Tranh chấp thuê nhà 51 Trần Nhân Tông (Hà Nội) 8 năm chưa hồi kết

Trải qua gần 8 năm đi đòi quyền lợi, nhưng đến nay Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội vẫn chưa thể lấy lại được tài sản đã cho thuê.

Ngôi nhà số 51 Trần Nhân Tông (tài sản được xác định sau cổ phần hóa) của Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội.

Qua 2 cấp tòa vẫn chưa lấy lại được tài sản

Giai đoạn sau khi cổ phần hóa, Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội đã lựa chọn Công ty TNHH Phát Triển (sau đây gọi tắt là Công ty Phát Triển) làm đối tác và ký các hợp đồng hợp tác liên doanh trong các năm 2000, 2002, 2007 để hình thành Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt Hà Nội.

Quá trình hợp tác này, Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội đã lấy ngôi nhà số 51 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (tài sản được xác định sau cổ phần hóa) làm nơi hoạt động.

Ngày 26/3/2014, Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt Hà Nội giải thể. Để chấm dứt việc hợp tác kinh doanh, 2 công ty đã lập biên bản thanh lý hợp đồng và rút vốn đầu tư số 01/TLHD-HTKD-RVĐT/KM-PT/2014.

Theo biên bản, Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội dừng việc hợp tác kinh doanh tại Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt Hà Nội, đồng thời rút toàn bộ vốn đầu tư và nhận lợi nhuận phân phối có tổng trị giá là 4 tỉ đồng.

Song song với việc thanh lý các hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội đã ký hợp đồng cho Công ty Phát Triển thuê lại ngôi nhà 51 Trần Nhân Tông với giá 315 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Phát Triển chỉ trả 170 triệu đồng tiền thuê nhà/tháng.

Sau nhiều lần yêu cầu Công ty Phát Triển thực hiện nghiêm túc cam kết hợp đồng nhưng không nhận được phản hồi tích cực, tháng 7/2016, Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội quyết định chấm dứt hợp đồng cho thuê. Đồng thời, khởi kiện Công ty Phát Triển ra tòa.

Ngày 13/7/2020, TAND quận Tây Hồ xét xử sơ thẩm. Tại bản án sơ thẩm số 04 HĐXX TAND quận Tây Hồ tuyên buộc Công ty Phát Triển phải trả tiền thuê nhà, sử dụng nhà và tiền lãi, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng và giao mặt bằng căn nhà số 51 Trần Nhân Tông cho Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội quản lý, sử dụng.

Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, Công ty Phát Triển và Bệnh viện mắt kỹ thuật cao (chi nhánh của Công ty Phát Triển) đã kháng cáo.

Ngày 29/6/2022, TAND Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại bản án kinh doanh thương mại, phúc thẩm số 106, HĐXX tuyên bác kháng cáo của Công ty Phát Triển và Bệnh viện mắt kỹ thuật cao.

Ngày 18/7/2022, Chi cục THADS quận Tây Hồ đã ra quyết định thi hành án đối với Công ty Phát Triển.

Ngày 29/7/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội đã có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án tạm hoãn thi hành án trong thời hạn 3 tháng để có thời gian xem xét thủ tục giám đốc thẩm theo đơn của Công ty Phát Triển.

Hết thời hạn xem xét, ngày 18/5/2023, Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng theo sự ủy thác của Chi cục THADS quận Tây Hồ đã ra quyết định cưỡng chế nhà số 51 Trần Nhân Tông.

Quyết định kháng nghị của tòa cấp cao đã hợp lý?

Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 06 ngày 26/5/2023.

Tất cả hoạt động thi hành án phải hoãn và dừng sau khi TAND cấp cao tại Hà Nội có Quyết định kháng nghị (QĐKN) giám đốc thẩm số 06 ngày 26/5/2023.

Theo đó, TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời giao hồ sơ cho TAND quận Tây Hồ giải quyết sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Về quyết định kháng nghị như đã nêu, luật sư Trần Thị Ngọc Trang, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, tại cấp sơ thẩm, Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội có đơn khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà và buộc Công ty Phát Triển phải trả lại nhà 51 Trần Nhân Tông cũng như thanh toán các khoản tiền thuê nhà, sử dụng nhà, tiền phạt vi phạm và các khoản tiền khác liên quan.

Phạm vi giải quyết của tòa án trong vụ án này chỉ giới hạn trong phạm vi đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội.

Tuy nhiên, trong QĐKN lại nêu nhiều nội dung, vấn đề ngoài phạm vi khởi kiện của Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội.

Luật sư Ngọc Trang cho biết thêm, các căn cứ được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Điều 326 Khoản 1 Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều 333 khoản 5, 6 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định QĐKN giám đốc thẩm phải có nhận xét, phân tích những vi phạm, sai lầm của bản án phúc thẩm và căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị.

“Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện với các bên và phải được các chủ thể khác tôn trọng. Ở vụ án này, biên bản thanh lý và hợp đồng thuê nhà đã được Công ty Cổ phần kính mắt Hà Nội và Công ty Phát Triển tự nguyện thỏa thuận.

Tuy nhiên, QĐKN không đưa ra được bất kỳ căn cứ nào chứng minh các thỏa thuận này vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Do đó biên bản thanh lý và hợp đồng thuê nhà này có hiệu lực đối với các bên và phải được các chủ thể khác tôn trọng”, luật sư Ngọc Trang nhấn mạnh.

Bảo Hân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tranh-chap-thue-nha-51-tran-nhan-tong-ha-noi-8-nam-chua-hoi-ket-post645046.html