Tranh cãi và ngờ vực quanh vaccine Covid-19 thần tốc của Nga

Vaccine Sputnik V do Nga mới công bố đứng trước nghi ngờ từ giới khoa học trong nước cũng như quốc tế do chưa hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cần thiết.

Với việc Bộ Y tế Nga thông qua vaccine do Viện Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga phát triển hôm 11/8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên công bố loại vaccine được cho là có khả năng ngăn chặn virus corona xâm nhập cơ thể con người.

Thế nhưng, loại vaccine hiện đã được đặt cái tên Sputnik V đầy tính biểu tượng đang đứng trước sự nghi ngờ từ giới khoa học quốc tế do chưa hoàn thành tất cả giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, với quy mô thử nghiệm trên người ở mức rất hạn chế.

Vaccine của Nga đang ở giai đoạn thử nghiệm nào?

Theo New York Times, các loại vaccine nói chung phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm trên con người trước khi được cấp phép sử dụng rộng rãi.

Cụ thể, trong hai giai đoạn đầu tiên, vaccine được thử nghiệm trên các nhóm đối tượng với quy mô hạn chế, để đánh giá khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể, cũng như xác định những mối nguy hại mà vaccine mang tới cho cơ thể của các đối tượng thử nghiệm.

Trong giai đoạn 3, giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và quan trọng nhất, vaccine sẽ được thử nghiệm ở quy mô lớn, với sự tham gia của hàng nghìn người. Việc tiến hành thử nghiệm ở giai đoạn 3 là cách duy nhất để xác định chắc chắn vaccine có an toàn trong sử dụng để ngăn ngừa bệnh dịch ở quy mô lớn.

 Thử nghiệm vaccine được tiến hành tại Bệnh viện quân sự Budenko, ngoại ô thủ đô Moscow. Ảnh: AP.

Thử nghiệm vaccine được tiến hành tại Bệnh viện quân sự Budenko, ngoại ô thủ đô Moscow. Ảnh: AP.

Do được thử nghiệm trên người ở quy mô rất lớn, thử nghiệm giai đoạn 3 giúp các nhà khoa học tìm ra những tác dụng phụ của vaccine mà chưa được phát hiện tại các giai đoạn thử nghiệm trước đó. Thời gian thử nghiệm giai đoạn 3 thường kéo dài trong nhiều tháng, theo AP.

Theo quy định của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, một loại vaccine cần trải qua đủ 3 vòng thử nghiệm, với tỷ lệ hiệu quả lớn hơn 50% so với sử dụng giả dược, mới có thể được thông qua và cấp phép sản xuất rộng rãi.

Vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya ở thủ đô Moscow phát triển trên cơ sở sử dụng hai chủng virus Adeno thường gây cảm cúm trên con người. Hai chủng virus này được biến đổi gene và mang theo gene protein gai của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19, nhằm giúp cơ thể con người nhận ra mối đe dọa từ virus corona và sản sinh ra kháng thể.

Phương pháp phát triển vaccine của Viện Gamaleya tương tự với cách đang được các nhà khoa học từ Đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh thực hiện. Vaccine do Anh phát triển đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 tại Brazil, Nam Phi và Anh.

Theo APNew York Times, danh sách các ứng cử viên vaccine đang thử nghiệm trên người do WHO công bố cho thấy vaccine do Viện Gamaleya phát triển được đưa vào danh sách đang thử nghiệm an toàn sơ bộ, tức chưa tiến hành thử nghiệm trên quy mô lớn ở giai đoạn 3.

Thông tin do nhà chức trách Nga công bố tới thời điểm hiện tại cũng cho thấy vaccine Sputnik V chưa được thử nghiệm trên quy mô lớn như thường diễn ra ở giai đoạn thử nghiệm thứ 3 của các vaccine thông thường.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko. Ảnh: Reuters.

Bộ Y tế Nga cho biết các thử nghiệm lâm sàng vaccine đã khởi động từ ngày 18/6 với tổng cộng 76 tình nguyện viên. Dù tất cả tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đều phát triển hệ miễn dịch, theo công bố của nhà chức trách Nga, quy mô thử nghiệm như trên thấp hơn nhiều lần so với thực tiễn phát triển và thử nghiệm vaccine thông thường.

Theo ông Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, tổ chức tài trợ cho dự án phát triển vaccine Sputnik V, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo của vaccine này sẽ được khởi động từ 12/8, tức 1 ngày sau khi vaccine được Bộ Y tế Nga cấp phép thông qua.

