Tranh cãi việc nâng học phí

Trước sự cạnh tranh của các đối thủ như Canada, Đức, Nga và Trung Quốc, trong giai đoạn 2011-2016, số lượng sinh viên quốc tế ở Pháp giảm 8,5%.

Vì có nhiều trường đại học danh tiếng, Pháp là điểm đến du học yêu thích của sinh viên quốc tế không nói tiếng Anh. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của các đối thủ như Canada, Đức, Nga và Trung Quốc, trong giai đoạn 2011-2016, số lượng sinh viên quốc tế ở nước này giảm 8,5%. Tình trạng sụt giảm kéo dài buộc Chính phủ Pháp phải đưa ra chính sách “Welcome to France” với nhiều biện pháp nhằm tăng sức hấp dẫn của giáo dục đại học Pháp.

Theo kế hoạch do Thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố, cùng với các đãi ngộ về visa cư trú, việc làm sau tốt nghiệp, “Welcome to France” còn bao gồm việc tăng học phí 16 lần đối với sinh viên ngoài châu Âu. Cụ thể, từ tháng 9-2019, học phí của sinh viên quốc tế là 2.770 EUR/năm ( 3.149 USD) đối với hệ đại học và 3.770 EUR/năm (4.280 USD) hệ cao học. Đây là mức tăng cao so với học phí hiện tại là 170 EUR (193 USD) cho chương trình cử nhân, 243 EUR ( 276 USD) cho chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Theo Chính phủ Pháp, mức học phí quá rẻ trước đây dễ gây hiểu lầm về chất lượng giáo dục đại học nước này khiến giáo dục dần đánh mất sức hút.

Tuy nhiên, việc nâng mức học phí dành cho sinh viên nước ngoài lại trở thành đề tài làm nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội Pháp. Để ủng hộ, ông Jean-Pascal Gayant, giáo sư Khoa học Kinh tế thuộc đại học Mans, cho rằng, việc học phí quá thấp khiến giáo dục Đại học Pháp bị nhìn nhận là có chất lượng kém, đồng thời việc sinh viên ngoại quốc đóng phí ghi danh thấp trong khi sinh viên Pháp sang nhiều nước du học lại phải đóng học phí rất cao là bất công. Việc tăng học phí đánh dấu sự thay đổi trong truyền thống bình đẳng tiếp cận giáo dục bậc cao ở nước này.

Ở chiều ngược lại, nhà báo người Brazil Augusta Lunardi làm việc cho kênh truyền hình Pháp France 24, từng là du học sinh tại Pháp, dự báo việc tăng học phí sẽ ngăn cản hàng chục ngàn thanh niên nước ngoài đến Pháp học tập. Lý do là một sinh viên nước ngoài tại Pháp luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả từ thủ tục hành chính, việc thuê chỗ ở, tìm học bổng, tìm việc làm thêm. Nay với mức học phí tăng cao, liệu Pháp có còn là điểm đến hấp dẫn của các em?

Còn có ý kiến cho rằng, chính sách mới của Chính phủ Pháp sẽ làm gia tăng bất bình đẳng giữa các sinh viên nước ngoài. Thu hút con em các gia đình giàu tới Pháp học cũng có nghĩa là từ chối các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vì 45% du học sinh nước ngoài tại Pháp tới từ châu Phi. Bên cạnh đó, việc cải cách học phí tạo sự bất bình đẳng giữa sinh viên nước ngoài, sự bất bình đẳng giữa các trường đại học và đào sâu thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Việc bắt sinh viên đóng học phí cao cũng đồng nghĩa với việc nhà nước từ chối đầu tư cho tương lai.

Lý giải cho chính sách tăng học phí, Thủ tướng Philippe khẳng định, mức học phí tăng gấp 16 lần này vẫn khá thấp so với các nước châu Âu. Học phí du học tại Pháp vẫn thấp hơn mức thu từ 8.000 EUR (9.100 USD) đến 13.000 EUR ( 14.700 USD) của Hà Lan và hàng chục ngàn bảng của Anh. Dù tăng học phí nhưng chính sách mới của Pháp sẽ hỗ trợ du học sinh tốt hơn thông qua sự hỗ trợ trong tìm nhà, thị thực, các thủ tục hành chính phức tạp và tăng khóa học tiếng Anh và tiếng Pháp.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tranh-cai-viec-nang-hoc-phi-561667.html