Tranh cổ động kể chuyện về Bác

Nhiều câu chuyện, kỷ niệm về Bác được kể trong trưng bày chuyên đề khai mạc sáng 10/5 'Chân dung Hồ Chí Minh-góc nhìn từ tranh cổ động' tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tranh cổ động về Bác trưng bày dịp này tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

TRANH VỀ BÁC

Chân dung Hồ Chí Minh-Góc nhìn từ tranh cổ động giới thiệu khoảng 60 bức, chủ yếu là tác phẩm gốc. Trưng bày này hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 129 năm sinh của Bác. Những tác phẩm này được sáng tác, phát hành sau khi Bác qua đời. Bảo tàng lựa chọn tác phẩm tiêu biểu, bút pháp đồ họa phong phú, ngôn ngữ khúc chiết, khắc họa chân dung Hồ Chủ tịch giản dị, là tấm gương cho các thế hệ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.

Theo lời họa sĩ Thục Phi, nguyên Giám đốc Xưởng tranh cổ động Trung ương, hình tượng Bác trong tranh cổ động được nhiều họa sĩ quan tâm thể hiện: Phạm Lung, Lai Thành, Trần Từ Thành, Đỗ Mạnh Cương, Lê Huy Trấp, Nguyễn Oánh, Minh Phương, Dương Ánh. Nhiều họa sĩ trong số này đóng góp tác phẩm khắc họa Hồ Chủ tịch dưới nhiều góc độ.

Những người thực hiện sắp xếp tác phẩm thành bốn phần làm nổi bật chân dung của Bác: Hồ Chí Minh-Linh hồn dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh-Nhà quân sự, nhà thơ, Bác Hồ-Một tình yêu bao la, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi. Bảo tàng Hồ Chí Minh dịp này cũng giới thiệu ấn phẩm Chân dung Hồ Chí Minh-góc nhìn từ tranh cổ động (1969-2011) giới thiệu tác phẩm trưng bày, một số bài viết của các nhà nghiên cứu mỹ thuật và các họa sĩ làm rõ thêm phong cách nghệ thuật, giá trị lịch sử văn hóa của đồ họa tuyên truyền Việt Nam.

Một số họa sỹ như Trần Từ Thành, Đỗ Mạnh Cương, Nguyễn Trọng Hiệp, Lê Nhường trao tặng tranh cho bảo tàng. Đó là những tác phẩm gốc, quý giá gửi gắm tình yêu và sự kính trọng Bác.

CHUYỆN VỀ BÁC

Nhiều người thấy bức tranh Bác Hồ với thiếu nhi treo trên nóc Nhà Thông tin thành phố, số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm từ gần 40 năm nay. Chính giữa tranh là hình ảnh Bác tươi cười hiền hậu ôm em bé, bên phải là hình chữ S biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh vẽ chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc. Tác giả bức tranh là họa sĩ Trần Từ Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, quê Hà Tĩnh.

Tác giả kể, năm 1975 chọn đề tài cho Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức đầu năm 1976. “Hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi như biểu tượng của hòa bình, của tấm lòng Bác với nhân dân. Tôi vô cùng xúc động, tâm huyết lựa chọn hình ảnh Bác với trẻ thơ làm đề tài cho mạch cảm xúc”, ông kể. Ông dùng tranh cổ động thể hiện bởi loại hình dễ hiểu, phổ biến trong cuộc sống.

Bức tranh này giành giải cao năm đó. Chào mừng Tổng tuyển cử sau thống nhất đất nước, Xưởng tranh cổ động Trung ương cho in hàng vạn bản phát hành trên cả nước và đề nghị tác giả đưa thêm khẩu hiệu “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” vào tranh. Tác phẩm còn được treo tại Bảo tàng Lenin ở Matxcơva (Nga), La Habana (Cuba)… bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác nhau. Nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế hỏi mua bản gốc của bức tranh nhưng họa sỹ đều từ chối, coi đó là “kỷ vật riêng vô giá của đời”.

