Tranh in độc bản: chưa “độc”

SGTT - Xuất hiện tại Việt Nam cách đây chừng mười năm, sau những bước đi từ tốn, tranh in độc bản bỗng lan tỏa khá mạnh trong cộng đồng mỹ thuật toàn quốc thời gian gần đây…

Được xem là người đầu tiên đưa tranh in độc bản vào Việt Nam, nhưng họa sĩ Lê Huy Tiếp lại cho rằng, những kỹ thuật sử dụng trong tranh in độc bản thực ra không xa lạ. Từ nhiều năm trước, các nghệ nhân của dòng tranh in vẫn lăn màu hoặc dùng màu (sơn) vẽ lên kính hay mica, gỗ… rồi lấy giấy rập lên, thành những tác phẩm có người gọi là “tranh in lên kính”. Thực chất, họ đã sáng tạo ra vô số tranh in độc bản mà không biết. Có lẽ vì kỹ thuật quá đơn giản nên tranh in độc bản chính là bài tập đầu tiên về nghệ thuật tranh in sinh viên Lê Huy Tiếp phải hoàn thành khi theo học đại học Mỹ thuật công nghiệp Matxcơva (Nga). Tuy nhiên, nhiều năm sau khi về nước, từ lúc có được máy in chuyên dụng, ông mới đủ điều kiện làm tranh in độc bản tại Việt Nam. Những bộ tranh in độc bản đầu tiên ra đời tại Huế vào những năm 1990. Như họa sĩ Lê Huy Tiếp tâm sự thì “Càng làm, càng say vì sự phong phú trong kỹ thuật và độ biểu cảm của nó dường như không có giới hạn, cũng không giống với bất cứ một thể loại tranh in nào. Và hay nhất là người họa sĩ có thể giải tỏa rất nhanh những cảm xúc dồn nén”. Không thừa nhận mình là người đầu tiên làm tranh in độc bản tại Việt Nam, nhưng chính xác thì họa sĩ Lê Huy Tiếp chính là người đầu tiên khai phá chủ đề xã hội trong tranh in độc bản và cũng là người “nâng cấp” kỹ thuật thực hiện tranh in độc bản lên một nấc thang mới. Chẳng hạn, trước ông, chưa có ai sử dụng màu trắng trong để tạo nên độ màu trong suốt cùng sự dịch chuyển màu sắc phong phú. Nếu như các họa sĩ khác chủ yếu “vẽ” đơn giản, kiệm màu thì ông sử dụng rất nhiều màu sắc và đưa không ít vật phẩm có sẵn trong tự nhiên lên tranh (có cái in trực tiếp vào tranh, có cái in gián tiếp bằng cách lăn màu) để thể hiện ý tưởng. Đặc biệt, ông thường in rất nhiều lần mới hoàn thành một bức tranh. “Có những bức in tới gần 20 lần, in nhiều lớp để tạo ra chiều sâu và sự phong phú về không gian, màu sắc”. Mỗi một màu in xong, họa sĩ lại phải chờ mấy ngày cho khô, rồi mới in tiếp màu khác. Bởi thế, kỹ thuật thì đơn giản, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỳ công. Nét độc đáo này cộng thêm tính ngẫu hứng và độc bản, nên theo họa sĩ Lê Huy Tiếp, trên thế giới, tranh in độc bản thường được định giá cao hơn các thể loại tranh có thể nhân bản hàng trăm, hàng ngàn lần như tranh khắc kẽm, tranh khắc gỗ, tranh khắc kim loại, tranh in đá… Trong số các họa sĩ làm tranh in độc bản tại Việt Nam, Lê Huy Tiếp được đánh giá là xuất sắc hơn cả với không ít giải thưởng do hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng. Đặc biệt, bộ tranh in độc bản chủ đề Môi trường biển (thực hiện năm 2001) đã góp phần giúp họa sĩ giành được giải thưởng cao quý – giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Các tác phẩm tranh in độc bản của ông mau mắn lọt “mắt xanh” của các nhà sưu tầm tranh quốc tế và được định giá rất khả quan. Thành công của Lê Huy Tiếp cộng với tính chất độc đáo của tranh in độc bản đã tạo nên sức hút khá mạnh cho thể loại tranh mới này. Đã nổi lên một vài gương mặt triển vọng như: Thanh Tâm (Thái Bình) với một tác phẩm tranh in độc bản được giới thiệu ở triển lãm quốc tế tranh đồ họa tại Trung Quốc (tổ chức hai năm một lần) năm 2009; Hoàng Bích Liên, Vũ Bạch Liên, Nguyễn Vũ Quyên (Hà Nội) với triển lãm cá nhân về tranh in độc bản; Nguyễn Hải Bằng (Huế) với một vài giải thưởng cấp khu vực. Tại TP.HCM, đội ngũ làm tranh in độc bản có nhiều họa sĩ nổi tiếng như Hồ Hữu Thủ, Thanh Tùng, Hữu Lâm… Cách đây chưa lâu, khi tham gia triển lãm mỹ thuật tại Côn Minh – Trung Quốc, các tác phẩm tranh in độc bản được chọn lọc từ các trại sáng tác của hội Mỹ thuật Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn nước bạn vì “có những cách nhìn mới và cách thể hiện kỹ thuật mới”. Tuy thế, nhìn lại những bước đi của tranh in độc bản Việt Nam, có thể thấy, ngoài Lê Huy Tiếp, chưa có gương mặt nào thực sự gây dấu ấn, cũng chưa có cái tên nào được xướng danh ở những giải thưởng lớn cấp toàn quốc. Là người trực tiếp hướng dẫn cho hầu hết các họa sĩ làm tranh in độc bản tại Việt Nam, họa sĩ Lê Huy Tiếp nhận định: “Giống như hội họa giá vẽ, tranh in độc bản cũng có chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa siêu thực, trừu tượng… nhưng tranh in độc bản Việt Nam còn quá đơn giản về ý tưởng lẫn tạo hình. Hiện tượng sao chép cách nhìn và kỹ thuật của nhau khá lộ liễu. Nhiều họa sĩ tỏ ra dễ dãi trong sáng tác. Nhiều người lấy hoa lá hay vài thứ đồ vật cho lên mặt tranh nhằm gây hiệu ứng về kỹ thuật tạo hình, nhưng lại phản tác dụng vì ý tưởng nhợt nhạt”. Đồng quan điểm với họa sĩ Lê Huy Tiếp, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo nhấn mạnh: “Tranh in độc bản quan trọng nhất phải có ý tưởng và biết cách phân bổ bố cục, màu sắc hợp lý, còn nếu không thì chỉ là quệt màu linh tinh để thử, để chơi vậy thôi!”

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/giai-tri/122939/tranh-in-doc-ban-chua-%e2%80%9cdoc%e2%80%9d.html