Tranh chấp Thương mại Mỹ - Trung sẽ dẫn đi tới đâu?

Washington đã thực hiện vòng đánh thuế nhập khẩu lần thứ hai đối với hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không ngần ngại 'trả đũa'.

Giới quan sát đang hoài nghi liệu cuộc tranh chấp này sẽ kéo dài bao lâu.

Vào ngày 23/8 vừa qua, Mỹ đã áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỉ USD tnhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là vòng đánh thuế thứ hai “ăn đũa, trả đũa” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc dự kiến giảm nhập khẩu trên 10 triệu tấn đậu tương Mỹ trong năm nay do tranh chấp thương mại giữa hai nước.

Khi các biện pháp trừng phạt vẫn ở tiếp tục được duy trì, hai cường quốc lớn nhất thế giới có thể phải chịu thêm nhiều tổn thất. Song điều gì sẽ diễn ra nếu những căng thẳng thương mại này tiếp tục leo thang? Liệu Bắc Kinh có cảm thấy đủ mạnh để bước vào một cuộc chiến thương mại toàn diện với nước đối tác kinh doanh lớn nhất của mình?

Cùng ngày (23/8), Bộ Thượng mại Trung Quốc tuyến bố Bắc Kinh sẽ phải đáp trả các biện pháp của Mỹ bằng áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, từ dầu thô, than đến các sản phẩm thép và công nghệ y tế. Các biện pháp này được ban hành song song với các biện pháp đánh thuế của ông Trump.

Tuy nhiên, không ai ở Bắc Kinh tin rằng Trung Quốc đã hành động đúng khi phản ứng tức thì đối với vòng áp thuế bổ sung đầu tiên của Mỹ vào tháng 6 đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỉ USD từ Trung Quốc.

Ông Thomas Jäger, nhà khoa học chính trị thuộc Trường Đại học Cologne (Đức) nhận định: “Trung Quốc đã phản ứng quá nhanh. Họ diễn giải: 'Khi chúng ta hành động tương tự, chúng ta sẽ duy trì được thế ngang bằng. Song hiện nay dường như nhiều người trong cuộc hoài nghi liệu đây có thực sự là nước cờ thông minh.”

Mối lo ngại của công chúng

Công chúng Trung Quốc cũng lo ngại về diễn biến của cuộc tranh chấp này.

Lin Zaishi, một huấn luyện viên 25 tuổi ở thành phố Phúc Châu nằm ở bờ biển Đông Nam Trung Quốc, cho hay: “Tôi nghĩ Mỹ sẽ thắng trong cuộc chiến tranh thương mại này vì Mỹ tiên tiến hơn Trung Quốc. Mặc dù dân số Trung Quốc đông, song lợi thế lại nghiêng về phía Mỹ khi cuộc tranh chấp bắt đầu nổ ra.”

Giám đốc Tài chính 40 tuổi Chen Jun đánh giá vấn đề từ hai phía: “Tôi không nghĩ bên nào có lỗi vì cả hai đều muốn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Chính quyền của ông Trump có những lợi ích riêng cần suy tính.'”

Song một người dân Phúc Châu thứ ba được hỏi ý kiến đề nghị giấu tên đã phê bình phản ứng của Trung Quốc. “Thế giới không thể thiếu Mỹ. Mỹ đã đóng góp nhiều cho nền hòa bình thế giới, đã hy sinh nhiều quân sỹ và cung cấp nhiều nguồn lực tài chính cho Liên Hiệp Quốc. Thậm chí nếu Trung Quốc có thực lực như Mỹ, đất nước chúng tôi cũng sẽ không gánh vác trách nhiệm như Mỹ vì người Trung Quốc vốn ích kỷ. Cho dù tôi là người Trung Quốc, song tôi đang nói cho anh biết sự thật.”

Chỉ là cãi vã vặt hay một cuộc chiến về thương mại?

Thâm hụt thương mại Mỹ đã trở thành một trong những vấn đề thu hút sự chú ý tại Trung Quốc trong nhiều tháng qua. Và chỉ ngay sau cuộc đấu khẩu với ông Trump nổ ra, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về những ảnh hưởng tiêu cực của việc Mỹ đánh thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân công Mỹ sẽ thiệt hại như ngạn ngữ có câu: “Gậy ông đập lưng ông.”

