Tranh dân gian Kim Hoàng: Sự tái sinh rực rỡ

Sau hơn 70 năm thất truyền, đến nay, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã hồi sinh, không chỉ ở số mộc bản được khôi phục, mà xuất hiện những mẫu tranh mới, và nhiều sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống…

Nối tiếp mạch nguồn

Theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa- chủ Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng, qua nghiên cứu, tìm hiểu từ cuốn sách của người Pháp và ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như tranh còn được người dân Vân Canh (Hoài Đức – Hà Nội) giữ được thì dòng tranh dân gian Kim Hoàng có trên 100 mẫu. Trong đó hiện ở làng Kim Hoàng chỉ còn giữ lại được 2 mẫu có mộc bản: “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”.

Bà Hòa cho biết, đến nay, Dự án đã phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ. Bên cạnh đó, 19 mẫu được vẽ tay. Ngoài ra Dự án cũng tạo mới được một số mẫu như: tranh Nghê (lấy mẫu từ đền Vua Đinh – vua Lê, Ninh Bình), và 3 bức tạo mẫu mới theo họa tiết hoa văn trang trí ở đình làng Kim Hoàng: “Em bé bắn cung”, “Em bé cưỡi phượng”, “Đấu vật”…

Tranh dân gian là một quá trình vận động, có sự thay đổi theo từng năm, từng vùng. Ngay cả chất liệu giấy, màu giấy, mực in cũng có thể sai khác vì được sản xuất thủ công, hoặc do có thời điểm “khan giấy” chẳng hạn. Chính sự biến động này tạo nên sự đa dạng của tranh dân gian, dù cùng một mẫu khuôn in.

“Trong quá trình phục dựng tranh Kim Hoàng, bên cạnh việc cố gắng bám chặt vào tài liệu đáng tin cẩn, tham vấn của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, hoặc các nghệ nhân uy tín của các làng tranh khác để tạo ra những mộc bản chuẩn xác (hoặc tương đối chuẩn), chúng tôi cũng mạnh dạn cải tiến”- bà Thu Hòa cho biết, và dẫn chứng: “Ví như bức “Thần kê”, bên cạnh bản in theo lối truyền thống, chúng tôi phối hợp với họa sĩ để vẽ tay cho bộ lông gà có nhiều màu sắc hơn, tạo thành bức “Gà ngũ sắc”. Những bức tranh này được rất nhiều người mua trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Cũng ở bức tranh này, chúng tôi nhờ họa sĩ Lê Quốc Việt viết lại những dòng chữ trên bức tranh theo lối chữ thảo để bố cục chữ và tranh gắn kết với nhau hơn”.

Bên cạnh sự cải tiến, Dự án còn mạnh dạn tạo thêm những mẫu tranh Kim Hoàng mới. “Chúng tôi đã mời nhiều nghệ nhân, họa sĩ cùng tạo mẫu mới cho tranh Kim Hoàng, nhưng đến nay mới đưa được 4-5 mẫu mới vào sản xuất thử. Dẫu khó khăn, nhưng vẫn phải cố tạo ra những mẫu mới, và rất mong được những chuyên gia, nghệ nhân am hiểu, giới truyền thông, và người dân góp ý để quá trình tạo mẫu mới đi đúng hướng. Chúng tôi quan niệm, tranh dân gian cần sự tiếp biến và sáng tạo. Chứ không chỉ khuôn định theo những gì cha ông đã tạo ra. Có như vậy sức sống của tranh dân gian Việt Nam nói chung, tranh Kim Hoàng nói riêng, mới khởi sắc”- bà Hòa nói.

