Tranh cãi hậu thuẫn Saudi Arabia tại Yemen, Mỹ tự lộ bài?

Mỹ tô vẽ sự nguy hiểm lợi ích một khi Houthi kết hợp với Iran, tuyên bố không thể ngừng ủng hộ Saudi ở Yemen.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề vùng Vịnh và Arab Timothy Lenderking mới đây tuyên bố, Chính phủ Mỹ muốn tiếp tục ủng hộ liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đang can thiệp vào cuộc chiến ở Yemen.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề vùng Vịnh và Arab Timothy Lenderking

Ông Lenderking thừa nhận Chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với sức ép lớn hoặc phải rút khỏi xung đột hoặc không tiếp tục ủng hộ liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ vẫn tin rằng, sự ủng hộ liên minh quân sự ở Yemen là cần thiết.

“Có những áp lực trong hệ thống chính trị của chúng tôi yêu cầu phải rút khỏi xung đột và ngừng hỗ trợ cho liên quân mà Saudi Arabia đang dẫn đầu. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự hỗ trợ cho liên quân này là cần thiết" - ông Timothy Lenderking tuyên bố.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, việc không tiếp tục ủng hộ Saudi Arabia sẽ gửi đi một thông điệp sai lầm.

Gọi Yemen là "quốc gia Arab nhỏ bé", ông Lenderking nhấn mạnh rằng, Mỹ cần phải giúp đỡ Saudi Arabia và UAE để đưa Yemen "thoát khỏi mối đe dọa từ Iran".

Tuy nhiên, sức ép từ bên trong nước Mỹ mà ông Lenderking đề cập là việc Thượng viện Mỹ đã xem xét dự thảo Nghị định 54 yêu cầu chính phủ của ông Donald Trump ngừng hỗ trợ Saudi Arabia trong cuộc chiến ở Yemen.

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul đã làm gia tăng sức ép lên chính phủ Mỹ vì hỗ trợ Saudi Arabia thực hiện chiến dịch quân sự tại Yemen.

Trong khi đó, lực lượng Houthi tại quốc gia này giờ nổi lên là lực lượng có sức mạnh quân sự thiện chiến hơn, có khả năng mở các cuộc tấn công vượt khỏi biên giới Yemen tốt hơn nhiều so với chính quyền của Tổng thống lưu vong mà Mỹ và Saudi Arabia đang ủng hộ.

Quan hệ giữa Houthi với phái Hezbollah ở Lebanon cũng đang ngày càng được củng cố.

Giữa lúc đó, Iran mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Khả năng Houthi bắt tay với Iran cùng sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc sẽ biến mối liên minh này trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết.

Một khi Iran có thể nhảy vào Yemen qua cái bắt tay với lực lượng Houthi đang lớn mạnh thì gọng kìm này sẽ khóa chặt 2 eo biển Bab Al-Mandeb và eo biển Hormuz, phong tỏa đường biển đối với Saudi Arabia.

Cuộc chiến tàn khốc mà Saudi Arabia gây ra ở Yemen.

Sự can thiệp của Saudi Arabia vào cuộc chiến Yemen được cho là lợi ích chiến lược của quốc gia này. Quan hệ khăng khít với Saudi Arabia cùng với tham vọng kiểm soát những khu vực chiến lược nhằm phục vụ cho lợi ích của mình, Mỹ không thể đứng nhìn lực lượng Houthi ở Yemen bắt tay với Iran và định hình Trung Đông.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh mà Saudi Arabia dẫn đầu đang gây nên quá nhiều phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Cuộc xung đột đã gây ra thảm họa nhân đạo lớn nhất thế giới: Hàng chục nghìn dân thường đã thiệt mạng, 14 triệu người đối diện với nạn đói.

Hồi tháng 10/2018, cả Ngoại trưởng Mike Pompeo lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đều lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc chiến, công khai bày tỏ ủng hộ đối với tiến trình đàm phán hòa bình do Liên Hiệp quốc đề xuất.

Phía Mỹ cho rằng, để kết thúc cuộc chiến Yemen theo hướng có lợi nhất cho Saudi Arabia, chỉ có cách là Riyadh đơn phương ngừng chiến dịch quân sự, thách thức Houthi buông súng. Mỹ sẽ nhận vai trò dẫn dắt một liên minh của các siêu cường buộc Saudi Arabia phải ra tuyên bố xuống nước trước Houthi.

Giới phân tích Mỹ cũng phân tích rằng, đơn phương chấm dứt chiến dịch quân sự sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Riyadh và tất cả các bên. Không chỉ giúp chấm dứt cuộc “tắm máu” tàn khốc ở Yemen, bước đi này còn có thể giúp ngăn chặn đà suy giảm uy tín toàn cầu của Saudi Arabia.

Nếu Riyadh chờ chấm dứt xung đột qua đàm phán do Liên Hiệp quốc hậu thuẫn để đạt được một lệnh ngừng bắn, quân Houthi có thể rút ra kết luận rằng tình trạng thù địch vẫn còn tiếp diễn. Từ đó, phái Houthi có thể sẽ chiếm ưu thế trong đàm phán, biến đàm phán thành con tin qua việc đưa ra những yêu sách không phù hợp nhằm vào Saudi Arabia.

Ý đồ của Mỹ chung quy lại vẫn là muốn Saudi Arabia giảm xung đột vào Yemen chứ không phải lực lượng Houthi được nắm quyền ở quốc gia này. Washington hồi cuối tháng 11 đã đề xuất chuyển giao cho “phía trung lập” hải cảng Hodeidah của Yemen, nơi đang diễn ra những cuộc giao chiến dữ dội.

"Cảng Hodeidah cần được bàn giao cho bên trung lập để đẩy nhanh sự hỗ trợ đấu tranh chống lại cuộc khủng hoảng nhân đạo gay gắt và ngăn chặn việc sử dụng cảng vào các phi vụ buôn lậu hàng hóa và vũ khí bất hợp pháp, cũng như tài trợ cho các chiến binh Houthis" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tranh-cai-hau-thuan-saudi-arabia-tai-yemen-my-tu-lo-bai-3370749/