Tranh cãi bủa vây loạt phim truyền hình ăn khách Hàn Quốc

Đây là những bộ phim truyền hình có tỷ lệ người xem cao, mang về danh tiếng cho diễn viên và nhà sản xuất, nhưng cũng là trung tâm của rất nhiều tranh cãi.

Dàn diễn viên quy tụ những cái tên nổi tiếng vì tài năng và nhan sắc, cốt truyện mới mẻ khiến khán giả tò mò với trọng tâm là chuyện tình yêu muôn thuở giữa chàng và nàng, vượt qua muôn vàn thử thách để đến bên nhau… Đây là công thức làm nên thành công của mọi bộ phim truyền hình Hàn Quốc đã hớp hồn khán giả toàn châu Á suốt một thập kỷ qua.

Tuy nhiên, đằng sau danh tiếng ấy là rất nhiều tranh cãi xoay quanh chất liệu lịch sử, cách thức xây dựng nhân vật, thậm chí cả việc bán quảng cáo của nhà sản xuất…

Lạm dụng quảng cáo

Từ những năm năm 1950 của thế kỷ 20, việc đưa hình ảnh quảng cáo sản phẩm vào phim ảnh hay các chương trình truyền hình bắt đầu trở nên phổ biến tại Mỹ, và sau đó, lan ra toàn thế giới. Đây là một cách vô cùng hữu hiệu để quảng bá sản phẩm, cũng như mang về cho nhãn hàng nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Quân vương bất diệt, bộ phim trọng điểm của đài SBS nửa đầu 2020, đã khiến người xem ngỡ ngàng không chỉ vì cốt truyện yếu kém, nhân vật chưa tròn vai hay nội dung lê thê mà còn bởi hành động cài cắm tràn lan quảng cáo sản phẩm vào nội dung mỗi tập phim.

Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân tới Đại Hàn Dân quốc, nhân vật hoàng đế Lee Gon (Lee Min Ho) đã lập tức mê mệt một nhãn hiệu cà phê, bánh ngọt tại thế giới này, và liên tục tán dương nó bằng những lời có cánh.

 Quảng cáo tràn lan biến Quân vương bất diệt thành Quân vương... quảng cáo.

Quảng cáo tràn lan biến Quân vương bất diệt thành Quân vương... quảng cáo.

Nhân vật nữ cảnh sát của Kim Go Eun cũng khiến người xem “phát điên” khi quảng cáo một mạch ba sản phẩm: cây lăn dưỡng ẩm đa năng, kim chi và mặt nạ gắn đèn chỉ trong tập phim dài 70 phút.

Khi quân vương và cô cảnh sát hẹn hò, họ trở thành “gương mặt đại diện” quảng cáo trà sữa. Người xem còn kháo nhau rằng với tần suất mỗi tập một lần, liệu toàn bộ menu đồ uống có kịp lên sóng trước khi phim khép lại hay không.

Năm 2016, việc quảng cáo sản phẩm trong Hậu duệ mặt trời cũng từng là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp pháp lý. Song Hye Kyo đã kiện công ty trang sức J.Estina vì sử dụng hình ảnh nữ diễn viên vào mục đích quảng cáo khi chưa được phép sau khi hợp đồng giữa hai bên đã kết thúc.

Hãng J.Estina sau đó giải thích mình đã làm đúng theo hợp đồng ký với nhà sản xuất của Hậu duệ mặt trời. Theo đó, một trong các quyền lợi mà nhà đầu tư chính của bộ phim có được là quyền sử dụng hình ảnh cắt ra từ các tập phim.

Tuy nhiên, công ty sản xuất bộ phim, Next Entertainment World, không chấp nhận lời giải thích này vì không có căn cứ pháp lý. Song Hye Kyo đã thắng vụ kiện và sử dụng toàn bộ số tiền bồi thường vào mục đích từ thiện.

Làm sai lệch lịch sử

Năm 2018, bộ phim Quý ngài Ánh dương, dù là tác phẩm truyền hình gây tiếng vang lấy đề tài chiến tranh Nhật Hàn những năm cuối thế kỷ IXX, đầu thế kỷ XX, vẫn bị chỉ trích là cố tình bóp méo lịch sử.

Oh Young Seob, giáo sư công tác tại Đại học Yonsei, là người đầu tiên chỉ ra những sự kiện lịch sử được tái hiện trong tác phẩm truyền hình tiêu tốn tới 40 tỷ won để sản xuất đã bị mô tả không đúng sự thật.

Theo ông, Quý ngài Ánh dương đã thể hiện sai lệch cuộc sống của người Mỹ tại Hàn Quốc trước chuyến thám hiểm năm 1871 của họ tới đây. Tiếp đó, cảnh phim nữ nhân vật chính thực hiện nhiệm vụ ám sát một người Mỹ cũng hoàn toàn sai sự thật. Vào thời kỳ đó, đội quân mà nữ sát thủ tham gia không có chủ trương nhắm vào người Mỹ.

