Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Kiểm tra bàn chân mỗi ngày rất quan trọng để tìm vết loét, mụn nước, mẩn đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào khác có thể xảy ra.

Hỏi:

Mẹ tôi bị tiểu đường 5 năm nay. Tôi nghe nói rất nhiều về biến chứng bàn chân, có thể phải tháo bỏ khớp nếu xảy ra tình trạng viêm nhiễm, hoại tử. Vậy làm sao để phòng biến chứng này, thưa bác sĩ?

Kim Thoa (Hà Nội)

Ảnh minh họa.

BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương trả lời:

Với người bệnh đái tháo đường, biến chứng loét chân là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi. Việc điều trị bàn chân đái tháo đường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn.

Theo đó, để dự phòng biến chứng bệnh nhân cần lưu ý:

- Thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và thuốc. Giữ lượng đường trong máu trong phạm vi khuyến cáo của bác sĩ.

- Chăm sóc bàn chân bằng cách rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày, sau khi rửa xong cần dùng khăn lau khô, đặc biệt là các kẽ chân; Thoa kem dưỡng ẩm, chà vết chai chân, kiểm tra móng chân mỗi tuần một lần, lưu ý không cắt khóe để tránh gây tổn thương.

- Kiểm tra bàn chân mỗi ngày rất quan trọng để tìm vết loét, mụn nước, mẩn đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào khác có thể xảy ra.

- Sử dụng giày hoặc dép kín mũi.

- Đi khám định kỳ: Trong mỗi lần kiểm tra đái tháo đường, người bệnh cũng nên khám chân kỹ lưỡng. Cứ 2-3 tháng, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe một lần, ngay cả khi không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường.

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tranh-bien-chung-ban-chan-o-nguoi-mac-tieu-duong-192240222233914612.htm