Tranh cãi xung quanh clip đoàn người cướp giật 'cô hồn' ở TP.HCM

Nhiều đoạn clip người dân tranh nhau giật đồ cúng ''cô hồn'' tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Trước cửa một ngôi nhà tại ngã 3 đường, người đàn ông đứng trên tầng thả những tờ tiền xuống dưới đường, và phía dưới hàng chục người chen nhau xô đẩy đua xem ai là người nhặt được nhiều tiền nhất.

Một đoạn clip khác cũng ghi lại hình ảnh tương tự trước cửa một tòa nhà văn phòng. Điểm khác biệt ở đây là khi nhiều người dân tụ tập "giật cô hồn" thì có lực lượng công an phường sở tại túc trực phía ngoài để đảm bảo an ninh cho hoạt động này.

Và có lẽ đoạn clip này là khung cảnh cúng cô hồn bình yên, văn minh nhất được chia sẻ lên mạng xã hội. Không có cảnh xô đẩy tranh giành cướp giật của nhiều người. Một người đàn ông chờ gia chủ cúng xong mới nhẹ nhàng tiến lại nhặt tiền lộc, anh này còn rắc muối rắc gạo ra đường giúp chủ nhà. Khi xong việc quay lại phía sau thấy có người cũng tới "giật cô hồn" anh còn không quên chia lộc của mình cho người khác.

Những đoạn clip ghi lại hình ảnh này có lẽ không còn mới lạ với người dân cả nước. Rằm tháng 7 là ngày rằm lớn nhất trong năm theo phong tục của người Việt và đây còn được coi là ngày "xá tội vong nhân". Vì vậy, ngoài việc làm lễ cúng trong nhà dâng lên tổ tiên, nhiều nơi còn làm lễ cúng cho các cô hồn oan trái, không nơi nương tựa. Mâm cúng lễ sẽ được đặt trước cửa nhà gồm các đồ cúng như bánh kẹo, bỏng ngô, gạo, muối, tiền lẻ... sau khi cúng xong thì sẽ để luôn ở cửa cho trẻ con đi qua "giật" đồ cúng về chia nhau. Nhiều người quan niệm càng có nhiều người đến giật cô hồn thì sẽ càng có lộc, sẽ càng ăn nên làm ra, vì thế cũng có nhiều hoạt động như rải tiền lẻ, ném tiền để thu hút người tới giật. Và chính vì thế, ngày càng xuất hiện nhiều tình huống chủ nhà chưa kịp cúng lễ, đồ cúng đã bị giật luôn.

Những đoạn clip ghi lại trong ngày cúng rằm tháng 7 này được chia sẻ lên mạng xã hội thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Cư dân mạng bình luận theo nhiều quan điểm trái chiều:

"Năm nay là thấy đỡ lộn xộn nhất trong các năm rồi đó. Chính quyền khuyến cáo không nên rải tiền vì gây mất trật tự và mất an toàn giao thông. Mọi năm cứ gọi là chen chúc khắp nơi nhìn rất bôi bác và mất an toàn giao thông";

"Đây không phải văn hóa, mà là biến tướng, vừa là hủ tục, vừa mất an toàn giao thông, cần loại bỏ. Văn hóa ngày xưa cúng cô hồn là trẻ con chờ sau khi gia chủ cúng xong và cho phép, sẽ nhảy vào "tranh cướp" mấy cái đồ cúng cô hồn giá trị thấp thôi. Còn giờ đây toàn thanh niên trai tráng, chuẩn bị đầy đủ trang bị đi cướp nguyên cả con heo quay, cả mâm lễ khi gia chủ chưa kịp cúng";

"Ý kiến riêng của tôi: rất phản cảm! Tiền cúng cô hồn. Vậy những người tranh nhau lấy tiền, họ là ai chứ? Họ đều đang sống khỏe mạnh cả mà?

"Hoạt động này mỗi năm 1 ngày. Mọi người cùng đi ra đường vui vẻ. Chủ nhà thì chuẩn bị đồ cúng, tiền lẻ. Trẻ em, thanh niên thì tập trung reo hò, tranh đồ, cười đùa... Nó là nét văn hóa cộng đồng vui vẻ giúp mọi người đoàn kết hơn. Cũng như khi Việt Nam chiến thắng, cả già trẻ, nam nữ lao ra đường hò hét ầm ĩ vui vẻ. Các bạn nào phản đối chắc là những người khó tính hoặc ít tham gia hoạt động cộng đồng!";

"Mấy bạn bình luận chê trách rõ ràng không hiểu rõ về văn hóa ở đây. Năm nay người ta không được rải nữa chỉ được phát do mọi năm gây ùn tắc mất an ninh trật tự. Nhặt được vài ngàn vài chục ngàn nhưng rất vui, còn có bánh kẹo, trái cây, heo quay,... Hồi nhỏ tụi mình còn rủ nhau đi khắp xóm chờ gia chủ cúng xong là xin lấy hoặc ùa tranh nhau lấy đồ ăn ngon".

Lam Giang

Clip: MXH

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/nong-tren-mang/tranh-cai-xung-quanh-clip-doan-nguoi-cuop-giat-co-hon-trong-ngay-cung-ram-thang-7-417534.html