Tranh cãi quảng cáo 'Mở lon Việt Nam': Kém mạch lạc, thiếu trong sáng

Cụm từ 'Mở lon Việt Nam' tạo sóng khắp cộng đồng mạng và dư luận nói chung, người đồng tình nhưng cũng nhiều người phản đối văn bản chấn chỉnh cụm từ này của Cục Văn hóa cơ sở. Ngay trong giới chuyên gia ngôn ngữ, việc sử dụng tiếng Việt trong ngôn ngữ quảng cáo cũng khó tạo quan điểm đồng nhất.

Bộ VHTTDL chấn chỉnh cụm từ “Mở lon Việt Nam” của nhãn hàng Coca-Cola

Bộ VHTTDL chấn chỉnh cụm từ “Mở lon Việt Nam” của nhãn hàng Coca-Cola

BỘ VĂN HÓA CHẤN CHỈNH

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) - cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo- phát đi ba công văn số 409, 410 và 411 lần lượt gửi các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đài THVN, VOV, VTC, các Đài PT-TH các tỉnh thành, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT).

Trong các văn bản gửi đi, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nêu rõ nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình, một số phương tiện có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.

Cục đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận, đồng thời yêu cầu chỉnh sửa hoặc tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo đối với loại hình quảng cáo trên bảng, băng rôn. Đối với hình thức quảng cáo khác, Cục cũng đề nghị các cơ quan phối hợp tháo dỡ, xử lý trong trường hợp vi phạm.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở giải thích: “Cụm từ này không có thông tin rõ ràng. Nếu nói “lon” thì phải gắn với tên sản phẩm là gì, một nhãn hàng bia hay nước ngọt nào khác. Việc ngắt chữ “lon” không gắn với tên sản phẩm hàng hóa làm cho người tiêu dùng không rõ thông tin sản phẩm”. Bà Hương nói, cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ với doanh nghiệp nước ngoài khi họ xây dựng slogan quảng cáo không đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt phải điều chỉnh cho phù hợp.

TRANH CÃI

Hai ngày cuối tuần qua, “lon” và “lon Việt Nam” tràn ngập các trang mạng xã hội. Dân mạng được phen chế tác nhiều câu bình luận ăn theo, đa phần chế giễu văn bản quản lý của Cục văn hóa cơ sở. Không riêng dư luận mạng, các nhà ngôn ngữ cũng có những ý kiến đối lập nhau.

PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nêu quan điểm cụm từ “lon Việt Nam” hay “Mở lon Việt Nam” không phản cảm, không vi phạm thuần phong mỹ tục. “Tôi không bàn chuyện dùng cụm từ đó hay hoặc không hay, nhưng tôi cho rằng bất cứ quảng cáo nào bằng hình ảnh hay clip thì ngôn từ phải đi liền ma két quảng cáo để tạo nên thông điệp quảng cáo. Trong trường hợp này nhãn hàng sử dụng nền đỏ, đặt mấy chiếc lon cạnh nhau. Vì thế ta không thể tách “Mở lon Việt Nam” khỏi bối cảnh quảng cáo được”, PGS.TS Phạm Văn Tình nói.

Ông Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ Thông tin và Truyền thông nói ngay “không có cái gọi là lon Hà Nội, lon Thái Bình hay lon Việt Nam. “Mở lon Việt Nam ngay lập tức làm cho công chúng khó hiểu hoặc có thể hiểu mập mờ theo hướng tục tĩu. Đem tên Việt Nam ra gắn với “lon” để tạo thông điệp mập mờ theo nhiều cách suy luận, đàm tiếu kể cả hướng tục tĩu là điều không thể chấp nhận được”, ông khẳng định.

“Tiếng Việt phải tròn vành, rõ chữ. Nếu ỡm ờ không dấu dễ khiến người ta hiểu lầm và nghĩa không đẹp”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu ý kiến. Không bình luận về văn bản chấn chỉnh của Cục Văn hóa cơ sở, tuy nhiên ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ, nhiều lần Sở không chấp nhận khi một doanh nghiệp thông báo nội dung quảng cáo thiếu mạch lạc. “Những nội dung quảng cáo không rõ ràng, khiến người khác dễ suy diễn chúng tôi đều không đồng ý, buộc doanh nghiệp quảng cáo phải sửa đổi”, ông Động nói.

Qua hiện tượng “Mở lon Việt Nam”, GS Nguyễn Minh Thuyết cảnh báo hiện tượng mạng xã hội có xu hướng ném đá không đúng. “Quảng cáo là quyền của các nhà kinh doanh, nhưng phải đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt. Hiện nay có xu hướng nhiều nhãn hàng pha trộn ngôn ngữ quảng cáo thô kệch, viết câu văn độc đáo nhưng khó hiểu, không đẹp. Trong trường hợp “Mở lon Việt Nam”, tôi nghĩ cách nói ấy là nói tắt gây khó hiểu. Thứ nữa, sản phẩm quảng cáo nào đó gắn với quốc hiệu, tên nước cũng nên thận trọng”, GS Thuyết phân tích.

Hà Nội phạt Coca-Cola 25 triệu đồng

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xác nhận với Tiền Phong xử phạt đối với quảng cáo “Mở lon Việt Nam” 25 triệu đồng. Ông Động nói, Thanh tra Sở VHTT Hà Nội có quyết định ngày 27/6 xử phạt 25 triệu đồng đối với Cty Quảng cáo Probina vì hành vi treo biển quảng cáo “Coca-Cola- Mở lon Việt Nam-Trúng vàng mỗi ngày”.

Không xử phạt vì lí do cụm từ “không đúng thuần phong mỹ tục” như công văn của Cục Văn hóa cơ sở nêu ra, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội giải thích: Mức xử phạt này dựa trên hai lỗi: Phía công ty không thông báo nội dung “Coca-Cola-Mở lon Việt Nam-Trúng vàng mỗi ngày” với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Lỗi vi phạm thứ hai là biển quảng cáo này làm mất mỹ quan và an toàn xã hội, vị trí đặt tại 45 Nguyễn Lương Bằng, Sở không đồng ý.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tranh-cai-quang-cao-mo-lon-viet-nam-kem-mach-lac-thieu-trong-sang-1435135.tpo