'Tranh cãi' về mua điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu dư thừa mà hòa lưới quốc gia theo giá 0 đồng chỉ nên trong thời hạn nhất định. Sau đó cần tính toán cơ chế giá linh hoạt, có thể giá dương, giá âm.

Chiều 4-5, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo tham vấn kỹ thuật về dự thảo nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Như PLO đã đưa tin, dự thảo này quy định với loại điện mặt trời mái nhà này, nếu người dân phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì đơn vị điện lực vẫn ghi nhận sản lượng, nhưng theo giá 0 đồng. Đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.

Nguy cơ trục lợi chính sách

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nghị định chỉ khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, qua đó bớt áp lực lên hệ thống điện quốc gia.

Bộ Công Thương tổ chức hội thảo tham vấn kỹ thuật về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Ảnh: BCT

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu như thế vẫn được đấu nối với hệ thống điện quốc gia mà không phải điều kiện về giấy phép hoạt động điện lực. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định về điện lực. Thủ tục thực hiện đơn giản…

Giải thích về việc cho hòa vào lưới điện quốc gia với giá 0 đồng, ông Diên giải thích nếu cho phép mua bán điện thì sẽ dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn. Đặc biệt dẫn đến mất cân đối cơ cấu các nguồn điện gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia và mất an toàn ổn định hệ thống điện.

"Chưa kể, cho mua bán điện sẽ vô tình cổ súy cho việc trục lợi chính sách khi các đối tượng này không phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến điện lực, và sẽ nảy sinh vấn đề mới trong quản lý về xây dựng, về kiến trúc, về môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ” - ông Diên nói.

Nên có thời gian áp dụng giá 0 đồng

Ủng hộ phát triển điện mái nhà theo cơ chế 0 đồng, PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí - Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận xét chỉ trong vòng 6 năm, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trong nước lên mức 28,5% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Nhưng nguồn điện này lại không ổn định, dễ gây nhiễu cho phụ tải trung áp, gây mất cân bằng cung cầu. Và nếu hòa hết vào lưới điện quốc gia thì sẽ đồng thời phải phát triển các nguồn điện khác để đảm bảo tính ổn định.

“Trong 5 năm tới, tôi ủng hộ chủ trương không có việc mua bán và thương mại trong phát triển điện mặt trời áp mái” - PGS Nguyễn Việt Dũng nêu ý kiến.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cũng đồng tình với việc ghi nhận sản lượng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu khi hòa vào lưới điện quốc gia theo giá 0 đồng, nhưng chỉ nên trong thời gian nhất định, chẳng hạn từ nay đến 2027.

“Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý” - ông Tuấn nêu ý kiến.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-cai-ve-mua-dien-mat-troi-mai-nha-gia-0-dong-post788914.html