Những ứng dụng sinh động

Từ suy nghĩ không chỉ làm hồi sinh mà còn phải làm mới, và để tranh dân gian đến gần với đời sống, những người thực hiện dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng đã mạnh dạn ứng dụng những họa tiết tranh Kim Hoàng trên các chất liệu khác nhau, như bộ lịch Xuân Kỷ Hợi, bao lì xì, phối hợp với nghệ nhân trong làng gốm Biên Hòa để làm đàn lợn rất ngộ nghĩnh, kết hợp với nghệ nhân làng đậu bạc Định Công làm lợn bạc, những viên sỏi chặn giấy có vẽ hình chú lợn… Bà Hòa cho biết, sắp tới, Dự án còn đưa tranh Kim Hoàng lên quạt giấy Chàng Sơn, gốm sứ Bát Tràng…

Tranh Kim Hoàng được ứng dụng trên một số sản phẩm. Ảnh: Thành Duy.

“Mục đích của việc làm này, xin khẳng định, không nhằm để kinh doanh. Thông qua những sản phẩm này, chúng tôi muốn lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc”- bà Thu Hòa khẳng định – “Khi làm những mẫu lì xì, lịch bàn và lịch treo tường, chúng tôi không mong muốn mình sẽ trở thành đại lý để bán sỉ, bán lẻ. Mà chỉ muốn làm một ít như những món quà xuân tặng bạn bè, đồng nghiệp, mỗi dịp Tết qua đó lan tỏa tranh dân gian Kim Hoàng đến với nhiều người. Đồng thời, quan trọng hơn, qua những ứng dụng này, dù chỉ mới là bước đầu, nhưng chúng tôi muốn gợi ý để những cơ sở sản xuất khác, họ có thể tạo những mẫu mới với họa tiết tranh dân gian. Nếu liên quan đến tranh Kim Hoàng, có thể liên hệ với tôi, tôi sẽ cung cấp những mẫu tranh chuẩn xác theo nghiên cứu của mình (hoàn toàn miễn phí)”.

Theo bà Hòa, số nhân sự tham gia dự án khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng không nhiều, lại hoàn toàn không có bất cứ sự tài trợ nào, nên khó tiến hành thực hiện các hoạt động thương mại, dù có thị trường. Vì vậy, thông qua những sản phẩm ứng dụng được làm thử, “chúng tôi muốn đánh thức khả năng sáng tạo, ứng dụng nét đẹp văn hóa dân gian của nhiều ngành nghề, để thêm những sản phẩm mới, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam”. Vẫn theo bà Hòa, những gì ứng dụng được mới chỉ là rất nhỏ, là những gợi ý. Cần thêm những sáng tạo độc đáo hơn, mới mẻ hơn, mang nhiều chiều kích cho những không gian sống khác nhau…

Mong có thêm nhiều nghệ nhân

Xuất phát từ tình yêu với văn hóa dân tộc, muốn dòng tranh dân gian Kim Hoàng không bị thất truyền lâu hơn nữa, Dự án đã bước đầu khơi thông được dòng chảy, khiến cho dòng tranh Kim Hoàng có cuộc tái sinh rực rỡ. Điều này thể hiện qua việc người dân đón nhận, tranh Kim Hoàng được triển lãm, giới thiệu ở một số sự kiện văn hóa, nhất là dịp Tết, dịp xuân. Bên cạnh đó, với mẫu tranh Nghê, Bộ VHTTDL cũng quan tâm tặng Bằng khen cho nhóm thực hiện.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn nhiều. Đáng kể nhất là tìm kiếm, đào tạo nghệ nhân gặp khó. Dù luôn kêu gọi, tìm kiếm, hiện nay mới chỉ có một nghệ nhân trẻ là người làng Vân Canh tham gia.

“Nhiều lúc tôi thầm ước, giá như tìm được 2, 3 người trẻ có tình yêu với tranh Kim Hoàng, để trau dồi, đào tạo thì việc phục hồi dòng tranh này sẽ tiến triển nhanh hơn”- bà Hòa ao ước, đồng thời cho biết, sẵn sàng trả lương cho những “nghệ nhân trẻ” này.

Thư Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tranh-dan-gian-kim-hoang-su-tai-sinh-ruc-ro-tintuc422955