Dù hoành tráng và ám ảnh, Quý ngài Ánh dương vẫn gây tranh cãi vì góc nhìn lịch sử.

Quay lại trường hợp của Quân vương bất diệt, ngay khi phim phát sóng tập đầu tiên, khán giả đã phản ứng mạnh mẽ trước việc hình ảnh Đại Hàn Đế quốc trong phim có những tòa kiến trúc giống như ngôi chùa cổ Toudai-ji, cũng như quốc huy gây liên tưởng tới biểu tượng hoàng gia của Nhật Bản.

Ngoài ra, Quân vương bất diệt còn bị chỉ trích vì “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong thiết kế trang phục. Trong tập 6 của phim, chiếc vương miện mà hoàng đến Lee Min Ho đội có thiết kế thuộc về triều đại Silla cổ, nhưng tấm hoàng bào nhân vật mặc trên người lại mang dáng dấp của thời Joseon.

Không rõ đây là chủ đích của tổ thiết kế mỹ thuật hay sai sót trong tra cứu tài liệu, nhưng chỉ một cảnh phim ngắn ngủi đó thôi cũng đủ khiến Quân vương bất diệt trở thành đề tài giễu nhại của cư dân mạng Hàn Quốc.

Nhật Bản luôn là một chủ đề nhạy cảm với người dân Hàn Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới lịch sử và văn hóa của hai quốc gia. Do đó, một sơ suất nhỏ của đoàn làm phim cũng có thể dẫn tới việc khán giả quay lưng với sản phẩm tâm huyết của mình.

Xây dựng nhân vật đi ngược thị hiếu khán giả

Trong Yêu tinh (2016), nhân vật yêu tinh Kim Shin của Gong Yoo đã sống đến 900 năm, trong khi “cô dâu” của anh do Kim Go Eun thủ vai mới chỉ đôi mươi khi họ gặp gỡ. Nhân vật của Kim Go Eun cũng từng được yêu tinh Gong Yoo cứu khi còn nằm trong bụng mẹ và có khả năng gọi anh xuất hiện chỉ bằng cách thổi tắt một ngọn nến.

Mối tình trái ngang ấy dù lấy đi không ít nước mắt của khán giả, nhưng cũng khiến không ít khán giả khác rùng mình, khi cách biệt tuổi tác khổng lồ giữa hai người.

Thêm vào đó, nhân vật của Kim Go Eun trong Yêu tinh cũng không thoát ra được khỏi motif cổ tích tình yêu. Chi tiết thổi nến để gọi Kim Shin của “cô dâu yêu tinh” bị đánh giá là tương tự như những giọt nước mắt của nàng Lọ Lem gọi bà tiên xuất hiện.

Khoảng cách gần tuổi tác gần 9 thế kỷ khiến mối quan hệ giữa hai nhân vật chính Yêu tinh trở nên khó chấp nhận với nhiều khán giả.

Đáng buồn hơn, 4 năm sau, Kim Go Eun vẫn vào lại kiểu nhân vật đã lỗi thời này trong Quân vương bất diệt. Dù là con nhà võ, lại từng một mình tóm gọn tên tội phạm nguy hiểm, đến lúc bị bao vây bởi đám tay chân của phe phản diện, cô cảnh vẫn sát cam tâm thu mình chịu đánh, chờ hoàng đế Lee Gon xuất hiện phá vòng vây.

Tuy không theo câu chuyện tình cũ mòn, nhưng Quý ngài Ánh dương lại làm mất lòng công chúng khi xây dựng hai nhân vật Eugene Choi của Lee Byung Hyun và Goo Dong Mae của Yoo Yeon Seok.

Nếu Eugene Choi được mô tả là kẻ vì từng bị xua đuổi mà luôn chối bỏ gốc gác và quay lưng lại với Tổ quốc, thì tên xã hội đen Dong Mae lại theo Nhật và quay về trả thù những người Hàn Quốc từng một thời phỉ nhổ và xua đuổi mình.

Việc xây dựng hai nhân vật nam quan trọng nhất phim theo hướng thân Nhật và lãng mạn hóa cuộc đời họ thành những vị anh hùng thời loạn của biên kịch Quý ngài Ánh dương đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của khán giả.

Bộ phim thậm chí còn châm ngòi cho chiến dịch ký tên trên website của Nhà Xanh yêu cầu Chính phủ có những biện pháp ngăn chặn các sai sót trong phim lịch sử. Những người tham gia ký tên nhấn mạnh việc Koo Dong Mae là một nhân vật phản diện, nhưng lý do khiến anh ta theo Nhật đã gián tiếp xét lại vai trò ấy.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-cai-bua-vay-loat-phim-truyen-hinh-an-khach-han-quoc-post1089738.html