Tranh chấp tại chung cư Thủ Đức House: Mỏi mòn chờ thành lập ban quản trị

Bên cạnh các tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích tại chung cư Thủ Đức House (TDH), trong 3 năm qua, việc TDH vẫn chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị (BQT) cũng khiến không ít cư dân bức xúc.

>> Bùng phát tranh chấp tại chung cư Thủ Đức House

Ba năm chưa thành lập ban quản trị

Theo anh T., một cư dân sống tại chung cư TDH, luật đã quy định rõ ràng về việc thành lập BQT chung cư. Trường hợp chung cư TDH sau 3 năm vẫn không có BQT là do mâu thuẫn và sự bất đồng ý kiến của hai bên. “Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư tổ chức hội nghị để bầu ra BQT chung cư nhưng TDH vẫn cố tình không tổ chức”, anh T. bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên tại chung cư TDH - Phước Bình, nhiều người dân yêu cầu phải bồi thường nếu TDH muốn giao giấy chứng nhận thông thủy. Việc bất đồng quan điểm về cách tính thông thủy - tim tường là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cả hai bên không thể ngồi lại để cùng giải quyết, dẫn đến số người tham dự hội nghị nhà chung cư không đạt trên 50%.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh.

Phân tích về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Theo quy định về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, Điều 11, Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008, thì số người tham dự hội nghị nhà chung cư phải đạt mức trên 50% tổng số chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư đối với hội nghị của một nhà chung cư hoặc trên 10% số dân cư và chủ sở hữu đối với hội nghị của một cụm nhà chung cư. Như vậy, nếu số dân cư và chủ sở hữu của một nhà chung cư tham dự chưa đạt 50% thì chủ đầu tư phải tiếp tục tuyên truyền, vận động dân cư tham gia hội nghị và tổ chức lại hội nghị nhà chung cư.

Phóng viên cũng đã liên hệ với TDH và công ty cũng thừa nhận chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư cho cư dân. Hiện tại, TDH vẫn đang tạm giữ 2% phí bảo trì.

Mua nhà năm 2011, áp dụng thông tư năm 2014

Trở lại vấn đề tranh chấp tại chung cư TDH, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, đại diện TDH cho rằng, những hợp đồng mua nhà ký trước ngày 8/4/2014 sẽ được áp dụng theo Thông tư 16/2010/TT-BXD ký ngày 1/9/2010.

Theo TDH, khoản 2 Điều 21 Thông tư 16/2010/TT-BXD quy định như sau: “Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thì ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 điều này còn phải ghi rõ thêm các nội dung sau đây: phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn căn hộ mua bán (được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ); khoản kinh phí bảo trì 2% tiền bán nhà ở”.

Chưa hết, TDH tiếp tục viện dẫn Thông tư số 03/2014/TT-BXD ngày 20/2/2014 của Bộ Xây dựng được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/4/2014 với quy định tại khoản 2, điều 3 như sau: “Trường hợp các bên đã ký hợp đồng mua bán căn hộ trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì việc xác định diện tích căn hộ để tính tiền mua bán được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ mà các bên đã ký kết”. Với những lý lẽ trên, TDH cho rằng công ty đã làm đúng luật.

Chung cư THD – Phước Bình sau ba năm đi vào hoạt động vẫn chưa có Ban quản trị

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Văn phòng Luật sư Trường và cộng sư, phía TDH trả lời như thế là chưa thỏa đáng và có phần né tránh trách nhiệm. Luật sư Trường phân tích, việc ký hợp đồng mua bán căn hộ giữa khách hàng và chủ đầu tư dựa trên cơ sở quy định của Thông tư 16/2010/TT-BXD: “Phần diện tích thuộc sử hữu chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn căn hộ mua bán được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ”.

“Như vậy, chủ đầu tư phải tuân thủ quy định tại thông tư này khi đã xác định cách tính diện tích tim tường để bán và thu tiền của khách hàng. Chủ đầu tư ép khách hàng phải ký thỏa thuận ra giấy chủ quyền thể hiện diện tích thông thủy song chưa đưa ra được một cơ sở pháp lý hay cơ quan có thẩm quyền nào yêu cầu việc ra giấy chứng nhận bắt buộc phải thể hiện diện tích thông thủy”, luật sư Trường nói.

“Chưa hết, Điều 5.4 của Hợp đồng mua bán căn hộ giữa TDH và khách hàng, nêu rõ: “Bên A cam kết sẽ hoàn thành và nộp hồ sơ cho cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ trong thời gian 60 ngày kể từ khi bên B hoàn thành việc thanh toán”. Nếu căn cứ theo hợp đồng thì chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho khách hàng, bởi nhiều khách hàng đã thanh toán đủ cho chủ đầu tư nhưng mỏi mòn chờ giấy chứng nhận từ hơn 2 năm nay. Ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại do chủ đầu tư gây ra, trong khi UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chính quyền địa phương và các chủ đầu tư phải nhanh chóng cấp giấy chứng nhận cho người dân? Tất cả những thông tư mà chủ đầu tư viện dẫn như Thông tư 03 đều không có giá trị. Bởi các hợp đồng mua bán căn hộ giữa khách hàng và chủ đầu tư ký với nhau áp dụng tại thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực. Chủ đầu tư phải có nghĩa vụ và trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho khách hàng theo quy định của Thông tư 16”, luật sư Trường phân tích.

Phía chủ đầu tư cũng như những cư dân sống tại chung cư TDH đều có lý lẽ riêng của mình. Tuy nhiên, việc để cư dân chịu thiệt trong trường hợp này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín mà TDH đã gây dựng bấy lâu nay.

Giang Nam - Nguyễn Thắng

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tranh-chap-tai-chung-cu-thu-duc-house-moi-mon-cho-thanh-lap-ban-quan-tri-post6599.html