Tranh cãi vấn đề sử dụng điệp viên trẻ em

Mới đây, giới bảo vệ nhân quyền bày tỏ lo ngại sau khi có thông tin tình báo Anh MI-6 được chính quyền nước này cho phép sử dụng trẻ em trong các chiến dịch bí mật chống khủng bố, tội phạm buôn lậu ma túy, tội phạm có tổ chức và thậm chí các đối tượng khai thác tình dục trẻ em.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh tuyên bố cơ quan tình báo khó thâm nhập các tổ chức tội phạm nếu không có sự trợ giúp thu thập thông tin của điệp viên trẻ em dưới 18 tuổi. Nhưng việc sử dụng trẻ em trong hoạt động tình báo lại không hề có sự thông báo chính thức nào đến các bậc cha mẹ!

Vụ việc gây quan ngại cho cộng đồng bảo vệ nhân quyền sau khi Hạ viện Anh tiến hành tranh luận về kế hoạch cho phép lực lượng cảnh sát và tình báo nước này có nhiều quyền hạn hơn trong việc sử dụng nguồn thông tin từ trẻ em. Điều đáng lo ngại nhất là cha mẹ những đứa trẻ "điệp viên" này không hề được chính quyền xin phép.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Ben Wallace.

Hiện nay, Bộ Nội vụ Anh muốn các nhà điều tra được phép tăng thêm thời gian thi hành nhiệm vụ - từ 1 đến 4 tháng - để sử dụng hiệu quả chương trình gọi là "Nguồn thông tin tình báo con người bí mật từ trẻ em" (CHIS). Chính quyền Anh cho rằng các tội phạm băng nhóm thường sử dụng trẻ em để bán cocaine và heroin nhằm dễ dàng qua mặt lực lượng cảnh sát.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Ben Wallace cho rằng điệp viên trẻ em dễ thu thập thông tin hơn người lớn, nhất là trong những trường hợp liên quan đến băng nhóm tội phạm có tổ chức. Ông phát biểu trước Quốc hội Anh: "Thực tế cho thấy rất khó thu thập bằng chứng để chống lại tội phạm có tổ chức nếu không có sự góp sức của CHIS. Ngoài ra, CHIS còn giúp cho cơ quan điều tra nắm bắt rõ ràng hơn mạng lưới giao tiếp bên trong băng nhóm".

Bộ Nội vụ Anh cũng yêu cầu giới chức an ninh cao cấp phải rà soát những trường hợp có sự tham gia của CHIS vào mỗi tháng để bảo an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát pháp lý thứ cấp của Thượng viện Anh lo ngại trẻ em quá nhỏ tuổi dễ gặp phải các vấn đề về tâm thần lẫn thể chất trong trường hợp tham gia quá lâu vào các hoạt động tình báo liên quan đến tội phạm.

Trẻ em được học tập trong Trung tâm Elman.

Trước đó việc sử dụng trẻ em cho các hoạt động gián điệp cũng hứng nhiều chỉ trích và Nghị sĩ Anh Diane Abbott kêu gọi ngừng ngay lập tức các hoạt động này. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng phụ trách vấn đề Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) David Davis mô tả đó là hành động không thể chấp nhận về mặt đạo đức.

Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh nhấn mạnh: "CHIS rất ít khi được sử dụng và chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết và phải cân nhắc sao cho hợp lý. CHIS chủ yếu được huy động khi không có bất cứ biện pháp nào khả thi để thâm nhập nội bộ băng nhóm tội phạm để thu thập bằng chứng".

Thực ra, không chỉ có tình báo Anh sử dụng trẻ em làm nguồn thu thập thông tin. Cục An ninh và Tình báo Quốc gia Somalia (NISA) đã vi phạm trắng trợn luật quốc tế về quyền trẻ em khi triển khai mạng lưới gián điệp trẻ em, đồng thời gây bối rối cho chính quyền Mỹ - quốc gia tài trợ và cung cấp chương trình huấn luyện cho NISA trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố như là al-Shabab thông qua Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

NISA sử dụng trẻ em - một số chỉ mới 10 tuổi - để thu thập thông tin tình báo hay nhận dạng nghi can khủng bố al-Shabab. Một cậu bé 15 tuổi, người từng là thành viên của al Shabab, cho biết trong cuộc phỏng vấn của tờ Washington Post: "Họ bảo em nói cho họ biết những ai là al-Shabab. Em rất sợ hãi bởi vì mọi người có thể nhìn thấy em làm việc cho họ". Những đứa trẻ này bị NISA giam giữ và nhân viên cơ quan thường dẫn theo chúng - có khi vài lần/tuần - mỗi khi thực hiện nhiệm vụ. NISA đe dọa các em bằng bạo lực và bậc cha mẹ không biết con họ ở đâu. Nhân viên NISA gọi các em là "far-muuq", nghĩa là "những người chỉ điểm bằng ngón tay".

Những đứa trẻ bị NISA sử dụng làm gián điệp trong suốt nhiều năm buộc phải đi đến những khu vực có thành viên al-Shabab ẩn náu để chỉ điểm. Nhân viên NISA luôn bịt mặt song mặt mũi những cậu bé này hiếm khi được che giấu do đó vài em bị chiến binh Hồi giáo nhận diện và giết chết. Có thông tin cho rằng ở thủ đô Mogadishu của Somalia có một trung tâm bí mật giam giữ những đứa trẻ để phục vụ cho các chiến dịch tình báo của NISA.

Trong một cuộc phỏng vấn, một lãnh đạo NISA chối bỏ cáo buộc cơ quan ép buộc trẻ em làm gián điệp nhưng tuyên bố những đứa trẻ từng là thành viên "tích cực" của al-Shabab bị giam giữ bởi vì đó là những phần tử nguy hiểm và có giá trị về mặt khai thác thông tin tình báo. Thậm chí, lãnh đạo này cũng khẳng định những cậu bé cựu thành viên al-Shabab "tự nguyện" tham gia những chiến dịch tình báo của NISA và cung cấp nhiều "thông tin quan trọng" giúp ngăn chặn sớm một số âm mưu tấn công khủng bố của al-Shabab.

Vào cuối năm 2015, sau nhiều năm chịu sức ép từ Liên Hiệp Quốc, khoảng hơn 30 trẻ em bị chính quyền Somalia giam giữ được bí mật chuyển đến Trung tâm Nhân quyền và Hòa bình Elman ở thủ đô Mogadishu nước này. Số trẻ em này bị NISA giam cầm sau khi bị bắt giữ hồi cuối tháng 3-2015 và liên tục chịu sự thẩm vấn của cơ quan.

Trung tâm Elman là tổ chức phi lợi nhuận được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tài trợ và là nơi phục hồi nhân phẩm cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, các chuyên gia và nhân viên cứu trợ quốc tế nghi ngờ NISA vẫn âm thầm sử dụng trẻ em làm gián điệp cho cơ quan. Một quan chức Somalia giấu tên tiết lộ NISA còn bí mật giam giữ "hàng trăm" trẻ em để phục vụ chiến dịch tình báo.

Trang Thuần (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tranh-cai-van-de-su-dung-diep-vien-tre-em-504124/