Tranh cãi về việc Pháp đưa quyền phá thai vào Hiến pháp

Sau khi Thượng viện Pháp thông qua việc đưa quyền phá thai vào Hiến pháp, hôm nay (giờ địa phương) sẽ diễn ra phiên họp đặc biệt của hai viện Quốc hội Pháp để bỏ phiếu lần cuối cùng. Động thái này được cho là sẽ vấp phải các luồng ý kiến trái chiều trong xã hội nước này.

Phiên họp đặc biệt của Quốc hội Pháp do Tổng thống Emmanuel Macron triệu tập sẽ diễn ra tại cung điện Versailles. Nếu việc đưa quyền phá thai vào hiến pháp giành được 3/5 số phiếu trong phiên họp này, Pháp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa việc phá thai.

Các nhà vận động nữ quyền hy vọng rằng với việc đưa quyền phá thai vào hiến pháp, Pháp sẽ tạo được ảnh hưởng mang tính biểu tượng tới các quốc gia châu Âu khác.

Tuy nhiên, trong khi phía ủng hộ cho rằng việc phá thai là quyền cơ bản và quyền tự do của phụ nữ phải được đưa vào hiến pháp, phía phản đối lại cho rằng đây chỉ là kết quả của sự hoảng loạn từ các tổ chức nữ quyền, thậm chí có thể dẫn tới những hậu quả tồi tệ.

Tại Pháp, phụ nữ đã có quyền phá thai hợp pháp kể từ khi luật lần đầu được thông qua vào năm 1974. Luật này sau đó được cập nhật nhiều lần, với sửa đổi mới nhất vào tháng 2/2022, mở rộng quyền tiếp cận phá thai đối với thai nhi từ 12 đến 14 tuần tuổi. Tuy nhiên, Chính phủ của Tổng thống Macron muốn Điều 34 của Hiến pháp Pháp được sửa đổi, bao gồm việc “luật pháp xác định các điều kiện mà một người phụ nữ có quyền được đảm bảo để phá thai”, từ đó đảm bảo quyền phá thai đối với phụ nữ là một quyền lợi không thể đảo ngược.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Ngọc Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tranh-cai-ve-viec-phap-dua-quyen-pha-thai-vao-hien-phap-212809.htm