Tranh lụa đang 'hồi sinh'

Đã có một thời gian khá dài, tranh lụa Việt Nam sống mà tưởng như đã chết. Tức là, bị coi nhẹ, bị bỏ quên, người theo lụa đến cùng thì lặng lẽ vẽ. Người ta ngại nhắc đến lụa như nhắc đến một nỗi buồn của mỹ thuật Việt. Thế nhưng, giờ đây, tranh lụa Việt Nam đã thực sự hồi sinh với sức sống mới, tràn đầy hơi thở đương đại và nhuệ khí sáng tạo.

Tác phẩm “Im lặng cho hoa nở” của Vũ Đình Tuấn

Nghệ thuật đích thực có giá trị riêng

Lụa là chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa có không khí u hoài, lãng mạn, vừa nhuần nhụy và tinh tế. Phong cách vẽ lụa nhuộm màu nhiều lần và rửa nước làm cho nền lụa ánh lên vẻ mịn màng, óng ả với hòa sắc êm dịu mà vẫn đằm thắm là lối vẽ chỉ có các họa sỹ Việt Nam mới có. Nhờ lối vẽ này, các tác phẩm tranh lụa của dải đất chữ S mang đậm đà cái tình của người vẽ và vẻ đẹp Á Đông rất trữ tình. Trở lại câu chuyện về tranh lụa, sự thăng trầm của chất liệu này là câu chuyện rất bình thường của lịch sử nghệ thuật. Nhưng nếu để lụa mất đi lại là điều bất bình thường, vì đó là vốn quý của mỹ thuật Việt cần phải giữ gìn và phát huy.

Lụa đã có thời gian khá dài tạm lùi về khu biệt ở một số tác giả, trước làn sóng ồ ạt, nhộn nhịp của xu thế hội nhập, với những quan điểm thẩm mỹ và cách thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật đích thực có giá trị riêng và bền vững với thời gian. Gần đây, một thế hệ họa sỹ có trong mình khát vọng khai mở những khả năng tận cùng của chất liệu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, đã mang lại sức sống mới cho tranh lụa Việt Nam. Lụa không u mờ, đỏng đảnh, ru ngủ thị giác mà trỗi dậy mạnh mẽ, trong sáng, rực rỡ. Nhìn vào các tác phẩm tại Triển lãm Tranh lụa và Điêu khắc kích thước nhỏ, do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức để thấy, lụa đã thực sự hồi sinh.

Triển lãm Tranh lụa và Điêu khắc kích thước nhỏ diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, Royal City, Hà Nội từ ngày 25-10 đến 17-11-2018. Triển lãm giới thiệu tới công chúng 203 tác phẩm tranh lụa và điêu khắc kích thước nhỏ của 45 nghệ sỹ tiêu biểu được lựa chọn trên phạm vi cả nước, thuộc thế hệ sinh ra từ năm 1970 đến nay.

Các họa sỹ trẻ với sự đột phá trong tư duy tạo hình và kỹ thuật thể hiện đã tạo nên các bức tranh có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ. Không ít tác phẩm đạt đến trình độ cao của học thuật, biểu cảm tinh tế, xử lý nhuần nhuyễn các cung bậc ngôn ngữ, khai thác triệt để đặc tính trong suốt và xuyên thấu của nền lụa. Lụa vì thế mà ngời ra, trong vắt.

Dù lâu nay lụa luôn bị mang tiếng là khó chiều, khó thể hiện nhưng các họa sỹ trẻ đã xóa đi định kiến này bằng việc đưa vào lụa các câu chuyện thời đại, kết hợp hài hòa giữa những vấn đề riêng tư của cá nhân. Không một giới hạn nào được đặt ra trong cách thể hiện lụa hiện nay.

Tranh lụa đẹp đắt khách

Theo họa sỹ Vũ Đình Tuấn, giám tuyển của Triển lãm Tranh lụa và Điêu khắc kích thước nhỏ thì chưa bao giờ, đời sống của các họa sỹ vẽ tranh lụa lại tốt đến thế. Đầu ra cho tranh vô cùng rộng rãi. Có thể nói, với các bức lụa đẹp, tranh vẽ ra đến đâu hết đến đó. Vì thế, ngày càng có nhiều họa sỹ trẻ thử sức với chất liệu đậm chất Á Đông này. Nhờ đó, lực lượng vẽ tranh lụa của Việt Nam hiện nay đang rất hùng hậu. Các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, các sự kiện mỹ thuật tổ chức trong và ngoài nước đã xuất hiện nhiều tác giả đem đến sinh khí mới, hy vọng mới cho lụa.

Bộ tranh lụa “Ngài hạnh phúc” của Trần Hoàng Sơn

Cũng cần nói thêm, trên thị trường tranh quốc tế, các bức tranh đạt kỷ lục đấu giá của các tác giả Việt Nam thường rơi vào tranh lụa. Gần đây nhất là bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” của họa sỹ Nguyễn Nam Sơn đã được nhà đấu giá Aguettes (Pháp) bán với giá gần 12 tỷ đồng. Trước đó, bức tranh “Em bé cho chim ăn” của danh họa vẽ lụa nổi tiếng Việt Nam là Nguyễn Phan Chánh đã được đấu giá Christie’s Hong Kong (Trung Quốc) bán cho một nhà sưu tầm người Việt với mức gần 20 tỷ đồng. Vị thế của tranh Việt trên trường quốc tế đang được chính các họa sỹ vẽ tranh lụa góp phần khẳng định. Do vậy, với sự hồi sinh của tranh lụa Việt Nam, nhiều người có quyền hy vọng về một tương lai sáng lạn của mỹ thuật nước nhà sẽ khởi sắc, đi lên và góp tiếng nói chung với nền mỹ thuật thế giới.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/tranh-lua-dang-hoi-sinh/787932.antd