Tránh làm đô thị thông minh dàn trải, theo phong trào

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Thành Hưng cho rằng, các địa phương cần có nhận thức đúng về đô thị thông minh (ĐTTM), các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công ĐTTM tại địa phương, hết sức tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào.

Trên cả nước hiện có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án dự án về phát triển ĐTTM.

Trên cả nước hiện có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án dự án về phát triển ĐTTM.

Phát biểu trong Hội thảo chuyên đề Thành phố thông minh: “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 diễn ra chiều 2/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, xây dựng đô thị là yêu cầu tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh phát triển bùng nổ của đô thị.

Hội thảo chuyên đề về xây dựng đô thị thông minh.

Thực tế đến nay trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án dự án về phát triển ĐTTM. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TTTT, việc phát triển ĐTTM hiện nay còn nhiều bất cập và lúng túng” – ông Hưng nói – “Các bộ ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về ĐTTM và các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng dịch vụ cơ bản cho ĐTTM.”

Vì thế, về việc xây dựng ĐTTM, Thứ trưởng Bộ TTTT cho rằng, các địa phương cần có nhận thức đúng về ĐTTM, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công ĐTTM tại địa phương, hết sức tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào (Câu nói xe buýt có WiFi miễn phí trước hết phải có xe buýt sạch).

“Trong triển khai ĐTTM, cần quán triệt nguyên tắc xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ tập trung và giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Ví dụ, về đầu tư camera giám sát thì ai làm: Công an hay Giao thông, hay tập trung đầu tư bởi thành phố rồi các ngành dùng chung?” – ông Nguyễn Thành Hưng nói.

Lãnh đạo ngành TTTT lưu ý không được tách rời việc xây dựng ĐTTM với phát triển chính quyền điện tử. Theo ông Hưng, cần coi trọng chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng ĐTTM, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền. Người dân phải được cung cấp các ứng dụng để giao tiếp với chính quyền và mọi ý kiến phản ánh của người dân phải được giải đáp nhanh và thỏa đáng.

Các địa phương căn cứ vào điều kiện và yêu cầu cụ thể của từng địa phương, lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu cần ưu tiên triển khai khi xây dựng ĐTTM, tránh rập khuôn, đầu tư tràn lan, Ví dụ, có địa phương thì ứng dụng ĐTTM cho văn hóa du lịch, có địa phương thì cho giao thông…. Ông Hưng cũng nhấn mạnh cần hết sức quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng ngay từ giai đoạn đầu của việc thiết kế xây dựng, triển khai ĐTTM.

Bên cạnh sự cần thiết có công cụ để đo lường, đánh giá được kết quả thực hiện ĐTTM, thì các địa phương cũng cần lựa chọn các DN công nghệ có đủ năng lực để tổ chức triển khai. “Cuối cùng không thể hiếu là quan tâm phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Một ĐTTM không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, nếu thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ để hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó” – ông Nguyễn Thành Hưng nói.

Gian hàng của các doanh nghiệp trong Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ liên quan chủ trì, diễn ra ngày 2,3/10/2019 tại Hà Nội.

Với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN lần thứ 4”, phiên Diễn đàn cấp cao tập trung giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết của Bộ Chính trị, phổ biến quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”” và các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về chiến lược quốc gia CMCN 4,0 của Việt Nam, về chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số.

Chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 5 chủ đề chính bao gồm: Ngân hàng thông minh; Thành phố thông minh; Sản xuất thông minh, Năng lượng thông minh và Kinh tế số. Song song với các phiên chuyên đề, là Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 và hoạt động kết nối đầu tư công nghệ.

Bách Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/doi-song-so/tranh-lam-do-thi-thong-minh-dan-trai-theo-phong-trao-473466.html