Tránh bị lừa khi tìm việc

GiadinhNet - Hiện trên địa bàn Hà Nội có một số cơ sở giới thiệu việc làm (GTVL) không được cấp phép, hoạt động "chui" ngoài sự kiểm soát của Sở LĐTB & XH Hà Nội.

Nhiều bạn sinh viên cả tin, dễ dãi trao tiền đã bị "sập bẫy" khi tìm đến các trung tâm việc làm "ma" này. Vì vậy, khi kiếm việc làm, người lao động cần lưu ý 5 điểm sau: 1. Không nhận việc qua tờ rơi Bà Nguyễn Ngọc Trinh - PGĐ Trung tâm GTVL Thanh niên Hà Nội cho biết, không chỉ dịp hè mà thời điểm giáp Tết, rất nhiều trung tâm "ma" hoạt động thời vụ phát sinh. Không ít sinh viên bị lừa nộp phí cho các trung tâm này. Việc sinh viên bị lừa là do thiếu thông tin về những trung tâm tư vấn uy tín, mặt khác do tâm lý nóng vội muốn đi làm ngay, lại bị hấp dẫn bởi mức lương cao trong các tờ rơi như: 80.000 đồng/1giờ hoặc 200.000 đồng/1ca, số lượng lao động tuyển không hạn chế... thì cần phải tìm hiểu thật kỹ. Ngoài ra, những công việc trên tờ rơi quảng cáo phần lớn là những công việc "trôi nổi" và kém chất lượng, khi xảy ra việc gì sẽ không được đền bù. 2. Chính sách, công việc không cụ thể Theo bà Ngọc Trinh, các trung tâm uy tín thường đưa thông tin rất cụ thể, chính xác về chính sách, mức lương, công việc và mọi thông tin liên quan đến nhà tuyển dụng. Nếu có nhu cầu, người tìm việc có thể gặp trực tiếp nhà tuyển dụng và xem cụ thể việc làm có phù hợp với khả năng của mình không trước khi quyết định. Ngược lại, các trung tâm "ảo" thường đưa thông tin lập lờ về tuyển dụng. Rất nhiều trường hợp người tìm việc bị cơ sở giới thiệu đi phỏng vấn sai địa chỉ, hoặc sai với các thỏa thuận về điều kiện tuyển dụng, điều kiện làm việc, thu nhập...Vì vậy, khi tìm việc qua Trung tâm GTVL nên hỏi rõ công việc cần làm, mức lương, chính sách, nhà tuyển dụng và yêu cầu nhân viên tư vấn kiểm tra lại tính xác thực của công việc, thực hiện đúng các cam kết do hai bên đưa ra. 3. Tránh trung tâm nằm trong ngóc ngách khó tìm Cũng theo bà Ngọc Trinh, các trung tâm "ma" thường trưng biển quảng cáo tuyển gấp. Địa bàn hoạt động chủ yếu trong những ngõ khuất, nơi xa thành phố, chỉ là một căn phòng nhỏ thiếu cơ sở thiết bị làm việc, thậm chí văn phòng chỉ có chiếc điện thoại với một cái bàn nhỏ. Địa điểm trung tâm tạm bợ, chỉ có một hoặc hai nhân viên. Tốt nhất, người lao động nên tìm một trung tâm giới thiệu việc làm chính thống hoặc tự mình nộp hồ sơ xin việc tại các nơi tuyển dụng khỏi cần qua trung tâm. 4. Bắt đóng phí Bà Vũ Thị Thanh, PGĐ Trung tâm GTVL Hà Nội cho biết, theo Nghị quyết 19/2005/ NQ- CP, tất cả các TTGTVL đều không được thu bất cứ khoản lệ phí nào của người lao động. Khi đến trung tâm, người lao động sẽ được tư vấn miễn phí. Những trung tâm nào yêu cầu phải nộp những khoản phí rất vô lý như: Phí hồ sơ, phí đặt cọc hàng khuyến mại, phí chuyển xét hồ sơ... là bất hợp pháp. Khi đến, trung tâm lại thúc giục người tìm việc làm hồ sơ và nộp lệ phí theo kiểu "sắp hết hạn nộp hồ sơ rồi, em nhanh chóng nộp phí và giấy tờ để giữ chỗ làm việc" thì cần phải cân nhắc. Nhất là công việc không yêu cầu kiến thức, không kinh nghiệm, ngoại hình, lại trả lương cao thì cần cảnh giác vì không nơi nào tuyển dụng một người mà họ không biết chắc nhân viên có khả năng đảm bảo công việc hay không. 5. Ký cam kết rõ ràng Khi tiến hành làm hợp đồng cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, phải có cam kết, hợp đồng có tính pháp lý để tránh bị trốn tiền lương. Nếu công ty đòi đóng phí thì cần lấy biên lai hóa đơn đầy đủ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp. Không nên dễ dàng chấp nhận công việc, kể cả công việc làm thêm bán thời gian nếu yêu cầu xem hợp đồng lao động hay những cam kết lao động mà bên phía công ty đó không đưa ra được. Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100528084226740p0c1000/tranh-bi-lua-khi-tim-viec.htm