Tranh cãi về toàn cầu hóa

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sốc mạnh với bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 25-9 vừa qua. Một trong những lý do là ông đã công khai bài xích chủ nghĩa toàn cầu hóa, vốn được nhìn nhận như một động lực thúc đẩy kinh tế và bình đẳng từ nhiều thập kỷ qua.

Vậy, phải chăng toàn cầu hóa là con đường tối ưu nhất mà nhân loại ngày nay cần phải đi tiếp?

Giấc mơ xa

Xuất hiện từ những năm 1960, “toàn cầu hóa” đã trở thành một trong những khái niệm được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành khoa học xã hội đương đại và đồng thời là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất.

Toàn cầu hóa có thể hiểu là một hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động nhằm thúc đẩy gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới cũng như sự hội nhập kinh tế và chính trị ở cấp độ toàn cầu.

Theo đó, toàn cầu hóa làm lu mờ các đường biên giới quốc gia, thu hẹp các khoảng không gian trên các khía cạnh đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của thế giới.

Năm 1997, Giáo sư Dani Rodrik của Đại học Harvard từng xuất bản một cuốn sách phản đối toàn cầu hóa, với nhan đề “Có phải toàn cầu hóa đã đi quá xa?”.

Trong cuốn sách, Giáo sư Rodrik lập luận rằng toàn cầu hóa sẽ trao quyền cho các doanh nghiệp lưu động, họ sẽ chuyển đến bất kỳ đâu có chi phí rẻ nhất, và như vậy sẽ làm tổn hại việc làm ở nước quê nhà, và qua đó đe dọa hệ thống phúc lợi xã hội của đất nước. Vào thời điểm đó, tuyên bố của ông đã gây nhiều tranh cãi.

Trong những năm 1990, Tổng thống Bill Clinton đã đẩy mạnh toàn cầu hóa bằng việc thông qua Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đưa Mỹ gia nhập WTO. Ông kêu gọi người Mỹ “hãy thay đổi những người bạn của chúng ta” và “nắm lấy logic toàn cầu hóa không thể lay chuyển”.

Thomas Friedman, nhà ủng hộ toàn cầu hóa của tờ New York Times, cho rằng nhiều người tin bằng cách làm giàu người Mexico, NAFTA sẽ ngăn chặn dòng chảy của những người nhập cư trái phép vào Mỹ, và việc Trung Quốc gia nhập WTO sẽ thúc đẩy đất nước hướng tới nền dân chủ thị trường tự do. Trong khi đó, dòng chảy tự do vốn và tiền tệ sẽ bảo vệ chống lại sự bất ổn và thúc đẩy sự thịnh vượng.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy ngày nay, không có lập luận nào trong số đó trở thành hiện thực. Thay vì tạo ra một thị trường tự do toàn cầu ổn định và nhất quán, toàn cầu hóa tài chính thay vào đó đã góp phần gây ra một loạt cuộc khủng hoảng lớn.

Từ năm 1945 đến 1973, trong khi thỏa thuận Bretton Woods vẫn quy định giá trị tiền tệ, không có khủng hoảng xảy ra; nhưng kể từ những năm 1980, đã có ít nhất 13 cuộc khủng hoảng, đỉnh điểm là cuộc Đại suy thoái năm 2008. Dòng người di dân Mexico vẫn ồ ạt đổ vào Mỹ; Trung Quốc vẫn là nước phi thị trường.

Toàn cầu hóa có giúp giảm bất bình đẳng không? Do sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ, toàn cầu hóa đã đóng góp vào việc suy giảm bất bình đẳng toàn cầu. Nhưng khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo mở rộng, và cựu kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới François Bourguignon đã lưu ý, ở Mỹ, cũng như phần lớn châu Âu, và thậm chí ở Trung Quốc và Ấn Độ, bất bình đẳng tăng lên trong giai đoạn 1990 và 2010.

Dưới toàn cầu hóa, các tập đoàn đang cạnh tranh để tìm các quốc gia nơi họ có thể trả lương cho người lao động thấp hơn và trả ít thuế hơn. Như ông Trump đã chỉ ra trong chiến dịch năm 2016, Nabisco đã cắt giảm chi phí lao động của mình bằng cách di chuyển một nhà máy chế biến thực phẩm từ Chicago đến Salinas, Mexico, sa thải 600 công nhân. Năm 2011, Samsonite đã chuyển trụ sở chính từ Massachusetts đến Luxembourg để giảm thuế.

Với nỗ lực giữ chân và thu hút các công ty trong thời đại toàn cầu hóa, các nước tư bản tiên tiến đã đua nhau cắt giảm thuế. Trong những năm 1980, hầu hết có thuế suất doanh nghiệp cao hơn 46%. Đến năm 2011, 34 quốc gia OECD đã cắt giảm trung bình 25%. Khi thu thuế ít hơn, ngân sách chính phủ buộc phải tiết kiệm, các quan chức buộc phải cắt giảm chi tiêu công cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và môi trường.

Như vậy, toàn cầu hóa đã bắt đầu làm suy yếu lời hứa cơ bản của nền dân chủ xã hội ở châu Âu và chủ nghĩa tự do sau Thỏa thuận Mới ở Mỹ, rằng sẽ cung cấp an ninh kinh tế và xã hội ngày càng tốt hơn cho người dân.

