Tranh cãi gay gắt quanh chuyện giáo sư mặc quần cộc dạy học

Mới đây, việc Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - mặc quần cộc ngắn, áo vest (hoặc áo thun) để giảng bài cho sinh viên nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.

Ảnh: facebook Vũ Anh.

Theo đó, những hình ảnh ban đầu được đưa lên mạng xã hội facebook cho thấy, Giáo sư (GS) Thành đang ngồi chia sẻ trên hàng ghế diễn giả với hai khách mời khác. Trong đó, hai khách mời mặc áo quần lịch sự nhưng GS Thành lại mặc áo thun, quần cộc nói chuyện. Trong một số hình ảnh khác, GS Thành cũng mặc quần ngắn, áo thun để trao đổi với sinh viên cũng như trao giải thưởng về ý tưởng khởi nghiệp. Trước đó, vị GS này cũng mặc quần ngắn, áo vest để giảng bài trước đông đảo sinh viên.

Liên quan đến việc này, có khá nhiều ý kiến trái chiều về phong cách ăn mặc của GS Trương Nguyện Thành.

Khá nhiều ý kiến cho rằng, dù có quy định hay không thì bản thân mỗi người đều phải tự có những quy tắc lịch sự cho riêng mình, nhất là ở nơi đông người để được tôn trọng và tạo thiện cảm với người đối diện. Đứng trước sinh viên, học sinh của mình, người thầy càng phải cẩn trọng và mực thước. Không rõ thầy Thành có ẩn dụ gì hay không, nhưng rõ ràng, đây là trang phục đi dạy thiếu thẩm mỹ và không thích hợp ở nước ta.

Bạn đọc K.T nghiêm khắc nói: “Điều gì cũng cần có khuôn khổ của nó, sự phá cách cũng chỉ nên trong chừng mực nào đó thôi. Hình ảnh người thầy mặc quần cộc đi dạy học thì chắc chẳng nơi nào có. Điều này còn mang đến một cái nhìn phản cảm về hình ảnh người thầy. Đặc biệt là đối với nhiều thế hệ phụ huynh và học sinh”.

Còn bạn H.L thì cho rằng: “Phóng túng, hoang tưởng, chơi ngông không phải là sáng tạo. Tôn trọng chính mình tức là tôn trọng người khác. Đặc biệt, hình ảnh người thầy luôn cần phải được giữ gìn chứ không thể bôi bác thế được”.

Thầy Thành và bộ quần áo gây tranh cãi. Ảnh Pháp luật TPHCM.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, việc sáng tạo trong phong cách ăn mặc trong một số giờ dạy như vậy cũng không có gì là phản cảm. Điều này mang đến cho cả người học và người dạy sự thoải mái cũng như vượt qua được những quy tắc cứng nhắc, những lối mòn, rào cản mà xưa nay thường đặt ra.

Phong cách quần áo mặc ở nhà tạo cho GS Thành vẻ ngoài giản dị, gần gũi. Bạn đọc Tấn Phương cho hay: “Đạo mạo mà giảng bài sinh viên khó hiểu thì chẳng qua chỉ là hình thức, quần cộc cũng vẫn ổn. Chẳng ai nhầm lẫn thầy với sinh viên - có sự giản dị, gần gũi.”

Một số ý kiến khác của các bạn TL, Hoa Hong, Hà Long… cho rằng, đây là ẩn ý của bài giảng bởi buổi học hôm đó chủ đề là sáng tạo. Bạn Hoa Hong thậm chí còn chỉ ra thông điệp từ cách phục trang của thầy: “GS Thành muốn truyền tải một thông điệp "Muốn sáng tạo, tạo cái mới, hãy vượt qua tư duy lối mòn, đóng khung, mặc định"”.

V.T (T.H)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/tranh-cai-gay-gat-quanh-chuyen-giao-su-mac-quan-coc-day-hoc-658680.bld