Tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm toán

Trong chương trình làm việc tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có những ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Chuyện Pháp luật

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đó là quy định trong dự thảo luật như thế nào để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, đây là vấn đề trọng tâm, đặt ra yêu cầu sửa Luật KTNN đã được nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Từ thực tiễn hiện nay, đại biểu QH và đại diện cơ quan ở địa phương nhiều lần phản ánh tình trạng chồng chéo giữa thanh tra các cấp và KTNN vẫn diễn ra mà chưa khắc phục được. Ðến nay các quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ và thanh tra địa phương. Nhiều ý kiến các thành viên Ủy ban TVQH đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.

Ðóng góp ý kiến vào một số vấn đề cụ thể, một số đại biểu nêu quy định cần rõ ràng để giải quyết trong trường hợp có sự chồng chéo giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán, ai sẽ là người điều hòa, cách thức điều hòa như thế nào? Bên cạnh đó, thẩm quyền, trách nhiệm ra sao để hai cơ quan cùng phối hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và bảo đảm không vướng mắc khi triển khai thực hiện. Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, KTNN là cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, giúp tài chính nhà nước minh bạch, hạn chế tham nhũng. Với vị trí của kiểm toán thì không nên đưa nhìn nhận kiểm toán như một bộ, mà dự luật này cần tháo gỡ các vướng mắc cho kiểm toán trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Dự luật liên quan nhiều luật khác, do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh chồng chéo khi áp dụng; đồng thời bổ sung thêm một số quyền cho KTNN. Dự luật cho phép KTNN trong quá trình kiểm toán có quyền truy cập dữ liệu của đơn vị chịu sự kiểm toán. Tuy vậy một số đại biểu băn khoăn về quyền của KTNN được truy cập phần mềm quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, có thể xảy ra việc vi phạm bí mật đời tư, bí mật doanh nghiệp - đề nghị quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định truy cập dữ liệu và quy định rõ chỉ được truy cập trong các trường hợp liên quan nội dung vụ việc đang được kiểm toán.

Về bổ sung các nội dung liên quan Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH thống nhất việc bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn việc bổ sung các nội dung này vào dự thảo luật liệu bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để KTNN triển khai thực hiện hay chưa, vì sẽ phải sửa các luật có liên quan hoặc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Ðể bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, các đại biểu QH đề nghị nghiên cứu sâu thêm, qua đó đề xuất sửa đổi các nội dung này khi sửa đổi các luật liên quan. Riêng đối với quy định bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN như dự thảo luật, đây là quy định quá rộng, có thể gây chồng chéo với các cơ quan, đơn vị khác. Vì vậy đề nghị không bổ sung vào luật nêu thẩm quyền của KTNN trong giám định tư pháp. Thời gian tới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, KTNN tiếp tục phối hợp các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh dự thảo luật và báo cáo tiếp thu giải trình để trình Ủy ban TVQH cho ý kiến vào phiên họp sắp tới.

THÁI TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/41700602-tranh-chong-cheo-giua-thanh-tra-kiem-toan.html