Thử nghiệm sẽ được tiến hành ở nhiều quốc gia, bao gồm UAE, Saudi Arabia, Philippines và có thể cả Brazil, với "hàng nghìn người" tham gia. Ông Dmitriev cho biết hàng chục nghìn người tình nguyện sẽ được phân phát vaccine.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn trên toàn quốc sẽ được tổ chức từ tháng 10. Việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế, bác sĩ và các nhóm dễ bị tổn thương có thể được tiến hành ngay trong tháng 8. Trong tuyên bố đưa ra hôm 11/8, Bộ Y tế Nga cho biết vaccine được kỳ vọng sẽ tạo ra khả năng miễn dịch đối với virus corona lên tới 2 năm

Phản ứng của WHO và giới khoa học quốc tế

Chỉ vài giờ sau khi Moscow công bố vaccine Sputnik V, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới cho biết sẽ chỉ xác nhận an toàn cho vaccine Sputnik V của Nga sau khi vaccine này trải qua quy trình đánh giá dữ liệu an toàn và hiệu quả.

"Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cơ quan y tế Nga và thảo luận về khả năng WHO xác nhận tính an toàn và hiệu quả của vaccine", AFP trích lời Tarik Jasarevic, người phát ngôn của WHO, cho biết.

Tuần trước, một quan chức của WHO là Christian Lindmeier cũng cảnh báo tất cả các loại vaccine cần được tiến hành đầy đủ thử nghiệm lâm sàng theo quy trình và hướng dẫn của WHO trước khi được sử dụng rộng rãi.

Các nhà khoa học tại Nga và một số nước đã bày tỏ quan ngại về việc Moscow cấp phép cho loại vaccine chưa hoàn thành đầy đủ các thử nghiệm lâm sàng, cho rằng đây có thể là con dao hai lưỡi.

Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic. Ảnh: Reuters.

"Vội vàng thông qua vaccine sẽ không giúp Nga trở thành người dẫn đầu cuộc đua sản xuất (vaccine), nó chỉ khiến người sử dụng vaccine đối mặt những đe dọa đáng lý có thể tránh được", Hiệp hội các tổ chức thí nghiệm lâm sàng Nga tuyên bố hôm 10/8, kêu gọi chính phủ nước này hoãn cấp phép cho vaccine trước khi hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm.

"Tổn hại từ việc công bố bất cứ loại vaccine nào không đủ an toàn và hiệu quả sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại của chúng ta", giáo sư miễn dịch học Danny Altmann từ Đại học Imperal London cho biết.

Các nhà khoa học phương Tây trước đó nhiều lần cho biết không có hy vọng tìm ra một loại vaccine có thể được sử dụng trên quy mô lớn trước cuối năm nay.

Niềm tự hào của Nga

Việc là nước đầu tiên công bố một loại vaccine có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm của virus corona trở thành niềm tự hào dân tộc của Nga.

Vaccine do Viện Gamaleya phát triển đã được đặt tên là Sputnik V. "Sputnik" là tên của vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô sản xuất và phóng vào quỹ đạo năm 1957, mở ra kỷ nguyên chạy đua vào vũ trụ trên toàn thế giới.

Trong phát biểu hôm 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vaccine Sputnik V là "bước tiến rất quan trọng" trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ông Putin cho biết "vaccine hoạt động khá hiệu quả" và "tạo ra hệ miễn dịch ổn định".

"Tôi hy vọng chúng ta có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt thuốc trong tương lai gần. Điều này vô cùng quan trọng", Tổng thống Putin chia sẻ. "Tôi hy vọng lãnh đạo các nước khác cũng đạt được tiến triển và sẽ có nhiều sản phẩm trên thị trường thuốc và vaccine của thế giới".

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP.

Trước cáo buộc của Mỹ, Canada và Anh về việc tin tặc Nga tìm cách đánh cắp thông tin về các nghiên cứu vaccine Covid-19, các quan chức Nga đã nhiều lần bác bỏ, khẳng định vaccine do Nga phát triển dựa trên một mẫu nghiên cứu nhằm chống lại Ebola nhiều năm trước.

Ông Dmitriev, giám đốc của quỹ đầu tư trực tiếp Nga, cũng bác bỏ thông tin cho rằng Viện Gamaleya đã cắt ngắn các quy trình thử nghiệm hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ về nghiên cứu vaccine.

Trong phát biểu hồi tháng trước, ông Dmitriev tuyên bố các nhà khoa học Nga phát triển vaccine Covid-19 dựa trên di sản đồ sộ các nghiên cứu đối với virus và vaccine đã có từ thời Liên Xô, đồng thời tập trung vào các công nghệ có sẵn, như nghiên cứu về vaccine chống Ebola.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-cai-va-ngo-vuc-quanh-vaccine-covid-19-than-toc-cua-nga-post1118581.html