Trang trọng Lễ giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Lễ giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức hàng năm, nhằm bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhận công đức người có công đầu trong thiết lập hệ thống chính quyền ở vùng đất Nam bộ.

Ngày 3/7, Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc và UBND TP Thủ Đức (TP HCM) tổ chức Lễ giỗ lần thứ 323 Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1700 - 2023) và công bố nội dung văn bia Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Lễ giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức hàng năm, nhằm bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhận công đức của Đức Lễ Thành hầu - người có công đầu trong thiết lập hệ thống chính quyền ở vùng đất Nam bộ.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu dâng hương Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: SGGP

Tại lễ giỗ, lãnh đạo TP HCM đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhận công đức của ngài trong việc đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, nay là TP HCM.

Cũng tại sự kiện, người dân và khách mời được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật ngợi ca về vùng đất Nam Bộ của các bậc tiền nhân trong quá trình mở cõi đất phương Nam, vùng đất Sài Gòn - TP HCM với hơn 300 năm xây dựng và phát triển.

Dịp này, Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc phối hợp cùng TP Thủ Đức công bố nội dung văn bia lễ bia đá tại Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Các đại biểu thực hiện nghi thức kéo băng giới thiệu Văn bia Đức lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Về nội dung văn bia, Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc cho biết, từ năm 2020, sau khi tổng hợp ý kiến từ các sở, ban, ngành và thống nhất về nội dung và hình thức, nội dung văn bia đã được in đầy đủ và dán bằng decal lên bia đá tại Đền thờ.

Từ năm 2020 đến năm 2022, Ban Quản lý Đền thờ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến góp ý nội dung văn bia và nhận được đa số ý kiến đồng tình. Đến ngày 23/5/2023, nội dung văn bia được khắc lên bia đá tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.

Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tên thật là Nguyễn Hữu Thành. Ông sinh năm 1650 tại huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) trong một gia tộc có nguồn gốc cùng tổ với chúa Nguyễn. Ông thuộc dòng dõi Đức Nhị Khê Nguyễn Trãi - khai quốc công thần nhà Lê; thân phụ ông là Nguyễn Hữu Dật, là một trong 3 vị đệ nhất công thần của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Màn múa lân trong nghi lễ

Cuộc đời và sự nghiệp của Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh có nhiều công lao to lớn. Vốn dòng dõi võ tướng, Nguyễn Hữu Cảnh sớm theo cha chinh chiến, lập được nhiều chiến công. Ông mất ngày 16/5/1700 tại Sầm Khê (Rạch Gầm, nay thuộc tỉnh Tiền Giang), thọ 51 tuổi.

Nguyễn Hữu Cảnh được coi là vị anh hùng dân tộc, nhà lãnh đạo văn võ song toàn, một vị tướng tài ba, một nhà quản lý hành chính xuất sắc. Ông là người có công khai phá bờ cõi phương nam, xác lập chủ quyền ở Đàng Trong, đặc biệt là vùng đất Sài Gòn - Gia Định sau này.

Với những chiến công trong việc xác lập chủ quyền ở Đàng trong và chống giặc ngoại xâm, ông được Chúa Nguyễn Phúc Chu tặng phong Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng doanh, thụy Trung Cần.

Tiết mục đờn ca tài tử tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân. Ảnh: SGGP

Năm Gia Long thứ 4 (1805), ông được truy tặng Tuyền lực công thần, đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ độ chỉ huy sứ ty, Đô Chỉ huy sứ phủ Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Phó tướng chưởng cơ, liệt vào thượng đẳng công thần, thờ phụ vào Thái Miếu. Năm Gia Long thứ 9 (1810), ông được thờ ở miếu Khai quốc công thần.

Với tinh thần “Trung quân ái quốc”, hết lòng vì nước vì dân, góp phần xác lập chủ quyền, giữ vững lãnh thổ Việt Nam, Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được nhân dân nhớ ơn, tôn thờ. Ngày nay, đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng, bảo tồn ở nhiều địa phương.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trang-trong-le-gio-duc-le-thanh-hau-nguyen-huu-canh-post254743.html