Tranh cãi nảy lửa xung quanh việc tàu ngầm Ấn Độ bị Pakistan 'bắt sống'

Trong đêm ngày 4/3, một tàu ngầm tấn công cực kỳ tối tân của Hải quân Ấn Độ đã bị Pakistan phát hiện khi nó áp sát bờ biển nước này.

Sự kiện chiếc tàu ngầm tấn công tối tân của Hải quân Ấn Độ (hình ảnh hiện trường cho thấy đây là chiếc Kalvari - một biến thể của tàu ngầm Scorpene) bị phát hiện được xem là chiến công lớn của Hải quân Pakistan.

Hải quân Pakistan tự hào cho rằng sự kiện trên đã chứng minh năng lực tác chiến chống ngầm hàng đầu thế giới của Hải quân nước này, bởi vì tàu ngầm Ấn Độ mang trong mình nhiều công nghệ vô cùng hiện đại.

Tuy nhiên dựa theo đoạn video mà Hải quân Pakistan công bố, đã có những ý kiến cho rằng chiến công này chẳng có gì đáng tự hào bởi nó chỉ phát hiện được tàu ngầm Ấn Độ khi con tàu đã nổi.

Sở dĩ có nhận định trên là bởi đặc trưng của tàu ngầm thông thường là nó hay nổi lên trong đêm để chạy động cơ diesel nhằm nạp đầy năng lượng cho các tấm pin dự trữ, Hải quân Pakistan đã "ăn may" khi có mặt đúng thời điểm đó.

Mặc dù vậy đoạn video cho thấy sự thật khác hẳn, tàu ngầm Ấn Độ đã bị ghi hình từ khi nó còn lặn dưới nước cho tới lúc tháp chỉ huy bắt đầu nổi lên, chứng tỏ nó đã bị phát hiện trong lúc đang lặn.

Hải quân Pakistan đã dùng biện pháp nào đó phát hiện con tàu lúc nó còn đang hoạt động trong lòng biển, đồng thời phát tín hiệu và cảnh báo buộc chiếc tàu ngầm Ấn Độ phải nổi lên khai báo.

Phương tiện đã ép được tàu ngầm Ấn Độ nổi lên, đồng thời còn cung cấp video ghi lại toàn bộ sự việc ban đầu được nhận định chính là máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion do Mỹ sản xuất.

Nhưng hình ảnh được công bố cho thấy chiếc máy bay ghi hình ở độ cao rất thấp đồng thời độ ổn định rất cao, cho nên khả năng lớn đoạn video không phải do P-3C Orion thực hiện.

Nếu vậy phương tiện còn lại có thể ép tàu ngầm Ấn Độ nổi lên đồng thời quay phim từ trên không chỉ có thể là trực thăng săn ngầm trang bị cho hạm tàu Z-9C Trung Quốc cấp cho Pakistan.

Trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9C là phiên bản Trung Quốc sản xuất theo giấy phép dựa trên nguyên mẫu AS365 Dauphin của Tập đoàn sản xuất trực thăng châu Âu Eurocopter.

Tính năng kỹ chiến thuật của chiếc Z-9C là rất đáng gờm nhưng nó lại không phải phương tiện tác chiến độc lập mà thường phải phối hợp cùng tàu mặt nước để nâng cao hiệu quả.

Chiếc chiến hạm đã triển khai trực thăng Z-9C theo nhận định có thể là tàu hộ vệ tên lửa F-22P, đây cũng là một sản phẩm của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong biên chế Quân đội Pakistan.

Thời điểm mà tàu ngầm Ấn Độ bị phát hiện thì Hải quân Pakistan cũng đang triển khai lực lượng để dò tìm biên đội tác chiến tàu sân bay của New Delhi, cho nên xác suất tàu ngầm Ấn Độ bị nhận ra cũng lớn hơn bình thường.

Theo đánh giá từ giới chuyên môn, tình huống lúc đó có thể là tàu chiến Pakistan đã nhận ra sự có mặt của tàu ngầm Ấn Độ thông qua sonar của mình, nó đã dùng bom chìm buộc phương tiện kia phải nổi lên và dùng trực thăng Z-9C để ghi lại hình ảnh.

Sẽ cần thêm một số bằng chứng cụ thể nữa từ cả hai bên để đi tới kết luận cuối cùng, nhưng bất luận ra sao đi nữa thì năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Pakistan rõ ràng không thể bị coi thường.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tranh-cai-nay-lua-xung-quanh-viec-tau-ngam-an-do-bi-pakistan-bat-song/801632.antd