Tranh cãi sách giáo khoa lớp 1: Nhìn sao cho đúng?

Gọi là 'lạ' cũng đúng mà 'không lạ' cũng đúng. Vấn đề đáng nói ở đây là cách tiếp cận cuộc tranh luận, cả từ phía người tham gia lẫn người không tham gia.

Đã hơn 2 tuần kể từ khi xuất hiện đoạn video ghi hình một giáo viên hướng dẫn học sinh học theo cuốn sách giáo khoa “Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục”, trong đó có phương pháp học từ “lạ”. Cùng với một số nội dung khác, phương pháp này đã tạo ra một làn sóng phản ứng gay gắt, có lúc thái quá từ các phụ huynh học sinh, và lôi kéo các giáo viên, chuyên gia vào cuộc.

Một số từ ngữ được cho là khó hiểu với học sinh lớp 1 trong sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục.

Một số từ ngữ được cho là khó hiểu với học sinh lớp 1 trong sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục.

Gọi là “lạ” cũng đúng. Bởi trong video clip nói trên giáo viên đã hướng dẫn phiên âm một số phụ âm theo một cách rất khác so với truyền thống. Hơn nữa, trong nhiều trang sách còn lấy ví dụ về những từ không có nghĩa, thậm chí phản cảm, không có lợi đối với tâm hồn non nớt của học sinh Lớp 1.

Tuy nhiên, nói “không lạ” cũng đúng. Một số người hiểu biết giải thích rằng cách phiên âm này không mới, chỉ là áp dụng một cách tiếp cận khác cụ thể hơn, dễ hiểu hơn để các em học sinh chưa biết mặt chữ có thể tiếp nhận những khái niệm đơn giản nhất về tiếng nói và ngôn ngữ. Hơn nữa, chương trình đã được hội đồng thẩm định giáo dục quốc gia phê chuẩn và chỉ là một trong nhiều bộ sách giáo khoa được lựa chọn để đưa vào nhà trường theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội.

Vấn đề đáng nói ở đây là cách tiếp cận cuộc tranh luận, cả từ phía người tham gia lẫn người không tham gia. Bên cạnh một số ý kiến xây dựng, không thiếu những ngôn từ khiếm nhã của phụ huynh và một số người được cho là “có tri thức” tung ra nhằm vào tác giả của phương pháp mới. Thậm chí dư luận còn đẩy vấn đề xa hơn bằng các trào lưu chế nhại với những “vuông, tròn, tam giác”. Cá biệt một số còn lợi dụng để phủ nhận sạch trơn những thành tựu về giáo dục của Đảng, Nhà nước trong những năm qua, được nhiều tổ chức uy tín của thế giới công nhận.

Trước sức nóng của dư luận, tác giả chính của cuốn sách giáo khoa, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã đăng đàn để giải thích, trong đó tái khẳng định tính ưu việt của phương pháp mới và triết lý giáo dục giúp học sinh “tận hưởng những thành tựu đã có của nhân loại”.

Câu chuyện càng bị lợi dụng khi phải rất lâu sau khi nổ ra cuộc tranh luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính về việc đưa sách giáo khoa vào giảng dạy ở nhà trường trên cả nước - mới lên tiếng. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục đã được áp dụng thí điểm từ năm 1978, gần đây đã được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá và Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định. Việc áp dụng cuốn sách chỉ là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn áp dụng.

Khách quan mà nói, sự phản biện xã hội là cần thiết cho quá trình phát triển. Ngành giáo dục rất cần sự cải tiến, đổi mới táo bạo để hướng tới một sự phát triển toàn diện, tiếp thu những điểm tích cực, hạn chế những phương pháp lạc hậu. Song phản biện phải đi kèm với những luận chứng, luận cứ khoa học; những bằng chứng cụ thể, thuyết phục. Cách phản biện cũng cần có văn hóa, nhất là khi phản biện với các nhà khoa học, giáo viên, người cao tuổi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Tiếp tay cho luồng dư luận có phần thái quá đó là sự im lặng khó hiểu của cơ quan chức năng trong một thời gian khá lâu. Việc đưa vào áp dụng một chương trình dạy học, một bộ sách giáo khoa đòi hỏi các quy trình, thủ tục nghiêm ngặt. Để xã hội hiểu chưa đúng về những tiến bộ của cuốn sách giáo khoa mới (nếu có) cũng là thiếu sót của quản lý nhà nước khi thăm dò ý kiến dư luận, giới chuyên môn.

Theo Nghị định số 75/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, thì Hội đồng thẩm định và các thành viên phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Thế nhưng, vẫn chưa thấy một ai trong Hội đồng chính thức lên tiếng.

Trong những ngày qua, báo chí đã đóng vai trò là diễn đàn để cân bằng các ý kiến trái chiều. Các giáo viên, chuyên gia ngôn ngữ đã được dẫn lời để giúp người dân hiểu rõ hơn các khái niệm chuyên môn của môn âm vị học, như tiếng nói, chữ viết, phát âm, phiên âm… Nhưng một khi dư luận vẫn chưa thực sự “thỏa mãn”, thì ắt hẳn vẫn còn “vấn đề” nằm ở đâu đó. Nhất là khi nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp: Phải chăng phương pháp tiếp cận lâu nay với môn Tiếng Việt đã tạo ra những thế hệ học sinh thất bại? Liệu cải cách cách đánh vần có nằm trong một chương trình cải cách tổng thể nền giáo dục nước nhà? Có lợi ích nhóm hay không? Giả sử hội đồng thẩm định có thiếu sót thì sao?..vv..vv.

Để sự phản biện xã hội mang tính xây dựng, để dư luận không sa đà vào những phản ứng thái quá, rất cần có vai trò định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, lúc này.

Lê Vũ Hội

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/tranh-cai-sach-giao-khoa-lop-1-nhin-sao-cho-dung-20180910123338430.htm