Tranh chấp chung cư Charmington La Pointe: Chủ đầu tư Sacomreal bồi thường

Ký hợp đồng đặt cọc mua 3 căn hộ tại chung cư Charmington La Pointe nhưng đợi mãi không được ký hợp đồng mua, ông Cao Tấn Lộc đòi lại tiền cọc thì chủ đầu tư Sacomreal từ chối. Ông Lộc khởi kiện ra tòa và nhận lại được tiền cọc lẫn khoản bồi thường. Đây là trường hợp hy hữu người dân thắng được chủ đầu tư trong các vụ việc tranh chấp.

Tranh chấp hợp đồng căn hộ tại Dự án Charmington La Pointe của Sacomreal đã kết thúc

Xung đột

Tháng 12.2015, ông Cao Tấn Lộc và Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) ký 3 hợp đồng đặt cọc thuê 3 căn hộ dài hạn tại chung cư Charmington La Pointe số 181 Cao Thắng, P.12, quận 10, TP.HCM. Tổng cộng, ông Lộc đặt cọc hơn 1,5 tỷ đồng cho 3 căn hộ. Theo tinh thần hợp đồng cọc, thời hạn để đôi bên ký hợp đồng thuê dài hạn là tháng 6.2016.

Sau khi ký hợp đồng cọc, ông Lộc đã thanh toán theo đúng thỏa thuận. Ngược lại, Sacomreal trễ tiến độ ký hợp đồng dài hạn và cũng không thông báo hoặc giải thích bằng văn bản. Đến tháng 9.2016 tức là trễ hạn 3 tháng, ông trực tiếp gửi văn bản thắc mắc về dự án nhưng không được chủ đầu tư giải quyết. Ngày 15.9 ông yêu cầu được đối thoại trực tiếp thì đến đầu tháng 10, bộ phận pháp chế của Sacomreal tiếp. Ông Lộc trình yêu cầu thanh lý hợp đồng cọc do Sacomreal vi phạm thì phía chủ đầu tư hứa cung cấp hồ sơ pháp lý của dự án trước 10.10. Sau đó, Sacomreal cũng không cung cấp và chỉ thông báo đồng ý thanh lý hợp đồng cọc. Tuy nhiên công ty chỉ trả lại tiền cọc cho ông khi nào có người thuê lại 3 căn hộ nói trên.

Bức xúc, ông Lộc khởi kiện Sacomreal ra Tòa án nhân dân quận 3 đề nghị tòa tuyên hủy 3 hợp đồng đặt cọc và buộc chủ đầu tư trả lại tiền và bồi thường thêm số tiền tương đương tiền cọc ông đã đóng, tổng cộng là hơn 3,1 tỷ đồng. “Trong quá trình tranh tụng, phía Sacomreal có thương lượng khuyên tôi nên tiếp tục đầu tư 3 căn hộ nó trên vì theo họ là đã có lời. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận vì thái độ nhập nhằng, chây ì của chủ đầu tư”- ông Lộc cho hay.

Hợp đồng đặt cọc giữa Sacomreal và ông Cao Tấn Lộc có những điều khoản chỉ có lợi cho chủ đầu tư

Tháng 5.2017, tại phiên sơ thẩm, ông Nguyễn Hữu Ước, đại diện cho bị đơn Sacoreal tranh tụng tại tòa cho rằng Sacomreal không vi phạm hợp đồng đã ký kết. Việc ông Lộc đòi hủy 3 hợp đồng nói trên là ý chí chủ quan của bên mua. Hội đồng xét xử sau khi nghe trình bày của các bên, kết luận: Sacoreal đã vi phạm điều khoản mà hai bên đã ký kết. Cụ thể: Sacomreal đã không ký hợp đồng thuê dài hạn theo thời hạn đã thỏa thuận.

Ngoài ra, Sacomreal đã không cung cấp hồ sơ pháp lý cho ông Lộc là đã vi phạm điều 3 của hợp đồng. HĐXX đã căn cứ hợp đồng giữa hai bên và Luật Dân sự để tuyên chấp nhận toàn bộ đề nghị của ông Lộc, tuyên hủy 3 hợp đồng và buộc Sacomreal trả cho nguyên đơn cả tiền cọc lẫn tiền phạt, tổng cộng hơn 3,1 tỷ đồng.

