Trang web vi phạm bản quyền 'núp bóng' mạng xã hội

Tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet không có dấu hiệu giảm mà có hiện tượng biến tướng từ các trang web vi phạm bản quyền thành các trang mạng xã hội, hoạt động bằng giấy phép mạng xã hội nhưng các trang này liên tục vi phạm bản quyền.

Hdonline hoạt động bằng giấy phép mạng xã hội nhưng đăng tải rất nhiều phim chưa có bản quyền.

Trong mấy năm trở lại đây, tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình, các game show, tác phẩm âm nhạc trên môi trường Internet đã được ICTnews cảnh báo trên rất nhiều bài viết, nhưng trên thực tế thì tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường Internet không có dấu hiệu giảm mà có hiện tượng biến tướng từ các trang vi phạm bản quyền thành các trang mạng xã hội.

Trong tháng 7 vừa qua, 3 đơn vị là K+, BHD và Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPA) đã chính thức có văn bản khiếu nại lên Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử một loạt các trang web cung cấp phim lậu mà các đơn vị này sở hữu bản quyền công chiếu tại Việt Nam.

Trong văn bản gửi lên Cục, K+ cho biết, bằng các biện pháp giám sát nghiệp vụ, K+ phát hiện 6 trang mạng xã hội đã khai thác, sử dụng trái phép các chương trình mà K+ độc quyền phát sóng và độc quyền trên tất cả các hạ tầng trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể là 6 trang mạng xã hội: bilutv.com, hdonline.vn, hdviet.com, phimbathu.com, phimoi.net, vclip.vn. 6 trang mạng xã hội này đã vi phạm bản quyền 4 bộ phim mà K+ giữ độc quyền phát sóng bao gồm: Happiness for sale, Hot Young Bloods, The Con Artists, Memories of the sword. K+ đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử sớm có biện pháp xử lý triệt để các trang mạng xã hội vi phạm nói trên để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh trên mạng.

MPA cũng tố cáo 4 trang mạng: phimmoi.net, bilutv.com, banhtv.co, phimbathu.com có hành vi xâm hại bản quyền các bộ phim của 6 hãng phim Mỹ là thành viên của MPA.

Nhà sản xuất và phân phối phim BHD đã đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có biện pháp xử lý 5 website phim lậu gồm có: banhtv.com, bilutv.com, hdonline.vn, phimbathu.com, phimoi.net vi phạm bản quyền 8 bộ phim và BHD giữ bản quyền, gồm các phim: Ngày luân hồi, Con tàu y đức, Tôi không phải robot, Mặt nạ quân vương, Không lối thoát hiểm, Em đứng trên tàu ngắm phong cảnh, Con đường đưa tiễn đầy hoa, Cửu châu hải thượng mục vân ký.

Điều đáng nói là trong số các trang web vi phạm kể trên có một số trang như hdonline.vn, hdviet.com, vclip.vn đã được cấp giấy phép hoạt động mạng xã hội để người dùng chia sẻ các video, hình ảnh, nhưng trên thực tế thì các trang này đã cung cấp hàng nghìn bộ phim khi chưa được sự cho phép của chủ sở hữu quyền. Cụ thể hdonline.vn được cấp giấy phép mạng xã hội số 572/GP-BTTTT ngày 15/12/2016, hdviet.com được cấp giấy phép mạng xã hội số 568/GP-BTTTT ngày 14/12/2016. Vclip cũng hoạt động bằng giấy phép mạng xã hội được cấp cho Công ty cổ phần Bạch Minh (Vega).

Trong số các trang web vi phạm kể trên, mạng xã hội hdonline.vn vừa bị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử xử phạt 30 triệu đồng về hai hành vi vi phạm: Thực hiện không đúng giấy phép thiết lập mạng xã hội và vi phạm bản quyền phim của hãng TVB (Hồng Kông). Sau khi bị xử phạt hdonline.vn hiện đã đổi sang hoạt động bằng tên miền hdo.tv vẫn bằng giấy phép hoạt động mạng xã hội được cấp từ tháng 12/2016.

Các trang vi phạm bản quyền nói trên nằm trong danh sách 83 trang web có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình, đứng đầu bảng các trang có số lượt truy cập cao Top đầu trong các website ở Việt Nam như: bilutv.com, hayhaytv.com, hdviet.com, phimmoi.net, hdonline.vn, phimbathu.com. Danh sách này do Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử công bố hồi tháng 9/2017.

Talktv liên tục bị phát hiện vi phạm bản quyền trong kỳ World Cup 2018.

Hồi diễn ra kỳ World Cup 2018, trang mạng xã hội talktv.vn cũng liên tục bị phát hiện livestream các trận đấu bóng đá, trong khi ICTnews liên tục cảnh báo về tình trạng vi phạm bản quyền trên trang mạng xã hội này. Sau khi bị cảnh báo, talktv.vn đã ra thông báo cấm các thành viên livestream những trận đấu nếu vi phạm sẽ bị khóa tài khoản, nhưng trên thực tế thì tình trạng vi phạm bản quyền trên trang này vẫn diễn ra ở hầu hết các trận đấu của kỳ World Cup.

Có thể nói vi phạm bản quyền trên Internet diễn ra trong một thời gian khá dài và ở mức đáng báo động. Có nhiều cuộc hội thảo bàn giải pháp chống xâm hại bản quyền trên Internet đã được tổ chức trong mấy năm gần đây. Nhưng trên thực tế các trường hợp vi phạm bị xử phạt không đáng kể, thậm chí rất ít các đơn vị sở hữu quyền lên tiếng khi mà tác phẩm mà họ nắm quyền bị xâm hại.

Theo ý kiến của nhiều người, để giải quyết được tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan như hiện nay cần thực hiện cùng lúc hai giải pháp đó là: Ngăn chặn nguồn quảng cáo để nuôi sống các trang này và chặn địa chỉ tên miền truy cập đến trang này. Bằng các giải pháp kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước có thể yêu cầu nhà mạng chặn truy cập đến các trang vi phạm, cũng như yêu cầu đóng cửa tên miền. Tuy nhiên, khi nguồn tiền quảng cáo đổ vào các trang này vẫn còn, thì khi chặn tên miền này, chủ website có thể nhanh chóng đổi sang tên miền khác để thay thế.

My Lan

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/internet/trang-web-vi-pham-ban-quyen-nup-bong-mang-xa-hoi-170992.ict