Tranh con giáp đương đại: Chuyển động tích cực của mỹ thuật Việt

Con giáp biểu tượng cho năm mới, từ lâu đã là cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ tạo hình đương thời. Ban đầu chỉ là thú chơi, như một cách để khai bút đầu xuân, dần dần các họa sĩ đã tạo nên dòng tranh con giáp đương đại khác biệt, được ưa chuộng trong dịp Tết, có chỗ đứng trên thị trường, góp vào chuyển động tích cực của mỹ thuật Việt Nam.

Tấp nập người mua tranh con giáp Canh Tý

Bức tranh khắc gỗ “Hạnh phúc” của họa sĩ Đỗ Bá Quang trong triển lãm “Tranh xuân” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trước thềm năm mới, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội), ngay ngày khai mạc đã được gắn bông hoa đỏ thắm, thể hiện tác phẩm đã có chủ. Tranh khắc giản dị, với hình tượng hai chú chuột viên mãn, hạnh phúc bên nhau, rất thích hợp treo trong nhà ngày Tết. Triển lãm cũng trưng bày rất nhiều bức tranh mang hình tượng chú chuột - con vật biểu tượng cho năm Canh Tý, với những màu vẻ khác nhau, như “Xuân Canh Tý” của Lê Anh Vân có đàn chuột hớn hở bên thùng vàng sung túc; “Canh Tý” của Trần Đốc với chú chuột cách điệu hình ảnh âm dương hài hòa, tinh tế; “Tranh Tết 2020” của Đinh Nguyệt với những chú chuột vàng điểm xuyết hoa đào rực rỡ, vui tươi…

Tương tự, cả 2 tác phẩm “Canh Tý” của họa sĩ Tào Linh treo tại triển lãm “Tiễn Hợi đón Tý” do nhóm họa sĩ G39 tổ chức ở Hà Nội, cũng đã có chủ nhân ngay từ ngày khai mạc. Họa sĩ Tào Linh cho biết, chuột là con vật đứng đầu trong 12 con giáp, thường biểu hiện cho sự đủ đầy, sung túc, thịnh vượng. Tuy nhiên, trong nghệ thuật, nếu tả thực con vật này sẽ khó lấy cảm tình của người xem. Bởi vậy, ông thể hiện con vật này theo phong cách lập thể, với những màu sắc tươi như đỏ, hồng, cam, vàng, để tạo cảm xúc tích cực cho mọi người. Còn họa sĩ Lê Vi chia sẻ, chuột là con vật có tạo hình đa dạng, biểu cảm sinh động, nên gợi nhiều ý tưởng sáng tác cho nghệ sĩ.

Nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Quang của làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) góp cho Tết Canh Tý 6 tác phẩm gốm được làm theo kỹ thuật truyền thống, nhưng tạo hình con chuột tối giản, hiện đại, hợp với thị hiếu công chúng hiện nay. Vẫn với phong cách tối giản, năm nay họa sĩ Lê Thiết Cương tạo bất ngờ với tác phẩm “Lưỡng Tý chầu hoa mai” bằng bạch ngọc và vàng, do ông và nghệ sĩ Nguyễn Thị Hoài Oanh cùng nhau sáng tạo trong 6 tháng. Họa sĩ Phạm Văn Tư lại chọn thể hiện hình tượng con chuột của năm Canh Tý qua tranh biếm họa...

Tại các xưởng sáng tác của nhiều họa sĩ thời điểm sát Tết luôn tấp nập người đến mua tranh. Họa sĩ Đỗ Phấn đã vẽ tranh con giáp Canh Tý từ đầu tháng 12, vẽ đến đâu ông vừa tặng, vừa bán đến đấy, chừng khoảng 50 bức. Với ông, chuột, dê, khỉ là những con vật tạo nhiều hứng khởi khi sáng tác, bởi chúng sinh động, đáo để mà rất hồn nhiên, vui tươi. Chỉ mới vừa hay tin nghệ sĩ Thái Nhật Minh đang thực hiện các tác phẩm điêu khắc chuột ngộ nghĩnh, nhiều nhà sưu tập đã đến tận xưởng của anh để mua. Theo nghệ sĩ Thái Nhật Minh, thế giới có nhiều hình tượng con chuột nổi tiếng như Mickey, Remy… và dân gian chuột trong tranh Đông Hồ, vì vậy, sáng tác về con vật này là thách thức với nghệ sĩ đương đại. Tuy nhiên, nghệ sĩ Thái Nhật Minh đã chọn phần đuôi là điểm nhấn để tạo hình những con chuột mang không khí xuân tươi vui…

Kích thích thị trường mỹ thuật phát triển

Các danh họa của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… là những người khai mở sáng tác tranh con giáp mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, hầu hết các nghệ sĩ tạo hình đều vẽ tranh xuân, tranh con giáp vào dịp đầu năm như một cách khai xuân, chia sẻ cảm xúc, khát vọng cho một năm mới thành công. Mỗi người một nét duyên, một chất liệu riêng để đưa vào tranh cái nhìn ý vị, hóm hỉnh về con giáp của năm mới. Ban đầu, họ vẽ tranh tặng bạn bè, người thân thay cho lời chúc năm mới. Những năm gần đây, tranh con giáp đương đại có nhiều người tiếp cận, tìm mua vào dịp Tết, trở thành phong trào sáng tác trong giới, kích thích thị trường mỹ thuật phát triển.

Họa sĩ Tào Linh cho rằng, người Việt vẫn có thú chơi tranh Tết để trang trí, sửa soạn nhà cửa đón năm mới. Nếu trước đây, các gia đình thường chọn một bức ảnh hoặc bức tranh in bình thường, thì ngày nay, mức sống cao hơn, nhu cầu treo tranh và sưu tập tranh độc bản tăng mạnh. Tranh con giáp đương đại đáp ứng được điều đó, nên thị trường ngày càng phát triển, giới họa sĩ chuẩn bị sáng tác từ trước Tết vài tháng, người mua cũng cầu kỳ chọn lựa, thậm chí đặt hàng tác giả mình yêu thích.

Có mặt tại triển lãm “Tranh xuân” và “Tiễn Hợi đón Tý”, ông Lê Minh Tâm (ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa) cho biết, năm nào ông cũng thích đến triển lãm tranh con giáp để thưởng lãm những sáng tác về con vật biểu tượng của năm mới, thấy bức nào hợp sẽ mua. Ông Tâm đánh giá, tranh con giáp Canh Tý khá đa dạng, đẹp, ấn tượng, giá cả hợp lý.

Đứng ra tổ chức triển lãm tranh con giáp đều đặn nhiều năm nay, họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định, thị trường mỹ thuật Việt Nam gần đây có sự chuyển động tích cực, nhu cầu thưởng thức, sở hữu, sử dụng tác phẩm mỹ thuật của người dân mạnh hơn, tranh ở lại trong nước nhiều hơn. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở thị trường tranh con giáp dịp đầu năm mới. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, tuy giá tranh con giáp của các họa sĩ sáng tác cao hơn tranh dân gian, nhưng con số dao động 1-15 triệu đồng cho một bức tranh độc bản là khá "vừa vặn" với nhiều gia đình hiện nay.

Thành công từ mùa tranh Tết Canh Tý, đặc biệt là dòng tranh con giáp, báo hiệu một năm khởi sắc của mỹ thuật Việt Nam.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/956645/tranh-con-giap-duong-dai-chuyen-dong-tich-cuc-cua-my-thuat-viet