Thấu tình đạt lý

Chủ đầu tư Sacomreal sau đó kháng cáo và TAND TP.HCM thụ lý vụ án vào tháng 7.2017. Quá trình xét xử kéo dài nhiều phiên hòa giải và hoãn xử. Đến cuối tháng 8.2017, trong phiên xử cuối cùng, hai bên đã đạt được tiếng nói chung. Theo phán quyết của tòa, chủ đầu tư Sacomreal phải trả lại toàn bộ số tiền cọc hơn 1,5 tỷ đồng cho ông Lộc. Ngoài ra, phải bồi thường cho ông số tiền hơn 790 triệu đồng, đây là mức phạt bằng 50% bản án sơ thẩm. Trao đổi với phóng viên, ông Cao Tấn Lộc cho hay đã nhận lại toàn bộ tiền từ chủ đầu tư sau một quá trình dài khiếu nại và tranh tụng.

Charmington La Pointe khởi phát từ tháng 8.2016, khi hàng chục khách hàng tố chủ đầu tư Sacomreal “xé rào” huy động nhiều tiền của người mua khi dự án chưa xong móng. Đến thời hạn ký hợp đồng thì nhiều khách không được cung cấp hồ sơ pháp lý của dự án. Nhiều trường hợp đòi lại tiền cọc thì được chủ đầu tư thông báo phải tìm được người mua lại thì mới nhận được tiền. Tranh chấp sau đó được giải quyết ổn thỏa. Đại diện Sacomreal cho biết chỉ một mình ông Cao Tấn Lộc khởi kiện.

Dự án trên thực tế

Nói về bản án sơ thẩm, luật sư Trần Quang Thắng, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế và Cộng sự phân tích: Trong hợp đồng cọc của đôi bên, chủ đầu tư đã không công bằng khi chỉ quy định nếu ông Lộc không ký hợp đồng thì mất cọc. Còn nếu Sacomreal không ký hợp đồng thì không có chế tài. Tòa án áp dụng Khoản 2, điều 358 Bộ luật Dân sự để tuyên ông Lộc thắng kiện là hợp lý. “Đây là nguyên tắc công bằng khi tham gia quan hệ dân sự. Bản án đúng pháp luật và công minh khi hai bên không có điều khoản đầy đủ để giải quyết hậu quả pháp lý khi vi phạm hợp đồng”- ông Thắng nói.

Nói về việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Nguyễn Văn Đực cho biết đây là hiện tượng rất phổ biến của thị trường địa ốc. Tuy nhiên, tỷ lệ thắng kiện của người mua nhà là rất khó. Khi hầu hết các điều khoản hợp đồng đều có lợi cho chủ đầu tư. “Nhà nước có ban hành hợp đồng mẫu nhưng chẳng có doanh nghiệp nào áp dụng. Họ thường soạn hợp đồng có lợi cho mình”- ông Đực nói. Với những hợp đồng đó, chủ đầu tư sẽ đẩy tiến độ đóng tiền lên cao trong khi công trình thực tế chậm. Quan trọng là “lờ” trách nhiệm của mình trong hợp đồng.

“Mỗi trường hợp thắng kiện của người mua nhà là một tín hiệu mừng. Vì lâu nay tồn tại thực tế luật kinh doanh BĐS chưa bảo vệ được họ. Tòa án dựa trên quan hệ thực tế để phán xử là một điều đáng khích lệ cho người mua nhà”- ông Đực nói thêm. Đối với những tranh chấp dạng này thì chủ đầu tư và khách hàng nên thương lượng với nhau thay vì ra tòa mất thời gian và tổn hại, nhất là phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Đực cũng cho rằng giải quyết tận gốc vấn đề hiện tại là kiểm soát các hợp đồng mua bán căn hộ, vì cứ để tình trạng hiện tại, chủ đầu tư vừa đá bóng vừa thổi còi trong khi người mua nhà luôn chịu thiệt thòi.

Nguyễn Tường

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/tranh-chap-chung-cu-charmington-la-pointe-chu-dau-tu-sacomreal-boi-thuong-804929.html