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khuyến cáo rằng nếu cuộc chiến thương mại này tiếp tục leo thang, điều đó cuối cùng sẽ gây nhiều thiệt hại hơn đối với nền kinh tế Mỹ. Một vài ngày trước, tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc đưa ra nhận định: “Thâm hụt thương mại sẽ gây thiệt hại cho các gia đình trung lưu và những người nghèo nhất ở Mỹ là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Thậm chí nếu đúng vậy cùng với những tin đồn về ảnh hưởng của nó, công chúng Trung Quốc dường như đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Bất chấp những quy định nghiêm ngặt, nhiều người Trung Quốc đang tìm cách chuyển đổi các tài sản bằng đồng Nhân Dân tệ (NDT) sang đô la Mỹ, euro hay vàng.

Song các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã chỉ thị các ngân hàng chỉ cho phép người gửi tiền rút ngoai tệ tối đa là 5.000 USD và trong các trường hợp khác người tiêu dùng phải diễn giải lý do vì sao cần nhiều đô la đến vậy.

Theo Giáo sư Kinh tế Huang Weiping đang giảng dạy tại trường Đại học Renmin ở Bắc Kinh, các biện pháp đánh thuế của Mỹ như là một cách thức gây chiến tranh tâm lý. Ông nói: “Cuộc chiến thương mại này chắc chắn gây ra mối lo sợ cho công chúng. Ảnh hưởng tâm lý đôi khi lớn hơn tác động thực tế. Mối lo sợ của công chúng là có thật, song ảnh hưởng đối với nền kinh tế thực sự chỉ là mức tối thiểu.”

Giáo sư Huang cho biết mức thuế nhập khẩu mà chính quyền của ông Trump áp hiện nay đối với hàng hóa Trung Quốc về lượng ít hơn doanh thu bất động sản hàng năm ở một thành phố bậc trung của Trung Quốc.

“Đó không phải là vấn đề tiền bạc. Mối lo sợ của dân chúng là vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc”, ông Huang bổ sung.

Ren Zeping là một trong nhà phân tích kinh doanh nổi tiếng ở Trung Quốc và là chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc viện nghiên cứu của tập đoàn bất động sản Evergrande Trung Quốc. Cũng giống như nhiều người Trung Quốc, ông cho rằng lúc này không phải là thời điểm tiến hành một cuộc xung đột thương mại lớn hơn đối với người Mỹ.

'Cần quay trở lại với lý lẽ'

“Trước cuộc chiến thương mại này, nhiều người cho rằng Trung Quốc đã đánh giá quá cao về mình và quá tự tin. Cuộc xung đột hiện này không đem lại gì hơn ngoài việc cần quay trở lại với lý lẽ”, ông Ren nói.

Ông Ren cho hay Trung Quốc cần phải nhận thấy rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm về vấn đề cách tân, xây dựng nhà máy, các dịch vụ tài chính, giáo dục, công nghệ mũi nhọn và quân sự tiên tiến.

Theo nhà khoa học chính trị Đức Jäger, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần chấp nhận rằng cuộc chiến thương mại đang leo thang với Mỹ cũng như làn sóng phản đối gia tăng tại châu Âu về việc các nhà đầu tư Trung Quốc mua các công ty châu Âu là những khuyến cáo đối với Trung Quốc về những hoài bão quá lớn của mình.

Ông Jäger đưa ra lời nhận xét này căn cứ vào chiến lược Made in China 2025 của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc thách thức Mỹ và châu Âu về việc thống lĩnh ngành chế tạo cao cấp.

“Dĩ nhiên, mọi thứ sẽ phải thay đổi vào tháng 10/ 2049, dịp kỷ niệm 100 năm ra đời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là thời hạn chậm nhất Trung Quốc đề ra không chỉ sánh ngang với Mỹ mà còn sẽ thống lĩnh các ngành công nghệ then chốt của nền kinh tế toàn cầu”, ông Jäger nói./.

CTV Xuân Hương/VOV.VNTheo DW

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/tranh-chap-thuong-mai-my-trung-se-dan-di-toi-dau-804244.vov