Có lẽ người dân khắp thế giới cũng đã nhìn thấy điều này, nên thời gian qua chúng ta chứng kiến những cuộc bỏ phiếu nơi người dân giành nhiều phiếu bầu cho những nhà chính trị/đảng phái có cam kết bảo vệ quyền lợi quốc gia/dân tộc hơn là thúc đẩy toàn cầu hóa.

Thay đổi trong các học giả

Gần đây đã xuất hiện một số nhà kinh tế nổi bật thay đổi quan điểm này. Ông Paul Krugman, người giành giải Nobel Kinh tế 2008 về lý thuyết thương mại và địa kinh tế, từng chỉ trích mạnh mẽ những người chống toàn cầu hóa và cho là xu hướng này ảnh hưởng rất nhỏ đến mức lương của người lao động ở các nước phát triển, giờ đây cho biết ông cảm thấy "tội lỗi".

Năm 2008, ông Krugman thừa nhận nhiều số liệu đã chứng tỏ sự thực là tự do hóa thương mại ảnh hưởng tới lương của người lao động ở các nước phát triển nhiều hơn ông dự đoán.

Các cuộc khủng hoảng đồng Euro, giá dầu và một số hàng hóa khác giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến tự do thương mại toàn cầu. Tăng trưởng trao đổi thương mại chững lại, giờ chỉ đạt nửa mức trung bình của 3 thập kỷ trước. Toàn cầu hóa đang mất đi tốc độ của nó.

Các thị trường bắt đầu mệt mỏi, không còn nhiều thứ để khai thác. Và thế giới đang chứng kiến sự nổi lên của phong trào hướng tới các chính sách bảo hộ quốc gia. Trong khi đó, các sự kiện chính trị nói trên có ảnh hưởng lớn tới xu hướng toàn cầu hóa và sẽ tiếp tục có thêm những tác động.

Một số nhà kinh tế nhận định cơ hội làm ăn ở các nước đang phát triển có phần giảm đi và vì thế, các nước phát triển cần hướng tới chính sách theo "chủ nghĩa dân tộc có trách nhiệm". Giáo sư Đại học Harvard Larry Summers, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhấn mạnh: "trách nhiệm cơ bản nhất của chính phủ là đảm bảo lợi ích của người dân, không phải là theo đuổi nguyên tắc trừu tượng về lợi ích của toàn cầu".

Có thể nhận thấy, toàn cầu hóa - ý tưởng đã làm thay đổi cả thế giới - dường như đang mất đi vị thế vốn có của nó. Ngay cả một số nhà kinh tế từng nhiệt tình ủng hộ xu hướng này cũng bắt đầu thay đổi dần niềm tin của họ.

Tổn hại lợi ích Mỹ

Với tiêu chí “nước Mỹ trên hết”, có thể hiểu vì sao ông Trump lại quyết liệt phản đối toàn cầu hóa như vậy: Đơn giản vì Mỹ chính là một “nạn nhân” lớn nhất của toàn cầu hóa.

Tác động của toàn cầu hóa đến Mỹ đặc biệt rõ rệt. NAFTA không chỉ khuyến khích các công ty ô tô Mỹ di chuyển ra khỏi vùng Trung Tây, mà như nhà kinh tế lao động Kate Bronfenbrenner đã lập luận, nó cho phép các nhà tuyển dụng dùng chiêu bài “dọa di chuyển đến Mexico” để cắt giảm công đoàn khu vực tư nhân.

Dưới sự bảo trợ của WTO, Trung Quốc đã có thể sử dụng các hành vi thao túng tiền tệ và trợ cấp xuất khẩu ngầm để đẩy các công ty Mỹ tới chỗ phá sản hoặc buộc phải lập nhà máy ở nước ngoài.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ, việc tham gia WTO khiến người Mỹ mất khoảng 2,4 triệu việc làm từ năm 1999 đến 2011.

Mặc dù vậy, nhiều nhà trí thức chính trị đảng Dân chủ chỉ chĩa mũi dùi vào ông Trump. Tháng 7 năm ngoái, khi ông Trump chỉ trích các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vì họ “lo cho lợi nhuận của họ nhiều hơn cho nước Mỹ”, ông bị Aaron Rupar của ThinkProgress cáo buộc là "một lưu ý phát xít khi chỉ trích các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vì không tiến hành nhiều hơn các giao dịch thương mại không công bằng".

Và trong cuốn Đại Tây Dương, Annie Lowrey cáo buộc ông Trump khởi xướng một "vòng tròn vô nghĩa, tàn phá chủ nghĩa trọng thương”. Tuy nhiên, họ quên mất rằng với Trung Quốc, 8 năm kháng cáo quốc tế dưới thời chính quyền Obama hầu như chẳng làm được gì để ngăn chặn nước này làm suy yếu các ngành công nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, cũng có một số đảng viên Dân chủ, như lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer, đã khuyến khích sáng kiến thương mại của ông Trump và nỗ lực của ông để tăng cường Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Và thay vì bác bỏ những nỗ lực của ông Trump, các chuyên gia chính sách tại Viện Chính sách Kinh tế và Quỹ Công nghệ thông tin và Sáng tạo đã đưa ra những phản ứng của riêng họ đối với chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc.

“Với tư cách là Tổng thống Mỹ, tôi sẽ luôn luôn đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng giống như quý vị, là lãnh đạo của đất nước các vị, sẽ luôn luôn và nên luôn luôn đặt ưu tiên quốc gia của quý vị lên trên hết”, ông Trump đã phát biểu như vậy tại Đại hội đồng LHQ vào năm ngoái.

Vĩnh Đông

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/tranh-cai-ve-toan-cau-hoa-514186/