Tránh 'cào bằng' trong giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo các đại biểu Quốc hội, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với từng đối tượng, tránh tình trạng cào bằng, không công bằng khi áp dụng.

Sáng ngày 16/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Không cào bằng

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đồng tình cần thiết Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác trong giai đoạn nền kinh tế đứng trước nguy cơ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

“Sự hỗ trợ này là kịp thời, đầy tính nhân văn, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và các đơn vị kinh tế nhỏ khác, phù hợp với các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành năm 2017”, ĐB nói.

Tuy nhiên, ĐB Tạo cho rằng, việc áp dụng cho doanh nghiệp có điều kiện cần và đủ đáp ứng 2 tiêu chí: Doanh thu dưới 50 tỷ đồng và sử dụng lao động dưới 100 lao động sẽ tạo ra chính sách cào bằng chung "cá mè một lứa" không công bằng đối với tình hình thực tế khác nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh các các doanh nghiệp

Do đó, ĐB Nguyễn Tạo đề nghị cần thiết phải đánh giá và thẩm định đầy đủ, rõ ràng từng doanh nghiệp, từng ngành hàng dịch vụ sản xuất kinh doanh, về doanh thu, về lao động cụ thể và thiệt hại thực tế do ảnh hưởng dịch bệnh COVID gây ra. Trên cơ sở đó, xác định đối tượng được thụ hưởng một cách khoa học và chặt chẽ hơn, với những thủ tục hành chính hợp lý, hợp tình khi doanh nghiệp tiếp cận với chính sách giảm thuế này.

Về đối tượng hỗ trợ, ĐB thống nhất theo đề nghị của Chính phủ là sẽ áp dụng cho đối tượng hẹp hơn là doanh nghiệp nhỏ. Mặt khác, cần có điều kiện phải có thiệt hại thực tế xảy ra do dịch bệnh COVID-19 tác động trực tiếp, để từ đó loại trừ được những doanh nghiệp nhỏ hoạt động kinh doanh thua lỗ thời gian trước khi công bố dịch COVID-19 nhằm xác định được đơn vị thụ hưởng rõ ràng, chính xác, dễ dàng và triển khai thực hiện bảo đảm chặt chẽ, hạn chế tiêu cực phát sinh.

ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, có thể nói đây là cộng đồng đông đảo nhất bị tổn thương nặng nề nhất, không phải chỉ trên quy mô cục bộ mà trên quy mô toàn cầu do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ĐB không đồng tình khi những doanh nghiệp có thu nhập trên 50 tỷ thì không được hưởng miễn giảm thuế từ Nghị quyết này.

“Một doanh nghiệp giả sử doanh thu 50 tỷ mà lao động người ta tuyển được nhiều hơn 100 thì người ta càng được hưởng, chứ tại sao trên số đó lại không được hưởng? Vấn đề này tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại, tính khuyến khích và động viên không có”, ĐB thẳng thắn nói.

Ví von “hai gia đình cùng có thu nhập như nhau, một nhà đông con hơn thì đương nhiên phải khó khăn hơn so với nhà ít con”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, một doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hơn thì nhiều khó khăn so với những doanh nghiệp ít lao động.Vì vậy, việc đưa tiêu chí lao động là không hợp lý, cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Cần mở rộng đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), dịch COVID-19 trong 3 tháng qua khiến tất cả các doanh nghiệp đều rất khó khăn, cho nên việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cần phải cân nhắc chính xác, cụ thể để làm sao áp dụng cho từng đối tượng phù hợp.

“ Ở đây quy định các doanh nghiệp dưới 50 tỷ và đóng bình quân bảo hiểm xã hội là dưới 100 người, là con số rất mơ hồ, phải xác định kỹ, rõ ràng”.

Mặt khác, theo ĐB Hòa, tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn chứ không phải chỉ có doanh nghiệp nhỏ mới khó khăn. Có những doanh nghiệp mất rất nhiều tiền, ví dụ như ngành hàng không nhưng không được miễn, giảm phần trăm nào. Cho nên, ngoài đối tượng là doanh nghiệp nhỏ được miễn rồi thì các đối tượng còn lại tùy theo tính chất đặc thù và khả năng hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp cũng cần được xem xét miễn, giảm thuế.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân chỉ rõ, doanh nghiệp vừa chiếm 4% trên 760.000 doanh nghiệp. Đây là doanh nghiệp nòng cốt, một lực lượng vô cùng quan trọng, có thể nói như một hạt nhân trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tại sao lại không được đưa vào đối tượng giảm thuế thu nhập trong dự thảo Nghị quyết?.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, một việc hỗ trợ rất quan trọng không kém gì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp theo quy mô là hỗ trợ theo lĩnh vực.

“ Ở đây, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn có các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế, các dự án trọng điểm, những lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế”, ĐB đề xuất.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Nếu chúng ta không cứu họ, chúng ta không hỗ trợ cho họ thì trong tương lai nền kinh tế của chúng ta, khu vực doanh nghiệp tư nhân của chúng ta còn nắm được những lĩnh vực kinh tế trọng yếu hay không? Điều này cũng liên quan đến an ninh kinh tế, vấn đề phát triển bền vững của đất nước

ĐB Vũ Tiến Lộc lưu ý,“không phải chi cho doanh nghiệp là nhà nước mất đi mà chi cho doanh nghiệp là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu lớn hơn trong tương lai”./.

Theo Tờ trình của Chính phủ dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ.

Thu Hằng

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/tranh-cao-bang-trong-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-557124.html