Tranh giả lộng hành: Khó xử lý vì người liên quan không tố cáo

Dư luận sục sôi, nạn tranh giả vẫn ngang nhiên diễn ra, nhưng các cơ quan chức năng khó vào cuộc vì nạn nhân của tranh giả không đi đến cùng sự việc.

Làm tranh giả có thể đi tù 3 năm

Sự việc hai bức tranh của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng bị xóa tên để đề chữ ký của họa sĩ Phạm An Hải gây xôn xao giới mỹ thuật mấy ngày nay.

Họa sĩ Rô Hùng xác nhận đã bán hai bức tranh có đầy đủ chữ ký của mình cho ông Bảo Khánh, nhưng khi ông Bảo Khánh bán cho nhà sưu tầm C. H. L, thì chữ ký của Rô Hùng biến mất, thay vào đó là chữ ký Phạm An Hải. Trong khi đó, ông Bảo Khánh phủ nhận làm tranh giả, tranh nặc danh để bán.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Văn phòng Luật Quốc tế Thiên Việt – nhận định: “Hiện nay, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung ngày một nghiêm trọng trong đó có việc xâm phạm quyền tác giả mà tranh giả là một trong các vấn đề gây nhức nhối. Do đặc thù của việc giám định thật giả là phức tạp, chế tài xử lý còn nhiều bất cập nên nạn xâm phạm quyền tác giả có xu hướng gia tăng”.

Hành vi tẩy xóa chữ ký của họa sĩ Rô Hùng, đề tên họa sĩ khác để mạo danh vi phạm các quy định tại điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Một số khoản trong điều 28 luật này nêu rõ: “Hành vi xâm phạm quyền tác giả” khi: 2. Mạo danh tác giả. 5.Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. 15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

Bức tranh của họa sĩ Rô Hùng bị tẩy tên rồi mạo danh Phạm An Hải.

Theo luật sư Quang Ngọc, đối với việc xâm phạm quyền tác giả sẽ bị xử lý theo các quy định tại điều từ 211 đến 215 Luật Sở hữu trí tuệ 2015 từ mức xử lý hành chính khắc phục hậu quả đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả ở mức độ nghiệm trọng hoặc quy mô thương mại thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại thông tư liên tịch 01/2008.

Luật sư Quang Ngọc cho biết, Sau khi Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực, các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ sẽ bị xem xét xử lý theo quy định tại điều 225 với mức phạt tù lên đến 3 năm tù giam.

Luật sư Quang Ngọc cũng xác định trong sự việc tranh giả, tranh mạo danh trên, tác giả (họa sĩ Rô Hùng) bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền gây ra, do vậy họa sĩ có quyền yêu cầu thực thi các biện pháp từ hành chính đến hình sự để bảo đảm quyền của mình.

Trường hợp người bán tác phẩm giả cho chủ thể quyền (người mua), thì người mua cũng có quyền yêu cầu người bán phải bồi thường thiệt hại gây ra.

Cộng đồng nghệ sĩ muốn xử lý nạn tranh giả

Sự việc tranh Rô Hùng bị tẩy chữ ký đề ký mạo danh Phạm An Hải khiến cộng đồng nghệ sĩ phẫn nộ. Trên trang cá nhân, họa sĩ Phạm Đình Hợp đưa ra hai lời kêu gọi.

Đầu tiên, anh kêu gọi những nhà sưu tầm, người từng mua tranh từ ông Bảo Khánh hãy đi giám định lại tranh, để xác minh. Tiếp theo, họa sĩ Nguyễn Đình Hợp kêu gọi các họa sĩ trẻ từng bán tranh cho ông Khánh cùng tìm hiểu xem các bức tranh của mình giờ đang ở đâu, còn nguyên vẹn hay đã bị xâm hại, sau đó cùng lên tiếng.

Nhưng việc làm của các họa sĩ đều là hành động tự phát, phẫn nộ của một cồng động không liên quan trực tiếp đến sự việc. Bản thân những người liên quan trực tiếp, được xác định là bị thiệt hại trong vụ việc lại chưa vào cuộc ráo riết.

Họa sĩ Rô Hùng cho biết anh đã lên tiếng và đưa thông tin để mọi người biết rồi. Sắp tới anh lo làm triển lãm cá nhân nên không muốn bị ảnh hưởng bởi các sự việc khác.

Họa sĩ Phạm An Hải, người bị mạo danh, cũng bảo anh có một số bằng chứng, nhưng anh chỉ có thể đưa thông tin ra để mọi người biết và tránh, là nghệ sĩ nên anh muốn tập trung thời gian, năng lượng cho sáng tạo.

Anh C. H. L – người mua phải các bức tranh giả, tranh mạo danh từ ông Bảo Khánh im lặng.

Năm 2016, họa sĩ Thành Chương lên tiếng rất mạnh mẽ vì tranh của ông bị tẩy tên, mạo danh tranh Tạ Tỵ, nhưng sự việc cũng chưa được giải quyết thấu đáo.

Khó xử lý nếu nạn nhân không vào cuộc ráo riết

Luật đã quy định rõ ràng, cộng đồng lên tiếng ủng hộ xử lý nạn tranh giả, xong vụ việc tranh Rô Hùng bị mạo danh tranh Phạm An Hải vẫn khó đi đến hồi kết, bởi chính những người trong cuộc chưa theo đuổi ráo riết sự việc.

Trước nạn tranh giả lộng hành, đại diện các cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp đều cho rằng sẽ khó làm được gì nếu bản thân người mua phải tranh giả, họa sĩ bị xâm phạm quyền tác giả không lên tiếng mạnh mẽ, tố cáo, hoặc đưa sự việc ra tòa.

Ông Vũ Xuân Thanh – Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – nói về vụ tranh mạo danh này, ông chưa nhận được hồ sơ, thông tin gì liên quan. Ông nhận định sự việc tranh của họa sĩ Rô Hùng bị biến thành tranh Phạm An Hải là hành vi vi phạm bản quyền.

“Phải có đơn tố cáo, chủ sở hữu, ai bị vi phạm phải lên tiếng, có đơn gửi cho thanh tra Bộ hoặc thanh tra văn hóa của Sở Văn hóa, thanh tra Cục Bản quyền… Sau đó các cơ quan chức năng mới thẩm định sự việc đúng sai ra sao. Sau đó mới có thể xử lý được” – ông Xuân Thanh nói về quy trình xử lý các vụ việc tranh giả.

Ông Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – cũng bảo phía các họa sĩ chưa có ý kiến gì với Hội. Ông Chương cho biết, Hội không có chức năng xử lý sự việc này, chỉ có thẩm quyền phê bình, cho ra khỏi Hội nếu hội viên là người sao chép tranh giả.

“Với sự việc này, các họa sĩ liên quan phải có văn bản kiến nghị, Hội biết sẽ lên án, chứ không có quyền xử lý” – ông Chương nói.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tranh-gia-long-hanh-kho-xu-ly-vi-nguoi-lien-quan-khong-to-cao-post771576.html