Không có gì quý hơn độc lập tự do là tác phẩm của họa sĩ Lê Huy Trấp. Tranh gốc ban đầu mang tên 1890 - 1970, sáng tác nhân sinh nhật thứ 80 của Bác. Họa sĩ vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh với nụ cười hiền hậu, ông bảo rất thích hình ảnh Bác cười. Tranh được chọn tham dự triển lãm mỹ thuật tại La Habana, Cuba. Sau triển lãm, Chủ tịch Fidel Castro yêu cầu ấn hành tác phẩm để giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp đất nước Cuba.

Năm 1975, họa sĩ Lê Huy Trấp quyết định đổi tên tranh thành Không có gì quý hơn độc lập tự do - thể hiện tư tưởng của Hồ Chủ tịch. Ông luôn được nhắc tới trong danh sách những họa sĩ vẽ chân dung Bác Hồ cùng với Diệp Minh Châu, Dương Bích Liên, Đỗ Năm. Từ khi còn học phổ thông, Lê Huy Trấp say mê vẽ Bác, sau này có cơ hội gặp Bác, ông càng ấn tượng với phong thái của Người. Tự hào sinh ra trên quê hương Bác, họa sĩ sinh năm 1929 bảo nếu còn nhiều thời gian trên đời, ông tiếp tục vẽ về Bác.

Họa sĩ Lê Nhường lại chọn khắc họa tư tưởng Hồ Chí Minh khi dạy lực lượng vũ trang nhân dân, với năm tác phẩm cổ động. “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/Kiên quyết không ngừng thế tiến công” là tác phẩm lấy cảm hứng từ khổ thơ trong bài Học đánh cờ của tập Nhật ký trong tù. Tác phẩm từng được giới thiệu trong triển lãm của ngành Mỹ thuật tổ chức ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 90 năm sinh của Bác.

Trong bộ năm bức tranh này còn có bức Bác bảo thắng là thắng, sáng tác năm 1980 nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy cảm hứng từ lời căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước trận Điện Biên Phủ. Toàn bộ bức tranh là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang điện đàm chỉ đạo chiến dịch từ xa với nét mặt cương nghị, thể hiện ý chí và sự quyết tâm cũng như niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của chiến dịch. Hình ảnh bên dưới bức tranh thể hiện chiến thắng lừng lẫy của quân dân ta trong chiến dịch này. Bản gốc hiện nay còn lưu tại Xưởng tranh Cổ động Trung ương.

Trải nghiệm in tranh khắc gỗ về Hồ Chủ tịch
Lần đầu tiên, Bảo tàng tổ chức hoạt động trải nghiệm dành cho công chúng trong không gian triển lãm. Từ ba bức tranh mẫu được lựa chọn trong trưng bày là bức “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” của tác giả Trần Từ Thành, “Không có gì quí hơn độc lập tự do” của tác giả Lê Huy Trấp, bức “Bác bảo thắng là thắng” của họa sĩ Lê Nhường, người tham dự sẽ được trực tiếp in tranh khắc gỗ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỹ thuật thao tác in tranh thực hiện trên chất liệu giấy điệp, mực in từ tranh Đông Hồ truyền thống sẽ mang đến trải nghiệm bất ngờ cho khách tham quan, nhất là với đối tượng công chúng trẻ tuổi.

Nhiều người thấy bức tranh Bác Hồ với thiếu nhi treo trên nóc Nhà Thông tin thành phố, số 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ gần 40 năm nay. Chính giữa tranh là hình ảnh Bác tươi cười hiền hậu ôm em bé, bên phải là hình chữ S biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh vẽ chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc. Tác giả bức tranh là họa sĩ Trần Từ Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, quê Hà Tĩnh.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tranh-co-dong-ke-chuyen-ve-bac-1413414.tpo