên mảnh đất biên cương Tràng Định, những bông hoa đào, hoa mận đã chúm chím nở; sắc xuân đã ẩn hiện trên những lá hồi, lá quế xanh non. Với người trồng quế - hồi ở các thôn, bản xa xôi ở Tràng Định - mùa xuân này cũng là mùa xuân của niềm tin, hi vọng – hi vọng vào cách làm mới để ấm no hơn, bền vững hơn.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trang-moi-cho-que-hoi-trang-dinh-131304.html