Tranh cãi: Có nên giam giữ người bị AIDS giai đoạn cuối?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối thì không nên đưa vào trại giam vì tính nhân văn.

Sáng 26-6 tại Nhà khách Quốc hội TP.HCM, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) thảo luận buổi cuối cùng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS.

Các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS được các đại biểu bàn luận sôi nổi.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng người bị HIV giai đoạn cuối mà nhốt vào trại giam thì khổ cực quá. Ảnh: LÊ THOA

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng người bị HIV giai đoạn cuối mà nhốt vào trại giam thì khổ cực quá. Ảnh: LÊ THOA

Theo PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng - Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS đã bãi bỏ điều 42:

Áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối.

1. Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Người bị Tòa án kết án mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt, được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án phạt tù.

3. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; hoãn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

4. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể điều kiện công nhận người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này

PGS Mạnh cho biết, điều 42 đã không thực hiện được trong thời gian qua, bởi “không định nghĩa được AIDS giai đoạn cuối”, nên đề xuất bỏ điều này.

Ông cũng đề nghị mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo thực hiện được công tác giám sát, xét nghiệm, chuyển gửi, quản lý chăm sóc, điều trị ARV, gồm: những người quản lý tại cơ sở điều trị, cán bộ về giám định bảo hiểm y tế (BHYT), cán bộ làm công tác giám sát dịch HIV/AIDS.

Ông còn đề nghị việc bỏ chính sách phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, phạm nhân nên được điều trị HIV miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng “Người ta không chết vì AIDS mà chết vì phân biệt đối xử”.

Theo bà Thu, có những người nhiễm HIV/AIDS nhưng không phải do sa vào tệ nạn, sống buông thả. Việc dự thảo Luật mới đề nghị bãi bỏ điều 42 vì “không định nghĩa được AIDS giai đoạn cuối”, bà Thu không đồng tình vì cho rằng điều 42 thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. “Người ta gần chết rồi, làm sao còn khả năng gây án, hình sự hóa làm gì nữa. Còn không định nghĩa được giai đoạn cuối của AIDS thì đó là lỗi của các anh” – bà Thu nêu ý kiến.

Bà cũng cho rằng họ đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh mà nhốt vào trại giam thì khổ cực quá. "Mình nên cho họ về nhà, tất nhiên không phải về rồi muốn làm gì cũng được mà chúng ta phải thăm khám, chăm nom rồi để họ ra đi ở nhà” - bà nói.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH đề nghị các đại biểu nên suy nghĩ lại về điều 42.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

Về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH cũng đặt vấn đề để các đại biểu tiếp tục suy nghĩ mà góp ý cho dự thảo Luật. “Để cho người sắp chết mà ở trong tù vì ta không xác định được giai đoạn cuối của AIDS như thế nào. Vậy nên bỏ hay chuyển sang hướng khác?” – ông Phong cũng gợi ý phải chăng các loại bệnh nan y khác cũng nên được đưa vào Luật để giữ tính nhân văn.

Ngoài ra, tại hội thảo, nhiều địa phương cũng cho biết, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở nhóm tình dục đồng tính nam ngày càng tăng lên. Chẳng hạn TP.HCM có tỷ lệ 13,8% vào năm 2018 và đến nay vẫn duy trì ở mức cao, Lâm Đồng là 2,9%,…

Nhiều bệnh nhân HIV không được cấp BHYT

Ông Đồng Văn Ngọc, Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay TP.HCM có gần 47.000 người nghiện, gần 40.000 người đang điều trị ARV. TP đã triển khai tất cả chương trình về phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên, khó khăn của công tác này còn nhiều. Đơn cử, xu hướng nhiễm HIV/AIDS trên nhóm quan hệ đồng giới nam tăng, người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp cũng tăng.

Ông Đồng Văn Ngọc, Sở Y tế TP.HCM ,cho biết có nhiều người nhiễm HIV nhưng không có nơi cư trú, giấy tờ nên không thể có BHYT. Ảnh: LÊ THOA

Điều đáng nói, hiện TP có khoảng 20-25% người nhiễm HIV/AIDS, điều trị ARV nhưng có hộ khẩu ở tỉnh, thành khác. Trong đó có nhiều người không có nơi cư trú, không có giấy tờ tùy thân, nên không thể tham gia BHYT để điều trị bệnh được. Ông Ngọc nhìn nhận đây là thách thức lớn của TP.HCM.

Về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, cũng bày tỏ trăn trở: “HĐND TP bỏ tiền ra nhưng lại không mua được BHYT cho người bệnh vì vướng giấy tờ”. Ông đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu sửa Luật để đáp ứng nhu cầu của người bệnh hiện nay.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tranh-cai-co-nen-giam-giu-nguoi-bi-aids-giai-doan-cuoi-920738.html