Tranh cãi nảy lửa xung quanh việc VEC quyết định ngừng phục vụ vĩnh viễn 2 xe gây rối

Liên quan đến việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhiều cá nhân, đơn vị đã đưa ra ý kiến của mình trong đó có Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trạm thu phí Long Phước thuộc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (ảnh: Đào Ngọc Thạch).

Theo thông tin mới nhất từ Công ty dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), đơn vị vừa thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn với 2 ôtô mang biển kiểm soát TP.HCM là 51A - 55850 và 51G - 77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Quyết định xuất phát từ việc những người tham gia giao thông trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Quyết định này của VEC khiến dư luận xã hội không khỏi ngỡ ngàng. Đa phần mọi người đều không đồng tình, cho rằng quyết định của VEC quá hà khắc.

Vietnamnet trích ý kiến của một số người dân, nhận định rằng VEC E nên phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xử phạt người vi phạm chứ không nên từ chối phục vụ vĩnh viễn.

Nếu từ chối như vậy, khi chủ phương tiện bán xe cho người khác, người chủ mới mua lại giá trị sử dụng xe sẽ được tính như thế nào?

Một quan điểm tương đồng khác thể hiện, nếu tài xế, chủ xe sai thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt. VEC E không có quyền từ chối phục vụ (cấm xe vào cao tốc) vì cao tốc xây dựng trên đất thuộc sở hữu toàn dân.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (ảnh: Vietnamnet).

Không chỉ người dân, giới chuyên gia pháp lý cũng phản đối quyết định của VEC

Trao đổi với báo Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật ( Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc VEC E từ chối phục vụ vĩnh viễn hai xe có biển số nêu trên là hoàn toàn không có cơ sở và trái luật, trái với Hiến pháp của Việt Nam.

Hiện nay trong các quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì không có bất cứ chế tài nào về việc cấm xe lưu hành trên đường cao tốc với lý do trước đó xe đã từng vi phạm trên hệ thống đường này.

Chia sẻ với Zing.vn, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc từ chối phục vụ lưu thông này là "vi hiến, trái pháp luật".

"Mọi người đều có thể đi lại ở bất cứ nơi đâu nếu pháp luật không hạn chế quyền đi lại. Chúng ta phải hiểu đây là đường công cộng của nhà nước chứ không phải đường của riêng VEC. VEC chỉ là đơn vị thi công mặt đường để thu phí chứ không phải là đơn vị sở hữu đường nên không bao giờ có quyền từ chối phục vụ", luật sư Học nhận định.

Những hành khách trên chiếc xe 51G-772.56 dừng lại tại trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (ảnh: VOV).

Đối diện với làn sóng dư luận, phía VEC giải thích quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đã chiếu theo các thông tư, quy định của pháp luật trước khi được đưa ra. Đơn vị này cũng lưu ý rằng toàn bộ cao tốc của VEC không phải là độc đạo, các xe nói trên có thể lưu thông bằng những đường khác.

Theo Vietnamnet, đại diện Tổng công ty Phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, theo Thông tư 90 quy định, nhà đầu tư được quyền từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện đối với các tuyến đường không độc đạo.

Mức nặng nhất để đưa ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn là chủ phương tiện nhục mạ và hành hung nhân viên trên tuyến. Ở vụ việc này có người trên xe cầm gậy golf đòi đánh nhân viên thu phí, đại diện VEC nói rõ.

Theo đại diện VEC, có thể do bức xúc nên đại diện VEC E nói thế, còn quyết định từ chối phục vụ hay không thì Tổng công ty còn phải xem xét dựa trên quy định 13 của đơn vị.

Tuy nhiên, lãnh đạo VEC cũng cho rằng, mấy ngày giáp Tết kẹt xe ai cũng có bức xúc nếu ai cũng có hành xử như chủ 2 phương tiện trên thì cũng quá đáng.

"VEC E từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện có thể hơi quá, nhưng nếu ai cũng hành xử như vậy thì làm sao đường cao tốc vận hành được", đại diện VEC cho hay.

VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện đối với các tuyến đường không độc đạo.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đưa ra ý kiến của mình liên quan đến vấn đề này.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng vụ Quản lý - bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, Tổng cục đã yêu cầu VEC báo cáo chính thức về việc ngưng tiếp nhận vĩnh viễn hai phương tiện vào đường cao tốc.

Từ đó, Tổng cục sẽ căn cứ vào Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định luật giao thông để đối chiếu xem VEC có đủ thẩm quyền được cấm hay không, đối tượng bị cấm có đúng không bởi việc cấm phải có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

"Nhưng theo quan điểm của tôi, người ta có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện chứ không có luật nào xử lý phương tiện cả. Bởi tài sản nó được dịch chuyển và có thể mua bán theo quy định pháp luật. Lỗi không bao giờ thuộc về tài sản", ông Điệp nói.

Bá Di (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tranh-cai-nay-lua-xung-quanh-viec-vec-quyet-dinh-ngung-phuc-vu-vinh-vien-2-xe-gay-roi-a421721.html